(CMO) Chưa khi nào bà con nông dân vùng ngọt ở huyện Trần Văn Thời lại trông mưa từng ngày như bây giờ. Đối với họ, những “giọt lệ trời” hiện còn quý hơn vàng. Bởi, nhiều đồng ruộng vẫn chưa cày ải được vì đất quá cứng, nhiều vườn cây ăn trái thiệt hại, ít có, nhiều có.
Nghe tin ở thị trấn Trần Văn Thời đã có vài trận mưa lớn, bà Việt Anh (Trần Thị Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái sạch Khánh Hưng), chủ vườn bưởi lớn nhất, nhì huyện buồn vui lẫn lộn. Buồn vì ở Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng này trời cứ nắng gay gắt, những giọt nước dự trữ còn lại trong ao đang cạn dần từng ngày mà ông trời vẫn chưa chịu mưa. Nhưng niềm vui, hy vọng vẫn nhiều, mong hạn hán qua sớm, mùa mưa lại đến để vườn cây ăn trái của mình, của HTX cây ăn trái sạch Khánh Hưng được giải cơn khát.
Ngay từ những ngày đầu bắt tay làm kinh tế từ vườn cây ăn trái, bà Việt Anh luôn chú trọng tính toán từ trồng trọt đến thu hoạch. Mùa hạn năm nay khốc liệt bất ngờ nhưng bà Anh đã có sự chủ động nguồn nước tưới. Sầu riêng, măng cụt, ổi, bưởi vẫn đang cho trái ngọt ngào. Thế nhưng, theo bà Anh, thiệt hại do hạn hán vẫn không tránh khỏi.
Bà Việt Anh cho biết: “May mắn là ở đây chỉ bị hạn hán chớ không bị xâm mặn. Tuy nhiên, do nắng hạn quá, nước tưới không đủ nên ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của trái. Như bưởi đang cho trái nhưng chậm lớn, nhỏ hơn mọi năm. Trước tình trạng hạn hán tiếp tục diễn ra, tôi phải tỉa bớt nhánh và các cây già để hạn chế tưới”.
Anh Lê Minh Khôn (ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) cho biết, thiệt hại kinh tế từ cây ăn trái do hạn hán năm nay đang đứng trước nguy cơ khá cao. 50 gốc cam xoàn trên tổng số 400 gốc cam vườn của anh đang cho trái, lớn cỡ trái chanh nhưng nước tưới đã cạn cách đây 1,5 tháng. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, không còn nước để cung cấp cho cây, anh Khôn đành bón phân để nuôi cây qua cơn hạn.
Thiếu nước tưới, 50 gốc cam xoàn đang cho trái của anh Lê Minh Khôn đang đứng trước nguy cơ mất trắng. |
Anh Khôn cho biết: “Tình hình này chịu thua rồi. Nếu trời mưa sớm, mưa nhiều mới giữ lại được, còn không buộc phải bẻ trái bỏ hết, đợi mưa xuống cho đậu trái lại. Nhưng nếu rơi vào tình cảnh đó thiệt hại lắm”.
Là nông dân nức tiếng giỏi làm ăn trong vùng, vườn cây ăn trái của anh Khôn cũng là một trong những vườn lớn ở xóm. Ngoài mấy trăm gốc cam xoàn, anh Khôn còn trồng ổi, bưởi da xanh ruột hồng nhiều năm nay. Do chủ động trong khâu dự trữ nguồn nước tưới nên vườn bưởi đang cho trái của gia đình anh tốt hơn các vườn khác. Tuy nhiên, anh Khôn chia sẻ, năng suất cũng như thu nhập kinh tế của cây ổi giảm hẳn so với mọi năm.
“200 gốc ổi đang cho trái, hiện nay chỉ thu hoạch được từ 500 kg đến 1 tấn/tháng, giảm 20% so với trước đây. Mùa khô này ổi cho trái nhiều, nhưng do không cung cấp đủ nước cho cây nên trái nhỏ, 5-6 trái mới đạt 1 kg, còn nếu đủ nước là 2-3 trái/kg. Do đó, thu nhập cũng giảm hơn. Gia đình tôi chịu khó chở ra chợ bán lẻ nên có giá hơn, trên dưới 15.000 đồng/kg”, anh Khôn bộc bạch.
Muốn khẳng định sức người, sức đất, rằng quê hương Khánh Hưng này cũng có thể trồng được các loại cây ăn trái, vài năm trước anh Khôn mạnh dạn mua 70 cây giống bơ 034 về trồng. Sau 2,5 năm đổ mồ hôi, công sức, cuối cùng vụ trái đầu tiên đã đến. Anh Khôn thấy ấm áp trong lòng, vậy là quyết định của anh năm xưa không sai. Vùng đất Khánh Hưng này vẫn phù hợp với giống cây bơ Đắk Lắk. Thế nhưng, đang trong giai đoạn cây cho trái, trái cần nguồn nước để phát triển nhưng lại thiếu nước tưới nên anh Khôn vô cùng lo lắng. Thế nhưng, anh bảo không buồn, thiệt hại không tránh khỏi nếu hạn hán vẫn kéo dài, nhưng đó là do tự nhiên, không phải do anh chọn cây trồng sai hay kém về kỹ thuật. Anh tin rằng giống cây này chắc chắn sống được và còn cho quả ngọt trên vùng đất quê hương mình. Năm nay gặp khó thì những năm về sau cần chủ động hơn, tính toán lại cách dự trữ nguồn nước, chớ không phải gặp khó rồi bỏ chạy.
Bà Việt Anh thông tin: “Qua nắm bắt tình hình các vườn cây ăn trái của HTX năm nay, việc không còn nước tưới chiếm 60% tổng số vườn. Thiệt hại ít hay nhiều là không tránh khỏi. Trước tình hình đó, HTX động viên các nhà vườn cố gắng giữ cây, chăm sóc các cây còn lại đang ra trái, vì dự báo các tỉnh vùng trên bị xâm nhập mặn nghiêm trọng, vườn cây ăn trái thiệt hại nhiều, sắp tới giá trái cây sẽ khá cao. Nếu nông dân giữ được sẽ bù phần nào thất thoát. Đồng thời, sau này phải tính toán đến việc đầu tư hệ thống tưới tự động, cách thức dự trữ nguồn nước để có thể sống chung với hạn hán”./.
Ngọc Minh