Vụ lúa - tôm năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau chọn ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm làm điểm chỉ đạo xây dựng mô hình lúa - tôm theo hướng VietGAP, với tổng diện tích 10 ha, có 10 hộ dân tham gia. Ðến nay, lúa đang bước vào thời kỳ thu hoạch, năng suất đạt khá cao.
Thực hiện mô hình này, bà con nông dân TP Cà Mau được hỗ trợ 100% lúa giống, tôm giống, 30% vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn cho tôm… Song song đó, bà con được hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ ở tất cả các khâu, từ khâu làm đất, xuống giống đồng loạt, quy trình, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…
Ông Lâm Văn Trắng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, chia sẻ: “Khi tham gia mô hình này, bà con nông dân được hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh lúa tổng hợp sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, bón phân cân đối nên nhờ đó giảm chi phí sản xuất”.
Ông Nguyễn Văn Nở, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, bộc bạch: “Tôi thấy mô hình này rất tốt, có lợi ích lớn cho nông dân, so với sản xuất truyền thống như trước đây thì mô hình này giảm được việc phun thuốc, đảm bảo hơn về sức khoẻ cho người tiêu dùng”.
Trong những ngày này, bà con nông dân xã Lý Văn Lâm đang bắt tay vào thu hoạch, năng suất lúa đạt từ 5-5,5 tấn/ha, tăng gần 1 tấn/ha so với phương thức canh tác truyền thống. Bà con nông dân cho biết, thực hiện mô hình này do hạn chế sử dụng phân vô cơ, giảm số lượng thuốc bảo vệ thực vật nên tình trạng ô nhiễm môi trường giảm đáng kể, từ đó giúp giảm chi phí khoảng 30% so với phương thức canh tác truyền thống. Năng suất lúa tăng, thu nhập của người nông dân cũng tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Chi bộ ấp Ông Muộn, cho biết, việc xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nông dân biết cách quản lý đồng ruộng như: ghi chép nhật ký, sản xuất an toàn, sử dụng phân, thuốc đúng loại, đúng thời điểm, từ đó nâng cao trình độ canh tác lúa cho nông dân.
Thành công từ mô hình luân canh lúa - tôm theo hướng VietGAP đã mở ra hướng mới trong sản xuất lương thực, không chỉ mang lại năng suất, lợi nhuận cao trên cùng diện tích đất, mà còn tạo được sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của người dân trong sản xuất và hướng tới hình thành được chuỗi giá trị sản xuất bền vững. Thông qua mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Vì vậy, thời gian tới, thành phố tiếp tục vận động nông dân nhân rộng mô hình, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn./.
Ninh Hải