ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 08:24:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những tiếng rao vài dấu lặng buồn...

Báo Cà Mau (CMO) Nếu có ai hỏi thanh âm nào kịp ở lại trong lòng chúng tôi, thế hệ đôi mươi vừa bước vào đời, thì câu trả lời khắc khoải nhất là… “những lời rao”. Trên mấy vùng quê cũ, hay cả trong những thành phố rộng, đâu đó vẫn còn nôn nao bởi mấy lời thương nhớ ấy. Chúng như những âm điệu riêng, thẩm thấu và nuôi lớn cái thuở hồi ức còn là chuỗi ngày đi rong giữa lòng đời rộng, của mỗi con người…

Tiếng rao trở thành nét đặc trưng văn hoá sông nước Nam Bộ. (Ảnh chụp tại chợ nổi Cái Răng, trước giãn cách xã hội).

Tiếng rao ở quê là lênh đênh nắng sớm

Chắc hẳn khi trước trưởng thành, mỗi người đều từng đi qua những dòng sông. Và tôi, cũng còn giữ nhiều kỷ niệm riêng ở dòng sông quê mình, mấy ngày mà tôi còn là cậu học trò cấp một. Ðó là những lời rao sớm…

Khi đó, dòng sông ấy là con đường duy nhất của một vùng quê nghèo, vẫn chưa có lộ, chưa có nhiều tiếng còi xe. Con sông nhỏ đó nằm trước nhà tôi. Nó đủ rộng cho vài chiếc ghe đi ngang nhau.

Ba tôi làm nghề chạy đò máy, còn mẹ bán đồ rẫy trên sông. Năm tôi được 6 tuổi, mỗi ngày mới của tôi bắt đầu khi ba thức giấc, tát nước trên chiếc vỏ lãi. Còn mẹ thì đem mớ đồ rẫy phơi sương vào nhà, lựa lại để chuẩn bị chèo ghe đi bán xa. Rồi mỗi người cất lên một tiếng rao riêng, mỗi người rẽ riêng một hướng… Ðộ chừng gần 5 giờ sáng, là khá muộn, trên sông đã thấp thoáng những lời rao...

Tiếng rao sớm nhất là tiếng rao của mấy con đò. Ðò máy thì mở máy chạy đề-ti (chạy từ từ)… Tiếng máy nổ chầm chậm. Tiếng rao cũng chầm chậm theo từng nhịp của mấy cái máy cu-le, máy dầu.. “Ðò không?... Ai đò hông?”. Chất giọng hơi khan khan của ba tôi đôi khi nhoè lẫn trong tiếng máy cu-le, phải nhắm mắt, nghe thật kỹ mới nhận ra đâu là tiếng của ông, đâu là tiếng máy sớm đang hằn vào mặt sông còn chưa kịp sáng ấy…

Tôi còn nhớ, khi đó ở quê tôi có 2 loại đò: đò máy và đò chèo. Ðò máy, như của cha tôi, thì chở được nhiều người hơn, xa hơn nên phải đi sớm hơn mới có khách. Mỗi chiếc đò máy thường chạy từ đầu vàm trên đến chợ, khoảng chừng 15 cây số. Một chuyến đò máy chở được khoảng mười mấy người. Nhưng trong xóm tôi khi đó, có lúc gần chục người chạy. Nên phải hơn một tuần, ba tôi mới có ngày được đi tài nhất (chạy chuyến đầu tiên). Người ta cũng chỉ đi nhiều vào giờ đó để kịp về sớm mà lo việc khác… 

Ðò chèo thì ít hơn, chỉ vài chuyến một ngày. Mỗi chuyến đò chèo chở được gần 8 người nên mấy chiếc đò chèo thường bắt đầu đi ở khúc đầu vàm dưới, cách chợ vài cây số. Người đi đò chèo thường là những khách quen, do nhà gần chợ nên đi muộn. Cũng vì vậy mà mấy chuyến ấy không sợ mất khách.

Chợ sáng quê tôi đông lắm. Người ta thường đem tất cả món hàng mới nhất, tươi nhất ra đó bán... Ngoài đó, họ cũng hay rao, nhưng lời rao không lớn, không vẳng lại như trên mấy dòng sông ở quê...

