Sau gần 3 năm chuẩn bị, xây dựng dự án thương hiệu cho đặc sản Cà Mau, vừa qua, cá chình, cá bống tượng Tân Thành được công nhận nhãn hiệu tập thể. Ðây là nhãn hiệu thứ 6 được công nhận trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, người nuôi cá chình, cá bống tượng ở Tân Thành đang đứng trước nỗi lo về giá cả.
Sau gần 3 năm chuẩn bị, xây dựng dự án thương hiệu cho đặc sản Cà Mau, vừa qua, cá chình, cá bống tượng Tân Thành được công nhận nhãn hiệu tập thể. Ðây là nhãn hiệu thứ 6 được công nhận trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, người nuôi cá chình, cá bống tượng ở Tân Thành đang đứng trước nỗi lo về giá cả.
Toàn tỉnh hiện có hơn 740 ha nuôi cá chình, cá bống tượng, với tổng sản lượng đạt trên 2.000 tấn/năm. Trong đó, xã Tân Thành có hơn 254 ha, đây được đánh giá là vùng nuôi tập trung và sớm nhất trên địa bàn tỉnh. Với tổng kinh phí thực hiện trên 100 triệu đồng, nhãn hiệu tập thể cá chình, cá bống tượng Tân Thành đã tạo dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc sản của địa phương.
Người nuôi cá Tân Thành đang lo lắng vì giá cả bấp bênh. |
Ðồng thời, nhãn hiệu tập thể này sẽ mang lại cho người nông dân Tân Thành nền tảng pháp lý để bảo vệ sản phẩm, không chỉ tạo danh tiếng, nâng cao uy tín cho sản phẩm mà còn ổn định sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống và góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Ông Hồng Thanh Tân, Ấp 4, xã Tân Thành, TP Cà Mau, phấn khởi cho biết, cá chình, cá bống tượng Tân Thành được công nhận nhãn hiệu tập thể là niềm mong mỏi của người nuôi cá ở địa phương trong nhiều năm qua. Vì người hưởng lợi đầu tiên chính là nông dân, có nhãn hiệu sẽ giúp cá được bán ra thị trường dễ dàng hơn, giá cả cũng ổn định hơn trước.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Hồ Quốc Trạng chia sẻ, xây dựng được thương hiệu là cả quá trình nỗ lực của các ngành, các cấp và người dân nuôi cá ở Tân Thành. Có được thương hiệu sẽ giúp cá chình, cá bống tượng Tân Thành mở rộng thị trường tiêu thụ, đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại ở những khu vực khác, không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền,vận động bà con nuôi cá bảo đảm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn. Ðồng thời, tìm thêm đối tác thu mua để mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp nông dân mở rộng diện tích nuôi.
Tuy nhiên, sản phẩm được công nhận nhãn hiệu là một chuyện, còn việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm lại là chuyện khác. Hiện người nuôi cá chình, bống tượng ở Tân Thành đang gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả rất bấp bênh. Nhiều lúc, giá cá thương phẩm rẻ hơn nhiều so với giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ dân bị lỗ nặng.
Ông Huỳnh Văn Hận, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Thành Tiến, bộc bạch, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cá giảm mạnh trong thời gian qua là do bà con nông dân tự mở rộng diện tích nuôi quá lớn dẫn đến nguồn cung vượt cầu. Khi thị trường chính là Trung Quốc không “ăn hàng”, người nuôi phải chịu cảnh bị thương lái ép giá hoặc chỉ mua cầm chừng để giữ mối.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trương Huỳnh Lãm cho biết, cá chình, cá bống tượng là loại giá đắt, không phù hợp với túi tiền của người thu nhập trung bình, tiêu thụ chậm nên được quy hoạch xuất khẩu. Về lâu dài, xã sẽ quy hoạch vùng nuôi hợp lý, thành lập câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác để tập huấn quy trình, kỹ thuật nuôi, trước mắt là tiêu thụ tại chỗ, kế đến là giao cho một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu, tìm đầu ra ổn định cho con cá bống tượng. Bên cạnh đó, vận động nông dân không trà trộn cá thiếu chất lượng vào cá đúng tiêu chuẩn, tránh làm mất uy tín nhãn hiệu cá Tân Thành. Ðồng thời, bà con nên nuôi cá theo quy mô hộ gia đình, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, hạn chế mua cá mồi để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận./.
Bài và ảnh: Quách Nguyên