ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 10-11-24 14:12:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những điều cần hiểu thêm về tôm càng xanh

Báo Cà Mau Vài năm gần đây, mô hình nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng lúa khá thành công. Nông dân có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng/ha, đã thôi thúc nông dân nhiều nơi trong tỉnh muốn mở rộng diện tích nuôi đối tượng dễ tính và nhiều hấp dẫn này.

Vài năm gần đây, mô hình nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng lúa khá thành công. Nông dân có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng/ha, đã thôi thúc nông dân nhiều nơi trong tỉnh muốn mở rộng diện tích nuôi đối tượng dễ tính và nhiều hấp dẫn này. Ðặc biệt, gần đây có đối tượng tôm càng xanh toàn đực được nuôi thử nghiệm thành công ở 11 hộ dân tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, càng làm cho bà con thêm tin tưởng. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên nhiều người vẫn còn rất mơ hồ, chưa biết rõ về đời sống của tôm càng xanh, từ đó việc chăm sóc còn hạn chế nên năng suất chưa cao.

Theo các tài liệu, trong tự nhiên, vòng đời của tôm càng xanh có 4 giai đoạn rõ ràng là trứng, ấu trùng, hậu ấu trùng và tôm trưởng thành. Tôm trưởng thành sống ở vùng nước ngọt, thành thục và giao vĩ trong nước ngọt, nhưng sau đó chúng di cư ra vùng nước lợ đẻ (có độ mặn 6-18%o) và ấu trùng nở ra sống phù du trong nước lợ. Khi hoàn thành 11 lần lột xác để thành tôm con thì tôm di chuyển dần vào trong vùng nước ngọt.

Ở ÐBSCL có 2 mùa tôm sinh sản chính là tháng 4-6 và tháng 8-10. Tôm cái thành thục lần đầu ở khoảng 3-3,5 tháng (đạt khoảng 40 g, hay 140-150 cm chiều dài) kể từ hậu ấu trùng 10-15 ngày tuổi (PL10-15). Kích cỡ tôm nhỏ nhất đạt thành thục được ghi nhận là khoảng 10-13 cm và chỉ đạt 7,5 g. Tuy nhiên, tuổi thành thục và kích cỡ thành thục của tôm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường, thức ăn và tôm cái khi thành thục thì mang trứng nên rất chậm lớn.

Thu hoạch tôm càng xanh của bà con nông dân huyện Thới Bình.     Ảnh: HOÀNG DIỆU

Về giới tính, tôm đực có kích cỡ lớn hơn tôm cái, đầu ngực to hơn và khoang bụng hẹp hơn. Tôm cái thường có phần đầu ngực nhỏ và đôi càng thon, có 3 tấm bụng đầu tiên rộng và dài tạo thành khoang bụng rộng làm buồng ấp trứng.

Tôm càng xanh xác định thức ăn bằng mùi và màu sắc, tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác (râu). Ðây là loài ăn tạp nghiêng về động vật, thức ăn tự nhiên của chúng là các loại nguyên sinh động vật, giun nhiều tơ, giáp xác, côn trùng, nhuyễn thể, các mảnh cá vụn, các loài tảo, mùn bã hữu cơ và cát mịn. Khi tìm được thức ăn, chúng dùng chân ngực thứ nhất kẹp gắp thức ăn đưa vào miệng.

Tôm thường bò trên mặt đáy ao bắt mồi nhiều vào chiều tối và sáng sớm, dùng càng nhỏ đưa mồi vào miệng. Trong thời gian ấp trứng, tôm cái có thể nhịn ăn vài ba ngày. Tôm càng xanh có một đặc tính loài đáng lưu ý là nếu không đủ thức ăn, chúng hay ăn thịt lẫn nhau khi lột xác, nên khi nuôi tôm thương phẩm phải đề phòng hiện tượng này để có giải pháp thích hợp hạn chế sự ăn thịt lẫn nhau.

Tôm càng xanh trưởng thành thường ăn tầng đáy, tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác. Chúng dùng râu quét ngang, dọc phía trước hướng di chuyển. Trong quá trình tìm thức ăn, tôm có tính tranh giành cao, cá thể nhỏ thường tránh xa đàn hay khi tìm được một miếng thức ăn thì di chuyển đi nơi khác, trong khi đó con lớn vẫn chiếm chỗ và đánh đuổi tôm nhỏ. 

Về lột xác, giống như các loài giáp xác khác, để sinh trưởng, tôm càng xanh lột vỏ theo chu kỳ. Quá trình này được gọi là sự lột xác và tiếp theo sau mỗi lần lột xác đó là sự gia tăng đột ngột về kích thước và trọng lượng.

Tốc độ sinh trưởng của tôm đực và cái gần như tương đương nhau, cho tới khi chúng đạt kích cỡ 35-50 g, sau đó khác nhau rõ theo giới tính. Tôm đực sinh trưởng nhanh hơn tôm cái và đạt trọng lượng có thể gấp đôi tôm cái trong cùng một thời gian nuôi, nên có hiện tượng thường thấy trong nuôi tôm càng xanh là sự phân đàn khá rõ, kể cả trong cùng một nhóm giới tính. Ðây là ưu điểm của tôm càng xanh toàn đực.

