Hôm có dịp ghé thăm nhà anh Nguyễn Chí Cường, ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, lúc mặt trời gần đứng bóng, cũng là lúc vợ chồng anh và các hộ dân lân cận phát dọn cỏ bờ đến giờ nghỉ trưa. Theo thói quen của người nông dân thì thời gian nghỉ trưa là dịp để bà con ngả lưng dưỡng sức để tiếp tục phần công việc vào buổi chiều, thế nhưng bà con nơi đây ngồi lại bàn cách làm giàu thật rôm rả.
Hôm có dịp ghé thăm nhà anh Nguyễn Chí Cường, ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, lúc mặt trời gần đứng bóng, cũng là lúc vợ chồng anh và các hộ dân lân cận phát dọn cỏ bờ đến giờ nghỉ trưa. Theo thói quen của người nông dân thì thời gian nghỉ trưa là dịp để bà con ngả lưng dưỡng sức để tiếp tục phần công việc vào buổi chiều, thế nhưng bà con nơi đây ngồi lại bàn cách làm giàu thật rôm rả.
Hớp ly trà đá, anh Cường nói: “Mấy anh, chị thấy chưa, tin tôi là đâu có sai. Nếu đợt rồi không nghe lời tôi, không sử dụng giống lúa cấp xác nhận thì giờ chắc gì có được miếng ruộng trông đã mắt như thế này”. Anh Cường chưa dứt lời thì một người khác xem vào: “Ðúng là lúa chất lượng có khác. Nhưng lúa trúng như năm nay còn nhờ bà con mình áp dụng kỹ thuật canh tác của cán bộ ở Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn nữa chứ. Nếu không làm đất bằng phẳng, phun thuốc, bón phân hợp lý thì giống tốt cũng chưa chắc là trúng à”.
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hoá trong sản xuất nên năng suất lúa của người dân không ngừng được nâng lên. |
Ðang bàn tán xôn xao thì anh Cường có cuộc điện thoại: “Lúa còn khoảng 20 ngày nữa mới chín bồ ơi, lúa vụ này đẹp lắm nha, không chỉ chắc mà còn sáng đẹp nữa, con gái 18 chưa chắc bằng à nha! Nếu tôi chở ra ngoài cống thì giá phải lên mỗi giạ 500 đồng nữa nha, tôi hợp đồng bà con ở đây chở ra bán luôn cái một…”. Nghe qua, biết đó là một cuộc ngã giá lúa của anh Cường với một thương lái nào đó. Qua câu chuyện, tôi biết năm nay anh Cường làm giống lúa OM 6976, giống lúa siêu nguyên chủng, chất lượng cao vừa mới được Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh sản xuất vào năm 2014. Ðây là giống lúa chịu phèn, chịu mặn tốt, ít sâu bệnh nên rất phù hợp để sản xuất trên vùng đất U Minh.
Anh Cường vui mừng chỉ tay về phía ruộng mình nói: “Anh nhìn mà xem, đám lúa này đâu dưới 30 giạ/công. Có được kết quả như vậy là nhờ năm nay thời tiết tốt, rồi mình áp dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và đặc biệt là sử dụng giống lúa chất lượng cao. Theo tôi, giống lúa quyết định rất lớn đến năng suất mùa vụ nên những vụ mùa sau tôi vẫn tiếp tục chọn giống lúa chất lượng cao để sản xuất. Ðầu vào tuy có cao nhưng bù lại năng suất cao hơn các giống lúa thường, tính ra mình vẫn còn lãi khá. Bây giờ thì tôi và bà con ở đây có quyền mơ về một cuộc đổi đời trên chính mảnh đất của mình rồi”.
