ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 00:21:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nuôi mèo…

Báo Cà Mau Dạo này Mười nuôi một con mèo. Không phải loại mèo cứ quanh quẩn xó nhà, chui rúc trong chăn chiếu và in dấu chân lem luốc lên bất cứ chỗ nào. Con mèo của Mười không biết ăn vụng, không rụng lông bừa bãi, không quẩn chân chủ đến phát bực. Dĩ nhiên nó cũng không biết bắt chuột, không ị bậy, không phải để ôm ấp vuốt ve.

Dạo này Mười nuôi một con mèo. Không phải loại mèo cứ quanh quẩn xó nhà, chui rúc trong chăn chiếu và in dấu chân lem luốc lên bất cứ chỗ nào. Con mèo của Mười không biết ăn vụng, không rụng lông bừa bãi, không quẩn chân chủ đến phát bực. Dĩ nhiên nó cũng không biết bắt chuột, không ị bậy, không phải để ôm ấp vuốt ve. Ðó đơn giản chỉ là một trò game nuôi mèo trên điện thoại. Nó chắc chắn không dành cho một người phụ nữ ba mươi tuổi như Mười. Vì đứa cháu bốn tuổi vẫn chơi suốt ngày, nó thậm chí còn vượt cả level của Mười.

Bạn bè biết Mười nuôi mèo trên game ai cũng phá lên cười. Mười mà cũng có thời gian chơi trò con nít đấy ư? Trò đó có gì vui mà sao tự nhiên Mười đắm đuối? Thỉnh thoảng lại thấy Mười than thiếu xu mua phấn son, váy vóc cho mèo. Kể cũng lạ, Mười vốn là con người của công việc, bận rộn đến mức thiếu thời gian để ngủ. Nghe bạn bè thắc mắc, Mười chỉ cười. Bạn bè ở xa đâu có hiểu, nếu không nuôi mèo Mười còn biết làm gì cho đời bớt chán. Cũng phải kiếm cái gì phù phiếm để đi qua những cơn buồn cứ chực chờ dìm mình xuống đáy sâu.

Minh hoạ: HOÀNG VŨ

Mèo có cái hay là biết nhại lại tiếng người. Nhờ có nó mà thỉnh thoảng Mười còn nghe tiếng của mình. Có những ngày Mười không có nhu cầu cất lời. Cứ lầm lũi cơm nước, dọn dẹp rồi chúi đầu vào máy tính. Chồng đi làm hay ở nhà cũng vậy, mỗi người mỗi việc không đụng chạm đến nhau. Trong bữa cơm cũng chỉ thấy tiếng bát đũa va nhau. Âm thanh lớn nhất trong ngày đôi khi lại là tiếng cạo nồi lúc rang cơm, xào trứng. Lúc thảnh thơi nằm sõng soài bên nhau Mười có lúc định quay sang nói với chồng câu gì đó. Nhưng chồng đeo tai phone xem phim kiếm hiệp, tiếng gươm đao lọt ra lạnh cả ngôn từ.

Mười quay ra xem hài cười một mình như ma rồi ngủ quên lúc nào không biết. Nửa đêm tỉnh dậy giật mình thấy nhà sao nhiều tiếng người quá. Hoá ra hai cái điện thoại vứt lăn lóc ở giữa giường, hài kịch và chính kịch cãi nhau chí choé. Chồng cũng ngủ quên, mang theo một trận đánh nào đó qua tiếng nghiến răng kèn kẹt và hai bàn tay nắm chặt như đang đứng ở võ đài. Thỉnh thoảng trong bữa cơm, Mười bỗng có ý nghĩ rất buồn cười: Là cố tình ngó xem hai hàm răng chồng mình có mòn theo mỗi đêm không, nhưng chỉ nghe tiếng nhai rau ráu, tiếng húp canh xì xụp. Trong ngôi nhà này vì thiếu vắng tiếng người nên đôi khi đặc quánh âm thanh.

Dạo này, chồng thỉnh thoảng hay hỏi duy nhất một câu. Giữa lúc đang cắm cúi sửa đống điện hỏng vứt lăn lóc xó nhà. Lúc đang ăn vội bữa sáng cho kịp giờ đi làm. Lúc đang ngồi đánh lại đôi giày kiểu dáng lỗi mốt... “Tối qua trong giấc mơ em đã gọi tên ai đến cứu?”. Mười không nhớ. Những giấc mơ lộn xộn như vải vụn vun thành đống mỗi ngày. Bao nhiêu khuôn mặt đã lướt qua. Bao nhiêu cuộc rượt đuổi và chạy trốn. Làm sao Mười có thể nhớ được mình đã từng gọi tên ai trong số họ.

