(CMO) Mấy ngày nay, ở khu vực xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã lác đác vài cơn mưa, nhưng cũng chỉ làm dịu bớt cái nóng oi bức của mùa hè chớ chưa đủ lượng nước để giải hạn.
Là vùng ngọt hoá, ngoài thu nhập chính là trồng lúa thì lợi nhuận từ việc nuôi cá, trồng rau màu cũng góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nước thiên nhiên mà hạn hán từ nhiều tháng qua đã làm cho kênh, rạch khô cạn. Người trồng hoa màu điêu đứng, người trồng lúa thấp thỏm sợ trễ vụ. Nông dân xã Trần Hợi đang cùng nhau khẩn khoản “cầu trời mưa sớm”.
Mất vụ hoa màu
Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng ấp 1, xã Trần Hợi Nguyễn Văn Khương than: “Thường thì sau Tết là tôi bắt đầu trồng rau cải, khoảng 35-40 ngày là thu hoạch. Với tổng diện tích trên 2 ha, gia đình tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng/đợt thu hoạch. Song, mấy tháng nay nhìn đất vườn nứt nẻ, liếp cà, gốc cam chết khô mà canh cánh trong lòng”.
Ông Khương cho biết, địa bàn Ấp 1 có khoảng 270 ha đất nông nghiệp. Trong đó, người dân tự chia thành 2 khu vực sản xuất rõ rệt. 170 ha là chuyên canh cây lúa, phần còn lại chuyên trồng hoa màu. Trồng hoa màu cần nguồn nước tưới thường xuyên, nên ngoài việc lấy nước dưới kênh, người dân còn đào ao trữ nước và nuôi cá đồng để cải thiện bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, cuối năm rồi trời không có mưa trái mùa và nắng nóng kéo dài đến bây giờ, kênh rạch còn khô nói gì đến mấy cái ao trữ nước. Trong khi nguồn nước ngọt sinh hoạt cũng khan hiếm, máy bơm chạy cả giờ đồng hồ chỉ được khoảng 1 khối nước. Song, phải ngưng hồi lâu rồi bơm lại mới có nước, chớ bơm liên tục cũng không được.
“Gia đình tôi có diện tích đất trồng hoa màu tương đối, tổng thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng, nên thời điểm khó khăn như hiện nay có thể tiết kiệm chi tiêu từ những đồng tiền tích luỹ. Nhưng không ít hộ mưu sinh chủ yếu chỉ là trồng hoa màu như gia đình tôi mà diện tích có vài công đất thì khổ lắm. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, không chỉ họ mà gia đình tôi cũng sẽ lâm cảnh nợ nần”, ông Khương trải lòng.
Tuyến Kênh 3, qua trung tâm xã Trần Hợi, khô cạn. |
Theo Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi Nguyễn Văn Đoàn, không chỉ những hộ chuyên trồng rau màu, mà thường sau thu hoạch vụ lúa, phần đông bà con trong xã lại đưa màu xuống ruộng, trồng theo bờ liếp… Từ cuối năm rồi, nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn xã bắt đầu cạn nước, nhiều nơi bà con tranh thủ bơm nước vào trữ trong ao, mương và chủ động thu hoạch sớm vụ lúa đông xuân rồi xuống giống hoa màu ngắn ngày và đã thu hoạch xong mùa vụ. Đáng lo ngại là những khu vực bà con chuyên trồng hoa màu mà không thể xuống giống do đất đai khô cằn, không nước tưới tiêu.
Băn khoăn nắng hạn kéo dài
Nhìn chung, lợi nhuận từ việc trồng hoa màu không lớn, không phải là nguồn thu chính của đa số hộ dân ở xã. Tuy nhiên, nắng hạn năm nay chưa dứt sẽ ảnh hướng lớn đến đời sống xã hội ở Trần Hợi, khi mà vụ lúa hè thu chuẩn bị vào mùa, thiếu nước sinh hoạt, lộ giao thông tiếp tục bị sụp lún…
Ông Nguyễn Văn Đoàn băn khoăn: "Là vùng ngọt hoá, hơn 1.500 hộ dân ở 14 ấp trên địa bàn xã, kinh tế hộ gia đình chủ yếu là trồng lúa. Trong sản xuất, ngoài việc lựa chọn giống tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật…, cần thiết vẫn là nước mà trước giờ người dân vẫn luôn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Tính tới điểm này, ảnh hưởng chưa nhiều, nhưng đồng ruộng đang khô cạn mà trời chưa mưa, vụ hè thu trễ mùa, đời sống của phần đông hộ dân sẽ gặp nhiều khó khăn".
Mặt khác, những tuyến kênh lớn bị khô cạn đã gây ra tình trạng sụp lún, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lai, giao thương hàng hoá của người dân địa phương. Đến thời điểm này, ngoài tuyến huyện lộ từ thị trấn Rạch Ráng về các xã Khánh Hưng, Khánh Bình Tây… qua địa bàn Trần Hợi đã bị sụp lún nhiều đoạn, không ít tuyến lộ nông thôn ở địa phương cũng đã bị sạt lở với tổng chiều dài 2.900 m, trong đó có trên 1.500 m lộ bê-tông.
“Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng khô hạn gây bất lợi trong sản xuất nông nghiệp, người dân thất nghiệp do phòng tránh bệnh Covid-19… gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của nông dân. Thu ngân sách Nhà nước trong quý I/2020 chỉ đạt 13,56%”, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết.
Nhớ lại năm 2016, xã Trần Hợi đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới thì trước đó người dân cũng đã gánh chịu đợt nắng hạn gay gắt kéo dài. 4 năm nỗ lực phấn đấu giữ ổn định và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và cận kề với thời điểm chuẩn bị được tỉnh xét công nhận nông thôn mới nâng cao, một lần nữa nắng hạn gay gắt lại xảy ra. Điều đó như sự thử thách lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương trước khó khăn, trắc trở./.
Mỹ Pha