Anh Nguyễn Hoàng Chiến ở ấp 14, xã Nguyễn Phích cũng là một trong những nông dân điển hình thời hội nhập. Ðang học cao đẳng ngành Công nghệ thông tin tại TP Hồ Chí Minh, đùng một cái anh từ bỏ giảng đường để trở về quê làm kinh tế. Anh Chiến thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp: nuôi heo nái, thỏ, bồ câu, trăn, rắn ri tượng và gà nòi lai. Hiện hầu hết các đối tượng nuôi của anh đều cho hiệu quả, mỗi năm mang về cho anh hơn 150 triệu đồng. Cũng chính nhờ tính hiệu quả mà mô hình chăn nuôi của anh Chiến được chính quyền địa phương quan tâm nhân rộng trong lực lượng đoàn viên, thanh niên và Nhân dân trong xã.
Anh Chiến chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình, tôi cũng như bao người mới vào nghề khác, gặp rất nhiều khó khăn do chưa nắm được hết các đặc tính, cũng như các bệnh thường gặp của từng loại vật nuôi nên vất vả lắm. Mỗi lần chúng bệnh là chạy đi rước bác sĩ thú y toát cả mồ hôi. Nhưng sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, nhất là tham khảo các trang mạng xã hội, tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Ðặc biệt, nhờ có chương trình hỏi đáp trực tuyến về nông nghiệp qua mạng internet mà tôi ngày càng nắm vững hơn về kiến thức chăn nuôi. Bây giờ đàn vật nuôi của tôi bị bệnh, tôi chẳng sợ nữa, chỉ cần lên mạng trao đổi với các nhà chuyên môn 5-10 phút là biết cách điều trị”.
Cũng chính từ sự thành công và tài sử dụng internet trong chăn nuôi mà anh Chiến đã trở thành “kỹ sư bất đắc dĩ” của đông đảo bà con ở vùng U Minh Hạ. Anh Chiến cho biết thêm: “Bà con ở đây chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ không đầu tư tới nơi, tới chốn nên đàn vật nuôi rất dễ xảy ra dịch bệnh. Thấu hiểu điều đó nên tôi sẵn sàng giúp đỡ bà con khi có dịch bệnh cần tìm hiểu cách điều trị. Giúp bà con, tôi cũng học được nhiều kinh nghiệm nên ai cần là tôi sẵn sàng đến giúp đỡ”.
Còn anh Trà Sơn, một nông dân người dân tộc Khmer, ở ấp 10, xã Khánh Thuận thì lại có những suy nghĩ hết sức tiến bộ mà bấy lâu đồng bào Khmer vốn ít nghĩ đến. Anh xem chuyện học hành của con cái ngày nay là quan trọng nhất. Theo anh Sơn, chỉ có học mới có cơ hội thay đổi số phận và theo kịp với nền kinh tế thị trường nhiều biến động hiện nay. Chính từ suy nghĩ ấy mà anh quyết tâm lao động sản xuất, anh thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp nuôi tôm - cua - cá kết hợp, trồng cây ăn trái, nuôi gà và làm nhiều công việc khác. Cứ như vậy, mỗi năm anh tích luỹ một ít, rồi chi tiêu tiết kiệm, để sau này lo chuyện học hành cho con. Hiện con anh 1 cháu học lớp 5, 1 cháu lớp 2.
Anh Sơn chia sẻ: “Sở dĩ tôi có được ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào khoa học công nghệ. Khoảng 7 năm trước, khi mà người dân ở đây chưa ai biết đến ti-vi màu thì tôi đã có được điện thoại di động để liên hệ làm ăn, rồi sau đó tôi có luôn máy vi tính lên mạng tìm hiểu cách làm ăn. Vì vậy, đầu tư cho con cái học hành tốt để sau này có kiến thức theo kịp sự phát triển xã hội, để có cuộc sống tốt hơn là việc cần làm”.
Ðó là những minh chứng sinh động cho những người nông dân tay lấm chân bùn dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn áp dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tôi mạn phép gọi đây là những “nông dân thời @”. Chính những người nông dân này đã và đang ra sức cải tạo vùng đất khó, biến chúng thành vùng đất màu mỡ, mang luồng sinh khí mới, một sức sống mới trên đất rừng U Minh./.
Bài và ảnh: Trần Thể