(CMO) Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, vùng đất Cà Mau cũng như những “núm ruột” khác trên khắp dải đất hình chữ S còn đó những chiến tích bi thương nhưng oai hùng. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ trở lại những vùng quê ở Trí Phải, huyện Thới Bình và Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tìm gặp những người cao niên ai cũng nhớ như in ngày thảm sát đau thương, khiến vùng quê yên bình không còn bình yên.
1. Đó là câu chuyện bi hùng của 1 gia đình có 2 anh em ruột: ông Nguyễn Văn Đạm và Nguyễn Văn Việt, cùng bị thảm sát ở cánh đồng Bàu Hang. Để rồi 2 người vợ goá là bà Lê Thị Hường và bà Ngô Thị Hoà thắt lòng nén đau thương nuôi dạy đàn con chờ ngày hỏi tội kẻ thù giết cha, trả thù dân tộc. Những người con ngày ấy đều được 2 bà mẹ đặt cùng tên Hận: Nguyễn Trường Hận và Nguyễn Quốc Hận.
Sử sách vẫn còn lưu lại: Khoảng 14 giờ ngày 16/9/1959 (nhằm ngày 14/8 năm Kỷ Hợi), tên Nguyễn Ngọc Thắng đưa những người bị giam giữ đến đồng Bàu Hang.
Từ quận Đầm Dơi, chúng chuyển người bằng xuồng chạy máy Cole 4 vào đến đập Quảng Ngôn thì đưa hết lên bờ. Cả 10 người bị trói cùng một sợi dây thừng và dẫn giải từ đập Quảng Ngôn vào tới Kinh Tây, thuộc cánh đồng Bàu Hang.
Ở đó, bọn chúng đã tập hợp khoảng hơn 1.000 lực lượng gồm: lính bảo an, thanh niên cộng hoà (bảo vệ hương thôn), nữ đồng phục… Chúng đọc lời tế cờ cho Dương Văn Tiếu và tuyên bố nếu cộng sản giết chúng 1 người thì chúng sẽ giết lại 10 người để trả thù. Sau đó, chúng hô hào cho bọn thanh niên cộng hoà lao vào dùng gậy đập đầu những người yêu nước cho đến chết.
Sau cuộc thảm sát 10 người tại cánh đồng Bàu Hang, người thân đến nơi, không ai còn nhận ra thân nhân của mình. Mỗi người chỉ đành nhận dạng thân nhân qua một vài chi tiết hình thể. Xương máu của những người bị giết trong trận thảm sát tại Bàu Hang năm nào đã hoà chung vào quê hương xứ sở và hơn 60 năm qua họ lại tổ chức giỗ cùng chung 1 ngày.
Di tích địa điểm thảm sát của Mỹ - nguỵ tại cánh đồng Bàu Hang hiện nay được xây dựng tại ấp Tân Hoà, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi và được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2018.
2. Đó còn là câu chuyện bi đát của những năm đánh Mỹ ở vùng căn cứ Trí Phải, khi Mỹ - nguỵ dã man dội đạn pháo vào xóm dân cư làm 72 người thương vong ở lung Máng Diệc.
“Chạng vạng tối ngày 10/2/1970 (âm lịch), người dân ở kênh Si Đo, kênh Công Nghiệp đã chứng kiến cảnh tượng tàn khốc nhất. 70 người chết, 2 người bị thương sau 2 trận nã đạn từ máy bay trực thăng của Mỹ - nguỵ. Chúng tôi đã dùng trâu để cộ số người thương vong ra khỏi bãi chiến để an táng”, ông Nguyễn Văn Thêm (Út Thêm), cựu chiến binh Ấp 4, xã Trí Phải - người từng chứng kiến cảnh tượng hãi hùng 50 năm trước ở lung Máng Diệc, kể lại.
Bia tưởng niệm trận thảm sát của Mỹ - nguỵ tại lung Máng Diệc, Ấp 4, xã Trí Phải đã trở thành địa chỉ ôn lại quá khứ hào hùng của Nhân dân địa phương. |
Theo lịch sử Đảng bộ xã Trí Phải anh hùng ghi lại: Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 17/3/1970 (nhằm ngày 10/2 âm lịch), máy bay địch đi tuần từ phía Ranh Hạt về Thới Bình phát hiện có người cư trú ở lung Máng Diệc nên ập đến bất ngờ bắn pháo, ném lựu đạn và bắn đại liên xuống khu vực lung.
