Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Phú Tân áp dụng mô hình nuôi sò huyết trên sông. Do lợi nhuận thu được quá lớn nên từ ban đầu chỉ một vài hộ nuôi, giờ đây hàng trăm hộ dân trên địa bàn cùng thực hiện. Nhiều người còn thuê bãi ven sông của hộ dân khác để thả nuôi sò huyết.
Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Phú Tân áp dụng mô hình nuôi sò huyết trên sông. Do lợi nhuận thu được quá lớn nên từ ban đầu chỉ một vài hộ nuôi, giờ đây hàng trăm hộ dân trên địa bàn cùng thực hiện. Nhiều người còn thuê bãi ven sông của hộ dân khác để thả nuôi sò huyết.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi là gần cửa biển, phù sa nhiều nên các bãi đất bồi trên sông được người dân tận dụng triệt để thả nuôi sò huyết giống. Trước tình hình trên, ngành chức năng nên vào cuộc để có giải pháp quy hoạch cụ thể mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao cho người dân, đồng thời cũng phải đảm bảo các điều kiện tự nhiên, tránh gây cản trở giao thông, an ninh trật tự...
Ồ ạt thả nuôi sò huyết
Bắt đầu từ việc bà con ở các xã Tân Hải, Nguyễn Việt Khái, Phú Tân nuôi sò huyết trên sông hiệu quả cách đây hơn 1 năm mà giờ đây phong trào này đã lan rộng mạnh mẽ.
Anh Phạm Việt Khái, ấp Tân Thành, xã Phú Tân, bộc bạch: “Lúc đầu thấy bà con nơi khác nuôi hiệu quả nên về áp dụng thử. Tuy nhiên, nhiều hộ chỉ nuôi sò thịt, còn tôi thấy nguồn sò con ngoài biển nhiều nên nảy sinh ý tưởng ra biển cào về dèo lại để bán sò giống cho bà con thả nuôi trong vuông tôm. Năm vừa rồi vừa tự cào con giống ở biển cộng với bỏ thêm chi phí mua giống để dèo lại, trừ chi phí, tôi thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng".
Anh Nguyễn Việt Khái, ấp Tân Thành, xã Phú Tân áp dụng hình thức nuôi sò huyết trên sông phát huy hiệu quả. |
Nói về phong trào nuôi sò huyết trên sông, ông Nguyễn Thuận Triều, Trưởng ấp Tân Thành, cho biết: "Phong trào này mới phát triển mạnh hơn năm nay, hiện trên tuyến kinh Cái Nước Biển có khoảng 12 hộ thả nuôi. Ðiểm đặc biệt là tuyến sông này có sò tự nhiên từ biển vào, trên kinh có nhiều bãi bồi phù sa lắng đọng nên nuôi sò huyết rất phù hợp. Nếu có sự hỗ trợ của ngành chức năng thì mô hình này tương lai phát triển rất lớn”.
Trên địa bàn xã Phú Tân, tình trạng người dân ven lưới, bao khuôn nuôi sò huyết trên các tuyến sông phát triển mạnh. Cụ thể ở các tuyến: Tân Ðiền A, Cái Nước - Tân Thành, Lô II Mỹ Bình, Cống Ðá… có gần 30 hộ nuôi với diện tích lên đến hàng ngàn mét vuông.
Ông Huỳnh Kỳ Quang, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết: “Việc người dân nuôi sò huyết trên sông là mới phát sinh gần đây do họ thấy mô hình này ở các xã khác mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, tình trạng người dân lấn chiếm lòng sông để thả sò huyết là trái với quy định, vì vậy cần có chính sách, quy hoạch để làm sao phát huy mô hình này nhưng vẫn đảm bảo các vấn đề khác như nguồn nước, an ninh trật tự, an toàn giao thông…”.
Cần có giải pháp phù hợp
Hiện phong trào nuôi sò huyết trên sông đang lan rộng ở các xã Phú Tân, Tân Hải, Nguyễn Việt Khái, Rạch Chèo và thị trấn Cái Ðôi Vàm của huyện Phú Tân. Kết quả rà soát của Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, hiện tổng số hộ nuôi sò huyết trên các tuyến sông, kinh rạch trên địa bàn huyện là 123 hộ. Trong đó, Tân Hải là xã có số hộ dân dèo sò huyết giống trên các tuyến sông, kinh rạch cao nhất với 87 hộ, chủ yếu ở các tuyến: sông Công Nghiệp (từ ngã ba Xẻo Cạn đến cửa biển), tuyến Lô I Công Nghiệp (từ đầu kinh Lô I đến kinh Mỹ Hưng), tuyến Lô II (từ ngã tư kinh Công Nghiệp đến kinh Xổ Nước giáp xã Phú Tân, tuyến sông Cái Cám (từ Trường Tân Nghiệp B ra cửa biển).