Rồi trưa hơn một chút, trên dòng sông ấy là tiếng rao của vài ghe bán đồ rẫy, đồ ăn chèo về xóm. Mấy mái chèo kêu kẹt kẹt giữa khoảng nghỉ của tiếng rao đồ rẫy gần như là thứ âm thanh đều, vuông vắn nhất trong tâm trí tôi mỗi lúc tan học về. Khi đó, tôi thường theo mẹ đi bán cữ chiều.

Tôi còn nhớ rất rõ câu rao của mẹ tôi: “Ai đồ rẫy... Bán hôn?”. Tôi hay thắc mắc là sao mình đang bán mà lại rao kèm theo hai chữ “bán hôn?”... Sau này tôi mới hiểu được, sự nối đuôi của hai chữ ấy trong mỗi câu rao của mẹ… là vì không có sạp, đồ rẫy không được bán ở chợ nên mới có thêm chữ “bán hôn?”.

Chiếc ghe nhỏ của mẹ cứ vậy mà chèo trên sông, chở theo tuổi thơ của tôi lang thang vào từng con xóm nhỏ. Có vài hôm, tôi cũng muốn thử thay mẹ rao, nhưng chỉ được mấy câu là tiếng rao của tôi đã khàn đặc, không còn vang nổi. Quê tôi cứ vậy mà trăn trở vươn mình từng ngày, cùng những thanh âm mộc mạc ấy. Nhưng trên những dòng sông như thế, bây giờ, đã không còn nữa mấy lời rao tựa câu hát ru từ vùng ký ức xa xôi như lúc xưa...

Tiếng rao ở phố, thì thầm dưới những bảng hiệu sáng đèn

Mấy năm sau đó, ba mẹ tôi lên Cần Thơ tìm việc. Vài lần, tôi cũng được lên thăm. Ấn tượng của tôi về Cần Thơ của thập niên trước là những buổi đêm được lang thang dưới mấy ánh đèn đường xa lạ.

Ở đây vẫn có lời rao của những người bán hàng rong. Vài xe bắp nướng, vài xe sữa đậu nành, có thêm mấy cô bán bánh mì, bánh ú nữa... Những hương vị ấy đã thấm thêm vào hồi ức của tôi những dư vị khác từ lời rao nơi phố lạ. Nó không văng vẳng như tiếng rao ở quê, nhưng không thể lẫn giữa những con phố tấp nập người...

Mãi đến khi tôi đậu đại học, cách đây vài năm, tôi chính thức bắt đầu được sống ở Cần Thơ, mới hiểu, mấy lời rao đó cũng là thanh âm của những ngày bôn ba. Tôi cùng mấy đứa bạn, bắt đầu đi chạy việc ở chợ đêm, rồi về bờ kè bưng bê cho vài quán nhậu... Có vài lần, tôi vẫn còn nghe được tiếng rao. Nhưng bây giờ, mấy lời rao ấy chỉ còn là câu chào mời rất nhỏ… “Kẹo kéo không anh, bánh phồng không chú ơi...”.

Dáng của vài ông cụ tuổi đã ngoài 60, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trước mắt tôi. Vác lên vai cái gánh mưu sinh, len vào từng quán ăn, quán nhậu mới mở, mời khách mua mấy bịch bánh phồng, đậu phộng rang. Có thêm vài đứa nữa, cỡ trạc tuổi tôi, trong đó vài đứa là bạn tôi, cũng từng kéo loa, bán bánh phồng, kẹo kéo, rồi hát rong trong vài buổi đêm ấy. Sự tấp nập, bộn bề đó của phố dường như đã làm cho những lời rao ấy ngày càng nhỏ đi, nhỏ dần… Bây giờ, những thanh âm đó đã thành những lời tâm sự riêng tư mà mỗi người cất riêng cho mình vào đâu đó trong một ngày rong ruổi của họ.

Ông bán kẹo nào đó lại mở loa hát bài “Xin thời gian qua mau...” khi vừa đưa cho người ta một cây kẹo ngọt, mà cất lại riêng mình một chút trầm mặc giữa câu hát còn đang ngân nga giữa đường đời. Ðó hình như là tiếng rao cho tâm tư của ông ấy…

 

Ngọc Trầm

 

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...