Những năm qua, mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở đồng đất Thới Bình đã khẳng định tính hiệu quả từ năng suất, chất lượng cho đến giá trị của con tôm. Nhiều hộ nông dân thật sự khá lên từ mô hình này.
Những năm qua, mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở đồng đất Thới Bình đã khẳng định tính hiệu quả từ năng suất, chất lượng cho đến giá trị của con tôm. Nhiều hộ nông dân thật sự khá lên từ mô hình này.
Sau 2 vụ nuôi thành công, cho thu nhập gần 80 triệu đồng chỉ với gần 1,5 ha đất sản xuất, ông Huỳnh Công Kháng, ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Ðông, cho biết, con tôm càng xanh khá dễ nuôi, không thấy dấu hiệu dịch bệnh, chi phí thấp và phù hợp với mùa mưa nước lợ nên năm nay ông tiếp tục thả nuôi vụ mùa mới với sống lượng hơn 10.000 con tôm càng giống. Hiện nay, tôm của ông được gần 2 tháng tuổi, đang phát triển khá tốt và đạt đầu con trên 90%. Ðồng thời, ông đang cho tôm ăn dặm cá phi mồi với hy vọng năm nay tôm sẽ đạt năng suất cao hơn.
Nông dân xã Biển Bạch Ðông kỳ vọng vào vụ tôm càng xanh mới. |
Ông Võ Phong Trần, Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Ðông, nhận định: Năm nay tiếp tục sẽ là năm thành công của vụ tôm càng xanh vì kỹ thuật nuôi, cải tạo đất và nguồn tôm giống được ngành chức năng hướng dẫn tận tình đến người dân. Ông còn cho biết, toàn ấp có gần 80% hộ dân sản xuất tôm càng xen canh trên ruộng lúa, với diện tích hơn 400 ha, tăng gần 50 ha so vụ mùa trước.
"Thành công của những vụ mùa qua là tiền đề để nhiều nông dân trong xã Biển Bạch Ðông mạnh dạn mở rộng diện tích thả nuôi tôm càng xanh trong năm nay. Qua thống kê, Biển Bạch Ðông là xã có diện tích thả nuôi tôm càng xanh nhiều nhất huyện Thới Bình, với 2.200 ha, tăng hơn 600 ha so với vụ mùa qua; tập trung nhiều ở các ấp: Nguyễn Tòng, Lê Giáo, Hữu Thời, Bình Minh", ông Nguyễn Phi Thoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, cho hay.
Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thới Bình Lê Thanh Hùng khuyến cáo: "Con tôm càng xanh là đối tượng khá dễ nuôi. Thời gian thu hoạch tuỳ thuộc vào việc chăm sóc, nếu có điều kiện cho ăn dặm (thức ăn chủ yếu là khoai, sắn và bổ sung thêm một ít cá phi mồi) thì tôm sẽ lớn rất nhanh, khoảng hơn 5 tháng là có thể cho thu hoạch tôm loại I. Chính vì thế, bà con cần thường xuyên theo dõi tôm phát triển và đạt tỷ lệ đầu con đến đâu mà cho ăn phù hợp, tránh làm ô nhiễm nguồn nước".
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, đánh giá: "Nhiều năm qua, con tôm càng chưa có dấu hiệu dịch bệnh và huyện đang phát động người dân tiếp tục mở rộng diện tích. Trong mùa nước ngọt nuôi tôm sú gặp bất lợi thì thả tôm càng xanh là điều kiện tốt để người dân tăng thu nhập".
Ông Trần Văn Dũng thông tin thêm, việc nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa được xã thực hiện nhiều năm nay, với diện tích gần 3.000 ha. Ðến nay có thể khẳng định mô hình đã thành công, nhiều hộ đạt lợi nhuận từ 20-40 triệu đồng/ha/vụ; thậm chí có hộ đạt gần 50 triệu đồng/ha/vụ với loại tôm càng xanh toàn đực./.
Năm nay, toàn huyện Thới Bình có khoảng 8.000 ha đất trồng lúa được thả nuôi tôm càng xanh, tăng gần 500 ha so với vụ mùa năm 2015; diện tích tăng mạnh ở các xã: Biển Bạch, Tân Bằng, Trí Phải, Trí Lực và Thới Bình. |
Bài và ảnh: Liêu Hỏn