Năm 2015, huyện U Minh có hơn 72 km lộ giao thông nông thôn được xây dựng, nâng tổng số đến nay toàn huyện có trên 400 km lộ giao thông nông thôn.
Là một huyện có hệ thống kinh rạch chằng chịt, dân cư sống thưa thớt trong khu vực rừng tràm, chính vì vậy, việc xây dựng kết cấu hạ tầng là một thách thức lớn của huyện U Minh. Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân, đến nay hạ tầng nông thôn của huyện cơ bản hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tuyến lộ kinh Nước Phèn, ấp 2, xã Khánh Lâm, hàng chục căn nhà được xây dựng mới để đón Tết. Nhờ thực hiện việc chuyển dịch cộng với đầu tư lộ nông thôn, xóm nghèo kinh Nước Phèn ngày nào giờ đã thay da đổi thịt. Những đổi thay ấy bắt nguồn từ sự đầu tư đồng bộ giao thông, thuỷ lợi, đưa sản xuất của người dân ngày càng phát triển.
Năm 2015, huyện U Minh có hơn 72 km lộ giao thông nông thôn được xây dựng, nâng tổng số đến nay toàn huyện có trên 400 km lộ giao thông nông thôn. Ảnh: KHƯƠNG LINH |
Ông Trà Văn Thắng, Nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Khánh Lâm, người đã có gần 70 năm gắn bó với vùng đất U Minh, rất vui mừng trước những thay đổi của quê hương. Nhớ về lúc ông còn làm việc tại xã Khánh Lâm (trước năm 2003) ông Thắng cho biết: “Ngày trước đi làm phải ngồi vỏ máy. Dân cư thưa thớt, chính vì vậy đến được nhà các hộ dân rất vất vả. Nay khác rồi, chỉ cần ngồi xe vài phút là tới chỗ”.
Khánh Lâm là một trong những xã khó khăn của huyện U Minh, từ chỗ phải sử dụng chung tuyến lộ U Minh - Khánh Hội thì nay đã được đầu tư nhiều nhánh lộ liên xã, liên ấp, ngõ xóm được nhựa hoá, bê-tông hoá. Đó cũng chính là xu hướng phát triển hạ tầng giao thông tại huyện U Minh trong nhiều năm qua. Tính riêng trong năm 2015, huyện U Minh xây dựng hơn 72 km lộ nông thôn. Nâng tổng chiều dài lộ nông thôn trong toàn huyện hơn 400 km. Ngoài ra, có gần 160 km đường ô-tô, về đến 100% trung tâm các xã, thị trấn trên địa bàn. Song song đó là hàng trăm chiếc cầu đấu nối giao thông liên hoàn, thông suốt, kể cả các ấp nằm sâu trong khu vực lâm phần rừng tràm.
Là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới, Khánh Hoà đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Xuất phát điểm, Khánh Hoà là xã nghèo thuộc Chương trình 135 và có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thế nhưng, nhờ đầu tư mạnh về kết cấu hạ tầng mà bộ mặt xã Khánh Hoà đang đổi thay từng ngày. Ông Nguyễn Hồng Huy, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp 6, xã Khánh Hoà, cho biết: “Gắn bó 76 năm ở vùng đất này, tôi thấy nơi đây thực sự đổi thay từ nông thôn mới. Đường sá, điện quốc gia được đầu tư làm cho đời sống Nhân dân khởi sắc. Đặc biệt là những hộ Khmer nơi đây chí thú làm ăn và từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên giảm nghèo đáng kể”.
Ông Trần Văn Hổ, ấp 8, xã Khánh Hoà, phấn khởi: “Ở xã rồi ấp có phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, tiến hành làm con lộ ngang nhà, giữa Nhân dân với Nhà nước cùng làm, tôi cũng có đóng góp một số vốn để làm lộ. Hoàn thành con lộ, gia đình và bà con xóm làng rất phấn khởi. Tôi phát dọn cỏ xung quanh, mé sông thì tôi trồng cây mắm chống sạt lở và ở trên tôi tận dụng đất trồng hoa màu để cải thiện bữa ăn. Tôi cũng đang chuẩn bị xây căn nhà mới”.
Huyện U Minh với đặc trưng có hai hệ sinh thái mặn ngọt, ba vùng sản xuất, gồm: vùng chuyên lúa, vùng luân canh lúa - tôm và khu vực trồng rừng. Để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các vùng sản xuất, đòi hỏi cần có sự đầu tư đồng bộ về hệ thống thuỷ lợi. Hiện nay, ngoài bốn cống trên đê biển Tây gồm Khánh Hội, Hương Mai, Rạch Dinh, cống T29 được đầu tư với quy mô lớn, còn có hàng chục cống lớn nhỏ và hàng ngàn mét kinh mương ngang dọc. Hệ thống này đảm bảo việc ngăn mặn, giữ ngọt điều tiết nước phục vụ sản xuất, đảm bảo lợi ích giữa rừng - tôm - lúa.
Ông Bảy Nhàn vẫn tích cực lao động sản xuất sau khi thoát nghèo. Ảnh: HỮU LỢI |
Năm 2015, đánh dấu bước phát triển mới khi huyện U Minh đã xoá ấp trắng về điện. Theo đó số hộ sử dụng điện kế an toàn được nâng lên 95%. Ông Trần Thanh Tâm ở ấp 13, xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Sống ở đây hơn 20 năm, giờ có điện lưới quốc gia dân chúng tôi mừng lắm. Điện về cũng chính là điều kiện để chúng tôi phát triển sản xuất, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, nghe nhìn phục vụ tốt hơn cho cuộc sống hằng ngày”.
Ông Trần Quốc Quân, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện U Minh, cho biết: “Mục tiêu của huyện trong những năm tới là tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn để đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng lộ nông thôn theo các tuyến đường trục ấp, liên ấp và các đường nhánh xóm đảm bảo cứng hoá, bê-tông hoá theo chuẩn của Bộ Giao thông vận tải”.
Trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện U Minh lần thứ X xác định mục tiêu đến năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là một mục tiêu rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền địa phương và huy động sức mạnh của Nhân dân./.
Trần Chương