Việc người dân nuôi sò huyết trên sông phát triển mạnh bởi hình thức nuôi khá đơn giản, điều kiện tự nhiên nơi đây cũng phù hợp do gần cửa biển nên lượng phù sa lớn, có nhiều bãi bồi trên sông.
Anh Phạm Việt Khái cho biết: “Nuôi sò huyết trên sông không cần kỹ thuật nhiều, chỉ cần ra biển cào sò giống về thả nuôi. Ai có khả năng thì mua thêm sò giống về dèo khoảng 2 tháng là có thể bán cho chủ vuông nuôi sò thịt. Nếu rủi ro thì lợi nhuận rất cao, gấp từ 5 lần trở lên, thậm chí gấp cả chục lần so với vốn bỏ ra”.
Ông Huỳnh Kỳ Quang cho biết: “Thường bà con làm vuông và có mặt tiền trước sông nên tự phát nuôi. Do đặc thù nguồn nước tự nhiên ở đây thuận lợi nên việc thả nuôi sò huyết ở các bãi ven sông hiệu quả cao. Hình thức nuôi này cũng có rủi ro nhưng rất ít, qua khảo sát, tìm hiểu tình hình bà con nuôi sò ở các xã Nguyễn Việt Khái, Tân Hải thì hầu như chưa bao giờ bị lỗ, trong khi đó lãi có thể gấp 10 lần so với vốn bỏ ra. Có thể nói, khi thả nuôi 1 tấn sò thì khi lên cũng cỡ 10 tấn, có thấp gì cũng từ 5-7 tấn”.
Tuy hình thức nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều bất cập mà các ngành chức năng cần quan tâm đặc biệt để giải quyết nếu muốn phát triển hiệu quả mô hình này trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Kỳ Quang nhận định: “Hạn chế của nuôi sò trên sông là về giao thông thuỷ. Người nuôi thường rào chắn, gây cản trở việc đi lại, ảnh hưởng đến dòng chảy, các loài thuỷ sản trong quá trình di cư sinh sản”.
Ông Huỳnh Kỳ Quang đề nghị: “Nếu phát triển mô hình này thì ngành chức năng cần có kế hoạch nạo vét định kỳ và thông báo trước để người nuôi sò huyết chủ động lịch thả nuôi cũng như thu hoạch đúng theo kế hoạch. Bên cạnh đó, cũng cần quy định chừa lòng sông để đảm bảo giao thông”.
Một trong những giải pháp mà xã Phú Tân đang áp dụng để hạn chế tình trạng người dân nuôi sò tự phát trên sông là phối hợp với Ban Quản lý Dự án Bảo vệ và phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững Cà Mau (CRSD). Cũng từ việc nuôi sò huyết mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã Phú Tân đã thành lập được 1 tổ hợp tác nuôi sò huyết trong ao, đầm... xen canh với các loài thuỷ sản khác, có 10 thành viên tham gia. Ông Huỳnh Kỳ Quang cho biết: “Nếu tổ hợp tác này hoạt động hiệu quả, xã sẽ tổ chức nhân rộng, hạn chế tình trạng hộ dân nuôi sò huyết trên sông, rạch”.
Ðể giải quyết vấn đề này, Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân cũng đề xuất giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, UBND huyện nên xem xét quy hoạch một số khu vực nuôi sò tập trung tại các bãi biển ven bờ. Bởi hiện nay nghề nuôi sò huyết ven bờ là nghề có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương. Trên cơ sở quy hoạch, nên ưu tiên những hộ sống ven biển, đặc biệt là các hộ làm nghề khai thác thuỷ sản có tàu công suất nhỏ dưới 20 CV. Ðó cũng là cách từng bước chuyển đổi nghề cho các phương tiện khai thác ven bờ làm suy giảm nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn huyện thời gian qua.
Bên cạnh đó, cần quy định thời gian dèo sò huyết giống khu vực ven biển theo mùa vụ từ 4-5 tháng; sau khi thu hoạch xong phải tháo dỡ các dụng cụ rào chắn. Cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các chính sách phát triển nuôi thuỷ sản để đầu tư vào sản xuất. Ðồng thời, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi sò để người dân cùng tham gia quản lý và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất.
Ðối với tuyến sông, kinh rạch, việc nuôi sò làm ảnh hưởng nhanh đến việc bồi lắng dẫn đến ảnh hưởng lưu thông dòng chảy, gây cản trở việc đi lại của người dân, về lâu dài việc nuôi sò huyết có thể làm ô nhiễm môi trường nước nếu như có dịch bệnh xảy ra làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân trong vùng. Do đó, đối với các tuyến sông, kinh rạch, ngành chức năng đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn không cho phép người dân nuôi sò trong khu vực này./.
Bài và ảnh: Ðặng Duẩn