Tôm càng xanh là loài thích nghi với biên độ nhiệt rộng, từ 18-34oC. Nhiệt độ tốt nhất từ 26-31oC; cần ánh sáng vừa phải, cường độ thích hợp nhất là 400 lux, ánh sáng cao sẽ ức chế hoạt động của tôm. Do vậy, ban ngày tôm xuống đáy thuỷ vực trú ẩn, ban đêm hoạt động tìm mồi tích cực. Mức pH thích hợp nhất là 6.5-8.5, pH dưới 5 tôm hoạt động yếu và chết sau 6 giờ. Khi gặp môi trường có pH thấp, tôm sẽ nổi đầu, dạt vào bờ, mang đổi màu, mang và các phụ bộ bị lở loét, tôm bơi lội chậm chạp và chết sau đó. Môi trường sống phải có oxy hoà tan > 3 mg/l, dưới mức này tôm hoạt động yếu, tập trung ven bờ, nổi đầu và chết sau vài giờ. Tôm càng xanh chỉ thích hợp ở nồng độ muối từ 0-16%o, tôm trưởng thành sinh trưởng tốt ở vùng cửa sông ven biển./.

Nguyễn Văn Thước

Tập trung sản xuất lúa đông xuân

Những ngày này, nông dân trong tỉnh đang tập trung sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025. Ðây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, bởi ngoài thời tiết thuận lợi, lúa đạt năng suất thì giá lúa cũng cao hơn so với vụ hè thu.

Hỗ trợ nông dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử

Chiều 1/11, Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Felix tổ chức lễ ký kết hợp tác hỗ trợ hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nông dân lên sàn Thương mại điện tử Nông sản B2B (Felix.store), kết nối giao thương, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ để tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các viện, trường, nhà khoa học; các sở, ngành, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp; người trực tiếp sản xuất để xác định được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn địa phương. Đồng thời, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp về nhân lực, khoa học và công nghệ, tín dụng và các ngành phụ trợ để giải quyết các vấn đề sản xuất mà Cà Mau đang gặp phải. Đây là mục tiêu đặt ra của Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống”, do Sở KH&CN tổ chức sáng 1/11.

Sản lượng và lợi nhuận của người nuôi tôm phải song hành

Đó là chủ đề chính được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo tham vấn về giải pháp nuôi tôm hiệu quả, vừa được Cục Thuỷ sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức sáng 31/10.

Thêm thu nhập từ soi ốc bươu vàng

Trên các cánh đồng bồn bồn của bà con huyện U Minh, ốc bươu vàng sinh sản nhanh. Soi ốc bươu vàng ban đêm thời gian gần đây đã tạo thêm thu nhập cho bà con, đồng thời góp phần giảm lượng ốc, bảo vệ cây trồng.

Ðưa bánh phồng tôm "xuất ngoại"

Làng nghề bánh phồng tôm ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, hình thành và phát triển đến nay trên 50 năm. Với hương vị thơm ngon, món bánh phồng tôm đã chinh phục được thực khách trong, ngoài tỉnh và nước ngoài. Những năm gần đây, để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm bánh phồng tôm, các chủ thể, cơ sở sản xuất đã đầu tư trang thiết bị, cải tiến chất lượng sản phẩm, bao bì, đưa bánh phồng trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, nâng lên 5 sao để đủ chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Trồng lúa thời 4.0

Gần đây, nhiều nơi nông dân làm nông nghiệp bằng ứng dụng thiết bị bay không người lái thay thế các phương pháp thủ công truyền thống, góp phần thay đổi tư duy để nhà nông bắt nhịp được với nền nông nghiệp thông minh (công nghệ 4.0).

Nhộn nhịp mùa thu hoạch cá chình

Thời điểm này, nông dân xã Tân Thành, TP Cà Mau tất bật vào vụ thu hoạch cá chình. Công việc qua nhiều công đoạn vất vả, song ai nấy vui lây cùng chủ ao khi cá trúng mùa, được giá ở mức trên 500 ngàn đồng/kg (loại 1).

Người dân thêm lựa chọn phát triển kinh tế

Ngày 25/10, nhóm thực hiện Dự án “thử nghiệm sinh sản và ương sò huyết giống phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển tỉnh Cà Mau” tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện tại Trại giống Minh Hoàng, ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước.

Khá lên nhờ nghề làm mắm truyền thống

Chồng mất sớm, gia đình không đất sản xuất, bản thân không nghề nghiệp ổn định, một mình phải gồng gánh nuôi 2 con nhỏ nhưng chị Trần Thị Hiền (vợ Dũng Mắm), 56 tuổi, ở Khóm 4, thị trấn U Minh, huyện U Minh biết phát huy nghề truyền thống - làm mắm cá đồng để tự tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.