Chưa bao giờ giá gừng rẻ như năm nay, 10 kg gừng mới mua được 1 kg cải. Người trồng gừng trong huyện Thới Bình lại lần nữa lao đao vì giá.
Vào những năm 2013-2014, giá gừng tươi bỗng nhiên tăng cao, nhiều hộ trồng lãi cả trăm triệu đồng/công. Do vậy, đến năm 2015, toàn huyện Thới Bình đã trồng hơn 200 ha gừng, tăng gấp 4 lần so với năm 2014. Tuy nhiên, do giá cả không ổn định nên đến vụ mùa năm 2016, diện tích trồng gừng trên địa bàn huyện giảm đáng kể, chỉ có khoảng 40 ha, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Trí Lực và Trí Phải.
Nông dân khóc ròng vì giá gừng xuống thấp kỷ lục của năm nay. |
Thông thường, thời điểm gần Tết, thương lái từ khắp nơi đến để hỏi mua gừng thương phẩm, nhưng năm nay lại vắng bóng. Do sợ gừng để lâu sẽ bị hư, dù giá rẻ cỡ nào, nhiều nông dân cũng phải bấm bụng bán. Ông Võ Văn Thi, Ấp 9, xã Trí Lực, than: “Ðất thì mướn, giá gừng như thế này thì vốn cải tạo và giống còn không đủ, tiền đâu chung tiền đất”.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết, xã có 35 ha trồng gừng. Hiện giá gừng lựa chỉ 3.000 đồng/kg; trừ công mướn nhổ 1.000 đồng/kg, bà con chỉ còn lại 2.000 đồng/kg. Nếu mua xô ngang thì chỉ được 2.000 đồng/kg. Thương lái những năm trước mua gừng chủ yếu chở lên vùng trên bán, nhưng hiện nay các vùng An Giang người dân trồng rất nhiều, củ lại lớn, dễ bán nên gừng Thới Bình bị tồn đọng.
“Ông Nguyễn Thanh Tùng, thương lái từ Kiên Giang, cho biết: "Gừng vùng trên củ lớn hơn mà lại nhiều nên vùng này bị ứ đọng".
Với giá cả hiện nay, một số hộ neo gừng chờ giá, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Mừng, Ấp 6, xã Trí Phải. Ông có 2 công gừng tới lứa bán nhưng ông không nhổ. Năm trước giá gừng rẻ, ông đã lỗ hơn 100 triệu đồng. Theo suy nghĩ của ông, “một năm thua thì sẽ có một năm ăn”, nên năm nay ông tiếp tục trồng và "neo" lại với hy vọng sẽ thắng vụ gừng này.
“Tôi chỉ mong Nhà nước có biện pháp ổn định giá cả để người nông dân như chúng tôi yên tâm sản xuất", ông Nguyễn Văn Mừng bày tỏ.
Ông Ngô Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Phải, cho biết: “Do tự phát của người dân, diện tích gừng không nằm trong kế hoạch sản xuất của địa phương nên đến vụ thu hoạch giá cả bấp bênh".
Ðể nông dân bớt khổ cảnh dội hàng ế chợ, các ngành chức năng cần khuyến cáo bà con không nên ồ ạt trồng theo phong trào. Tình trạng gừng rớt giá nói riêng và nhiều loại rau củ khác nói chung chính là bài học để nông dân thay đổi cách làm ăn, suy nghĩ; không thể sản xuất theo kiểu cảm tính vì như thế đem lại thiệt thòi nhiều hơn là lợi nhuận./.
Bài và ảnh: Thuỳ Linh