Chúng quần đảo khu vực này và bắn phá liên tục đến 17 giờ 30 phút. Trận thảm sát tại lung Máng Diệc đã làm cho chiến sĩ, Nhân dân ta hy sinh 72 người.
Ông Út Thêm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng khi nhắc lại trận thảm sát cách nay 50 năm ở lung Máng Diệc, ông vẫn còn nhớ như in. Ông kể: "Vào đầu năm 1970, khi đó tôi khoảng 20 tuổi, bộ đội địa phương quân huyện Thới Bình đóng quân ở kênh Công Nghiệp, kênh Si Đo, thuộc Ấp 10, giáp ranh Ấp 4, xã Trí Phải. Thời gian này, nhiều cán bộ lãnh đạo, bộ đội chủ lực, dân quân du kích địa phương được đưa về lung Máng Diệc dưỡng thương, chờ kết nối liên lạc".
Ông Võ Văn Đẹp, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp 4, xã Trí Phải, cho biết thêm: "72 người chết và bị thương trong trận thảm sát ngày 17/3/1970 có 48 người dân địa phương. 2 người bị thương đến nay đã qua đời, còn những người đã mất trong trận thảm sát quê ở Thới Bình có 5 trường hợp được công nhận liệt sĩ".
Đến nay, sau 50 năm, người dân ở lung Máng Diệc nói riêng, Ấp 4, xã Trí Phải nói chung đều có cuộc sống ổn định. Những gia đình có 2-3 người cùng thương vong trong trận thảm sát cũng vươn lên ổn định cuộc sống.
Để tưởng nhớ những nạn nhân trong trận thảm sát, tỉnh Cà Mau đã xây dựng bia tưởng niệm trên diện tích 684 m², hoàn thành vào năm 2012 và đến năm 2015, địa điểm trận thảm sát tại lung Máng Diệc được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
3. Trải qua 2 cuộc thảm sát, người dân nơi đây còn ghi nhận những câu chuyện cảm động về lòng căm thù giặc xâm lược thời kháng chiến và hết lòng xây dựng quê hương vào thời bình của những người mẹ, người con và cả những tấm lòng “xẻ đất” để xây dựng các công trình tưởng niệm.
Đó là ông Nguyễn Văn Hiệp, Ấp 4, xã Trí Phải và ông Trần Việt Bắc, ấp Tân Hoà, xã Nguyễn Huân. Hai ông không ngần ngại hiến một phần đất gia đình để làm nơi trang nghiêm tạc vào bia đá nỗi căm thù lưu danh sử sách, để lại đời sau những chiến tích mãi trường tồn.
Chủ tịch UBND xã Trí Phải Phạm Văn Diễn cho biết: "Để có diện tích đất xây dựng bia tưởng niệm trận thảm sát của Mỹ - nguỵ tại lung Máng Diệc ngay tại vùng diễn ra “thảm cảnh” hồi năm 1970, ông Nguyễn Văn Hiệp (Tám Hiệp) dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất.
Giờ ông Tám Hiệp đã qua đời, con trai ông bị nhiễm chất độc hoá học nhưng vẫn không chùn bước, vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống gia đình.
Ở xã Nguyễn Huân, ông Trần Việt Bắc đã tình nguyện hiến hơn 1.000 m2 để xây dựng Bia tưởng niệm Bàu Hang, dù sự kiện thảm sát ở Bàu Hang xảy ra khi ông chưa sinh ra. Ông Bắc cho biết: “Sau này, được nghe người lớn kể lại, tôi biết thêm về những mất mát đau thương thời chiến. Nơi từng xảy ra thảm sát, hiện nay lại nằm trên khu vực đất của mình, nên tôi tự nguyện hiến cho địa phương phần đất để xây dựng Di tích Bia tưởng niệm 10 cán bộ và Nhân dân bị Mỹ - nguỵ thảm sát tại đồng Bàu Hang”.
Hơn nửa thế kỷ, giờ trở lại Bàu Hang, lung Máng Diệc, điều dễ nhận ra nhất đó là sự thay đổi. Những xóm nghèo, thưa vắng nhà ngày nào giờ trở nên khấm khá hẳn. Thu nhập bình quân đầu người từ 47 triệu đồng trở lên. Những gia đình có người thân thương vong trong 2 trận thảm sát giờ cũng có cuộc sống ổn định.
Trí Phải đang vươn mình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao; Nguyễn Huân cũng đang đặt ra mục tiêu và nỗ lực hướng đến tiêu chí thu nhập của người dân đạt ngưỡng 50 triệu đồng/năm./.
Phong Phú