Qua tìm hiểu, các thương lái cho biết, phần lớn chuối trên địa bàn huyện U Minh trước đây được thu mua để vận chuyển về các tỉnh vùng ngoài tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang thị trường Campuchia và Trung Quốc. Khi việc xuất khẩu thuận lợi thì giá chuối tăng, còn không thì lại giảm.
Những ngày qua, nông dân trên địa bàn huyện U Minh vô cùng lo lắng vì giá chuối nguyên liệu liên tục giảm mạnh. Nếu như tháng trước giá chuối đạt mức khá cao, từ 7.000-8.000 đồng/nải thì nay giảm chỉ còn từ 2.500-3.000 đồng/nải, thậm chí không có người mua.
Bà Ðào Thị Nhỏ ở Ấp 18, xã Khánh Thuận, có hơn 20 năm trồng chuối nhưng chưa bao giờ bà thấy giá chuối xuống thấp như hiện nay. Với hơn 2 ha bờ bao trồng chuối, trước đây mỗi năm bà thu về hơn 150 triệu đồng. Vậy mà những ngày gần đây bà cũng phải ngao ngán nhìn đống chuối to đùng của gia đình từ từ chín thâm mà không thu được một ngàn nào do thương lái đột nhiên không thu mua.
Do giá chuối thấp nên người dân chọn cách làm chuối khô để bảo quản và bán được giá cao hơn. |
Bà Phạm Thị Nga ở cùng ấp, cũng là một trong những hộ có diện tích chuối tương đối lớn, với hơn 1 ha, cũng chịu cảnh tương tự. Do trước đây giá chuối ở mức cao nên thương lái tìm đến nhà mua, ai mua cao thì bà bán chớ không có bắt mối với thương lái nào, mấy ngày nay đột nhiên thương lái đi đâu hết, khiến toàn bộ số chuối tới lứa của bà đành nằm lại ở vườn, số chín bà đốn về chất đống ì ra đó.
Bà Nga than thở: “Gia đình tôi có hai vợ chồng già, sống quanh năm chủ yếu nhờ vào tiền bán chuối. Giờ giá chuối giảm, cuộc sống rồi đây sẽ gặp khó khăn, nhất là lúc ốm đau...".
Không chỉ có các chủ vườn, các thương lái mua đi bán lại cũng điêu đứng khi giá chuối giảm. Bà Võ Thị Xuân ở Ấp 18, xã Khánh Thuận, là một trong những hộ tham gia thu gom chuối của các chủ vườn để bán lại cho các mối vùng trên xuống. Cách đây mấy ngày, mối lái cho giá chuối 3.000 đồng/nải nhưng khi bà thu mua của người dân xong, đến hẹn thì mối lái không đến mua nên bà đành chấp nhận một phen lỗ nặng. Ngoài số chuối bà thu mua của người dân, bà Xuân còn vườn chuối hơn 3 ha cũng không tìm được đầu ra.
Ðối phó với tình trạng giá chuối thấp, người dân trên địa bàn huyện U Minh đã năng động biến chuối thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như: làm thức ăn cho cá, cho heo, rồi ép làm chuối khô. Nhưng chừng ấy vẫn không thể giải quyết hết lượng chuối tồn đọng vì số lượng chuối của mỗi gia đình quá lớn, mỗi hộ có hơn 1.000 nải chuối trong mỗi lần đốn. Ðây không phải là năm đầu tiên chuối giảm giá, gây thất thu cho bà con nông dân trên địa bàn huyện mà đã trở thành điệp khúc tái đi tái lại trong đời sống của người dân xứ rừng.
Qua tìm hiểu, các thương lái cho biết, phần lớn chuối trên địa bàn huyện U Minh trước đây được thu mua để vận chuyển về các tỉnh vùng ngoài tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang thị trường Campuchia và Trung Quốc. Khi việc xuất khẩu thuận lợi thì giá chuối tăng, còn không thì lại giảm. Những ngày gần đây, phía Trung Quốc và Campuchia đột nhiên không nhập khẩu loại nông sản này, nên lượng chuối còn tồn đọng trong nước rất lớn, dẫn đến tình trạng giá chuối sụt giảm như hiện nay.
Trước thực trạng trên, người trồng chuối trên địa bàn huyện đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để tìm đầu ra ổn định lâu dài, tránh tình trạng giá chuối bấp bênh như hiện nay. Nhà nước cần xây dựng hẳn một nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm bằng nguyên liệu chuối hay xây dựng một nhà máy sấy chuối tại địa phương để có thể tiêu thụ nguồn nguyên liệu dồi dào này, qua đó giúp người dân an tâm sản xuất, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Trần Thể