Bác sĩ nói những tháng cuối thai kỳ người mẹ thường hay gặp ác mộng. Nhất là những khúc mắc, âu lo trong đời sống thường nhật không thể giải toả được với ai. Chồng lẽ ra nên quan tâm đến điều đó hơn là một cái tên. Nếu chồng hỏi “đêm qua em đã mơ thấy gì?”, có lẽ sẽ có chuyện để nói với nhau. Mười thì có thể gọi tên ai được nhỉ? Nếu không phải là mẹ, rất có thể là tên một người tình. Mà thế cũng hay. Bởi vì nó mà Mười biết hoá ra chồng mình vẫn còn quan tâm đến vợ.

Hồi mới cưới nhau về Mười hay nói lắm. Líu lo đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng sau vài lần cãi nhau tự nhiên Mười có ý nghĩ mình không nên nói. Người hằng ngày đụng nhau vài bận trong nhà với Mười sinh ra vốn không phải để hiểu sâu sa, nên đừng mong anh ta có thể ngó dáng ngồi mà đoán Mười đang buồn. Thấy Mười nằm co ro quay mặt vào tường là biết Mười cô độc. Những lúc nổi điên anh ta đâu nghĩ được Mười đã vì ai mà bỏ cả gia đình, bè bạn để đến sống ở một thành phố xa xôi. Dù Mười có tênh hênh phơi lòng mình thì chồng vẫn ngó lơ. Chỉ có Mười bẽ bàng sau vài lần kêu cô đơn mà không thấy lời nào đáp lại.

Ơ hờ như khi nghe Mười than mấy hôm nay trời nồm, nhà cửa ẩm ướt, đầu tóc ngứa ngáy đến phát điên. Mấy con chuột tối nào cũng mở tiệc nhảy múa trên trần nhà không làm sao ngủ yên giấc được. Nhà hàng xóm thích thật, cứ tối đến là ăm ắp tiếng cười. Thai dạo này to hơn, chắc vì thiếu can-xi nên xương cốt đau nhức, yếu ớt như đi mượn. Nghe nói bà bầu uống nước dừa rất tốt, mai có khi nhờ hàng xóm đi mua. Chồng im lặng hoặc ậm ừ cho qua. Mười đâu phải tiện mồm mà kêu. Mấy lời ngắn ngủi đó có khi phải ủ men cả ngày mới cất lên. Sau này, mỗi khi định nói gì Mười bỗng chợt khựng lại, vì nghe mãi tiếng của mình cũng chán, đúng không?

                                         * * *

Thỉnh thoảng Mười nói chuyện với mèo. Cằn nhằn mỗi khi thấy nó lem luốc từ đầu đến chân, mặt ỉu xìu buồn bã. Mười hỏi nó thích mặc bộ đồ nào? Chọn màu mắt xanh hay nâu? Dùng son đỏ hay màu hồng ánh nhũ? Chồng liếc mắt dè chừng với một kẻ dở hơi. Nỗi cô độc chưa bao giờ bẽ bàng đến vậy. Ðã có lúc Mười đốt cháy sự im lặng trong ngôi nhà bằng một trận cãi vã. Chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chuyện cái chén ăn xong không chịu rửa. Món thịt gà xào lăn cho rõ lắm ớt. Bảo bao nhiêu lần vẫn cái tật vất chìa khoá lung tung. Mỗi việc đi vệ sinh phải dội nước cho sạch mà lần nào cũng để phải nói. Moi móc ra từng ấy chuyện Mười ngồi im ngó chồng nổi điên, xổ cái mớ ngôn từ nhốt trong cũi miệng. Vậy cho nhà bớt buồn, còn hơn thứ êm đềm khô khốc, loanh quanh chỉ chạm tiếng mình.

Tường ở nơi này mỏng mảnh liền nhau. Nhiều ngày nằm im thèm nghe những âm thanh vọng lại. Ở nhà bên có chị vợ cứ về đến nhà là thấy tiếng. Cằn nhằn chồng về sớm sao chưa cắm cơm? Rau rửa mấy nước mà toàn đất? Nồi cá biển phải kho thật cạn mới ngon. Anh ơi cầm giúp em cái lược. Tắt giúp em cái bóng đèn. Dắt hộ cái xe vào với nào, thấy vợ về cũng không tự động ra đỡ đần còn ngồi đó mà điện tử.

