Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 24/QÐ-UBND ngày 3/10/2014 của UBND tỉnh về quy định thời gian sên, vét đất bùn thải trong cải tạo ao, đầm nuôi thuỷ sản còn nhiều bất cập. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định 34/2016/QÐ-UBND ngày 30/11/2016 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/QÐ-UBND, đang được người dân đồng tình đón nhận.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, trước khi Quyết định 24/QÐ-UBND ngày 3/10/2014 của UBND tỉnh ban hành, UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định về sên, vét bùn cải tạo ao đầm trong nuôi thuỷ sản. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, việc sên vét ao, đầm xả thải trực tiếp ra sông rạch diễn ra thường xuyên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nguyên nhân được xác định là do nhiều hộ dân có diện tích đất sản xuất nhỏ nên tận dụng tối đa diện tích để làm ao nuôi, không có nơi chứa chất thải để xử lý. Một bộ phận không ít người dân thiếu ý thức, bơm trực tiếp bùn đất và chất thải ra sông rạch. Công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, kinh phí còn thiếu, lực lượng kiểm tra chủ yếu là kiêm nhiệm…
Từ những nguyên nhân trên, mới đây, UBND tỉnh tiến hành lấy ý kiến trực tiếp của người dân để ban hành Quyết định số 34/QÐ-UBND ngày 30/11/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 24/2014/QÐ-UBND của UBND tỉnh.
Các quyết định trước đây quy định thời gian sên, vét đất bùn thải trong cải tạo ao, đầm nuôi tôm có thời gian nhất định từ 1-2 tháng trong năm, gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm. Còn Quyết định số 34/QÐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh có nhiều quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân như: đối với sên vét đất, bùn cải tạo ao, đầm bằng máy khoan, máy hút, máy đào, xáng dây, xáng cuốc và sên vét thủ công có khu chứa bùn thải phù hợp, đảm bảo chứa đủ bùn thải trong quá trình sên, vét và đối với sên vét không để đất, bùn tràn ra môi trường bên ngoài thì được sên vét, cải tạo quanh năm. Riêng đối với hình thức nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến khi sên vét cải tạo ao đầm bằng máy khoan, máy hút thì chỉ được thực hiện từ 15/8-15/10 dương lịch hằng năm.
Ngoài ra, Khoản 2, Ðiều 8 và Ðiều 9a được sửa đổi bổ sung như: giao Sở NN&PTNT tuyên truyền hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bố trí khu chứa bùn thải và chất thải trong sên vét ao đầm không thoát ra môi trường bên ngoài. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Môi trường, công an các huyện và TP Cà Mau chủ động phối hợp với ngành chức năng thường xuyên kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động sên vét cải tạo ao, đầm trong nuôi thuỷ sản.
Ông Nguyễn Việt Ðoàn, người nuôi tôm xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, phấn khởi: "Quyết định số 34 có nhiều điểm mới sát với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sên vét cải tạo ao đầm nuôi tôm công nghiệp được thực hiện quanh năm. Vì nuôi tôm công nghiệp mỗi năm được 2-3 vụ, trước mỗi vụ nuôi thì cần phải cải tạo lại ao, đầm hút hết bùn thải ô nhiễm dưới đáy. Nhưng trong cải tạo phải có khu chứa chất bùn thải đảm bảo không rò rỉ đất, bùn thải ra môi trường bên ngoài gây ô nhiễm. Còn các quyết định trước đây quy định thời gian sên vét có thời hạn nên người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn trong cải tạo".
Phó Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước Ðoàn Văn Chín cho biết, với trên 35.000 ha nuôi tôm, hiện huyện có gần 2.500 ha nuôi tôm công nghiệp. Quyết định 34/2016/QÐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh quy định về quản lý và thời gian sên vét cải tạo ao, đầm trong nuôi tôm có nhiều điểm mới hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân so với các quyết định ban hành trước đây nên người dân rất đồng tình./.
Trúc Ly