(CMO) Nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng chung, các nước trên thế giới chạy đua ứng dụng các phương pháp thông minh vào sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Cà Mau có 87 cửa sông thông ra biển, là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản Cà Mau hàng năm trên 300 ngàn héc-ta, trong đó tôm nuôi chiếm trên 280 ngàn héc-ta, sản lượng hàng năm khoảng 210 ngàn tấn, là thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, con tôm được định hướng phát triển thành sản phẩm chủ lực quốc gia, đây sẽ là ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh định hướng phát triển ngành lúa gạo bền vững, đầu tư theo hướng thâm canh trung bình, với diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 100 ngàn héc-ta, sản lượng khoảng 500 ngàn tấn/năm.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Cà Mau đã nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao vào các lĩnh vực của ngành. Ðối với nuôi trồng thuỷ sản, công nghệ cao đã được áp dụng vào các quy trình nuôi, có một số mô hình nổi bật như: nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình Biofloc, Semi-Biofloc cho ao nuôi trải bạt; quy trình công nghệ nuôi tôm hai giai đoạn, ba giai đoạn; quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước khép kín… Ứng dụng công nghệ trong mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực, nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm kết hợp với ứng dụng chế phẩm sinh học (nuôi cua, sò huyết, nuôi cá mú trân châu, cá giò...); công nghệ trong bảo quản sau thu hoạch cho các tàu khai thác thuỷ sản xa bờ...
Ngành tôm tiếp tục khẳng định vai trò kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau năm 2022 đạt 1,3 tỷ USD. |
Thời điểm năm 2012, tỉnh Cà Mau chưa có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, đến cuối năm 2022, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh của tỉnh đạt 8.000 ha/11.555 hộ. Năm 2022, ngành tôm Cà Mau tiếp tục khẳng định vai trò kinh tế mũi nhọn, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (chủ yếu là xuất khẩu tôm) đạt 1,3 tỷ USD.
Ông Văn Tấn Ðạt ở ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, người có thâm niên và thành công trong nghề nuôi tôm, chia sẻ: “Kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi tôm công nghiệp, tôi đúc kết: muốn bền vững với nghề này thì phải hướng mô hình theo công nghệ cao; muốn bền vững hơn thì phải theo hướng tôm sạch. Yếu tố tiên quyết cho vụ nuôi thành hay bại là do khâu xử lý nước. Bên cạnh đó là những yếu tố quan trọng khác như con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi…”.
“Những đóng góp của khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp Cà Mau những năm gần đây đã cho thấy việc phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là hướng đi đúng đắn, tạo động lực mới cho nền kinh tế nông nghiệp trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang xúc tiến để thành lập hai khu và hai vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản huyện Năm Căn thuộc xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, có diện tích 4.320 ha (gồm hai giai đoạn), với các chức năng chính là ứng dụng thành tựu nghiên cứu công nghệ cao và trình diễn các mô hình, sản phẩm mới với kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và vi sinh, nuôi trồng, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản. Khu nuôi trình diễn và chuyển giao công nghệ Việt - Úc tại xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, có diện tích 171,778 ha; nơi đây xây dựng khu nuôi trình diễn và chuyển giao công nghệ về thuỷ sản.
Hai vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đó là: vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản huyện Ðầm Dơi (ở các xã: Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân), quy mô dự kiến 1.000 ha, mục tiêu ứng dụng các thành tựu nghiên cứu công nghệ cao và trình diễn các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, năng suất cao; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh, quy mô dự kiến 139,98 ha, mục tiêu chính là ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng nông sản, hàng hoá có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Tiềm năng và lợi thế của ngành đã được xác định, giải pháp dài hơi cũng đã có, với sự chủ động trong công tác đổi mới sáng tạo, hy vọng tương lai không xa, nông nghiệp Cà Mau sẽ có bước tiến mới, giúp người dân làm giàu từ ngành kinh tế này./.
Phú Hữu