Nhiều khi Mười rõ chuyện nhà họ hơn cả chuyện nhà mình. Mường tượng ra trước mắt hình ảnh cô vợ xăng xái chạy khắp nhà thu nép chỗ này, sắp xếp chỗ kia. Một mình quán xuyến cả thế giới nhỏ bé. Tỉ mỉ đến mức không thấy gì hài lòng, chỗ nào cũng cần bàn tay mình chạm đến. Trong mường tượng của Mười không biết gã chồng nhà bên ấy đang ngồi ở vị trí nào. Vì gã không lên tiếng nên rất khó hình dung. Chỉ đoán được gã đang xem phim. Ðang để nguyên chân bẩn leo lên giường nằm phơi bụng.  Ðang cạo râu dù “râu đâu mà cạo”. Ðang phải ngồi cắt bộ móng chân “dài như vuốt quỷ”. Nếu không có những lời cằn nhằn của chị vợ thì chắc gì Mười đã biết phòng bên ấy còn có một người đàn ông. Tiếng vọng tiếng. Hình vọng hình. Ðàn bà xứ này phải tự khuấy mình lên để không bị lắng lại, đọng thành cặn bã.

Trong giấc mơ đêm qua em đã gọi ai đến cứu? Chồng lại ngước lên hỏi đúng lúc Mười nhăn nhó cầm máu vết thương trên tay bằng miệng. Thói quen cầm máu bằng nước nhãi Mười học ở mẹ từ bé. Mảnh chai rượu bố đập văng tung toé khắp nhà. Mẹ rờ tay trong ánh đèn đỏ quạch nhặt từng mảnh vụn vì sợ các con nửa đêm dậy đi tè giẫm phải. Tay mẹ thường chảy máu, vụn thuỷ tinh cắm vào da thịt ngọt lịm. Mẹ mút ngón tay bị đau, bình thản nhặt vụn thuỷ tinh như người ta nhặt cỏ may bám ở gấu quần. Mười bị đứt tay lúc ngồi nạo đu đủ làm món nộm. Chồng thích mê món đó. Rắc thêm ít đậu phộng rang, trộn đều với tỏi, ớt, chanh, nêm thêm chút đường là thành món nhắm rượu ngon tuyệt cú mèo.

Chồng bảo vậy mỗi lần xách chai rượu trắng mua ngoài quán về ngồi uống một mình. Cái nạo củ quả mới mua sắc quá. Nó nạo luôn thịt da Mười. Chồng không để ý Mười đang đau. Mà Mười cũng không nhớ mình có kêu tiếng nào không. Chồng ngồi cho chú chim chìa vôi trong lồng ăn, ngồi quay lưng với Mười. Trong đêm qua Mười đã gọi tên ai? Mười không nhớ và cũng không quan tâm. Chỉ thắc mắc không biết có ai đáp lại lời kêu cứu của Mười. Dù là trong giấc mơ, Mười cũng không muốn mình đơn độc.

- Em không nhớ. Chắc là em gọi mẹ, hoặc anh.

- Không. Một cái tên lạ hoắc. Người ta có đến cứu em không?

- Chắc là không vì tỉnh dậy em thấy mình ngạt thở.

Chồng cười khẩy, vét hết dĩa nộm đu đủ. Trong nhà ngột ngạt quá, Mười đẩy cửa bước ra ngoài. Những ngôi nhà quay lưng lại với nhau. Nhìn về phía nào cũng thấy quê nhà xa lắc. Giá như ở gần mẹ lúc này Mười sẽ chạy về ngay. Nhiều năm nay mẹ già yếu nên trí nhớ không còn tốt nữa. Vài chuyện cũ mẹ kể đi kể lại. Vài câu hỏi mẹ lặp lại nhiều lần, nên cháu con thường mặc kệ một bà già lẩn thẩn. Mẹ ngồi đó nói chuyện với thế giới mập mờ qua đôi mắt tèm nhèm. Không có tiếng nói nào đáp lại. Mẹ cứ ngồi như thế đến cạn ngày. Giờ thì Mười thấy mẹ trong mình. Thấy mình trong mẹ. Lòng chùng xuống như gánh cả bầu trời. Nước mắt Mười giàn giụa.

Ðứa con trong bụng bỗng đạp mạnh. Mười giật mình nhận ra đời còn có con mà. Con sẽ cùng trò chuyện với Mười. Cùng nói với nhau mọi vui buồn. Cùng kể với nhau về những điều tốt đẹp. Có con rồi, Mười sẽ không còn đơn độc nữa...

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.