ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 9-5-25 23:14:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nuôi tôm không xả thải - Hướng đi mới, hiệu quả

Báo Cà Mau Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn, không thay nước, đang mở ra hướng đi mới cho ngành thuỷ sản tỉnh Cà Mau, với nhiều kỳ vọng về phát triển bền vững, thân thiện môi trường và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế.

Thạc sĩ Mai Xuân Hương, Phó phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Quy trình công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn không thay nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau là kết quả sản xuất thử nghiệm được Hội đồng Công nghệ tỉnh đánh giá xuất sắc. Sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ được UBND tỉnh giao làm đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan để thành lập tổ điều phối dự án và triển khai nhân rộng mô hình này. Giai đoạn 1 sẽ thí điểm trên diện tích 100 ha”.

Hộ anh Ðoàn Minh Trung, ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, là một trong những hộ đầu tiên trong dự án áp dụng thành công mô hình này. Chỉ trong 60 ngày, tôm đạt kích cỡ từ 50-60 con/kg. Ðánh giá ban đầu cho thấy, mô hình rất khả thi để nhân rộng trên diện tích 100 ha. Anh Trung chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng như nhiều hộ dân khác ở đây triển khai mô hình nuôi tôm công nghiệp nhưng vẫn xả thải ra môi trường. Chi phí đầu tư các ao khoảng 7 tỷ đồng. Sau 76 ngày nuôi, tôm đạt hơn 60 con/kg, nhưng chưa kịp thu hoạch thì tôm bị bệnh. Thời điểm đó tôi rất hoang mang vì đã về đây mua đất, xây nhà, đầu tư trang trại hơn 10 tỷ đồng nhưng không mang lại kết quả. Giữa lúc bối rối, tôi gặp một số anh em trong nhóm nuôi tôm bảo vệ môi trường. Ðược anh em hướng dẫn nuôi tôm theo quy trình công nghệ tuần hoàn không thay nước, tôi làm theo, chi phí thêm khoảng 50 triệu đồng. Chỉ cần lắp một đường dẫn nước từ trên xuống để xả thải ra ao nuôi rong, rong sẽ lọc nước rồi quay lại ao nuôi tôm. Ban đầu tưởng khó, nhưng khi bắt tay vào làm thì rất dễ, vì nguồn rong có sẵn tại địa phương, chỉ cần chọn loại phù hợp thả vào ao là có thể nhân rộng”.

Anh Trung mới thu hoạch 1 ao, được trên 3,5 tấn.

Anh Trung mới thu hoạch 1 ao, được trên 3,5 tấn.

Hiện hộ anh Trung thu hoạch tỉa sau 60 ngày thả nuôi, tôm đạt size 50-60 con/kg. Hiệu quả vượt trội so với trước đây, rút ngắn thời gian nuôi 15 ngày và tiết kiệm nhiều chi phí.

“Tôi ít sử dụng thuốc, kháng sinh. Thay vào đó, tôi dùng các nguyên liệu tự như: chuối, gừng, mật ong, khóm... trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Tôi thấy mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước rất hiệu quả. Ban đầu tôi thử nghiệm 2 ao, sau 76 ngày thu được gần 3 tấn tôm, khi áp dụng mô hình này, chỉ sau 60 ngày mỗi ao đã thu được hơn 3,5 tấn. Nếu mở rộng lên 5 ao, sản lượng tôm sẽ rất cao”, anh Trung phấn khởi chia sẻ.

Ðường nước thải xả ra được dùng để nuôi cá phi, cá đối...

Ðường nước thải xả ra được dùng để nuôi cá phi, cá đối...

Với quy mô 100 ha, dự án huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, thực hiện theo chuỗi liên kết. Trong đó, nhà khoa học và Nhà nước đóng vai trò cầu nối, quản lý, kiểm tra, giám sát; còn doanh nghiệp và người dân là lực lượng trực tiếp thực hiện. Mục tiêu lớn nhất của tỉnh khi triển khai mô hình này là hướng tới nuôi tôm không xả thải ra môi trường, hoặc nếu có thì chất thải cũng phải đạt chuẩn. Bên cạnh đó, dự án cũng hướng tới giảm giá thành sản xuất và phát triển tăng trưởng xanh, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế.

Ông Ngô Văn Lương, một hộ nuôi tôm lâu năm tại ấp Cái Ðôi, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, sau khi tham quan mô hình của anh Trung, nhận xét: “Tôi đã nuôi tôm siêu thâm canh nhiều năm, đi nhiều nơi học hỏi. Tôi thấy mô hình này hiệu quả: thứ nhất là nước được tuần hoàn, thứ hai là hạn chế dịch bệnh, thứ ba là đã chứng minh được tính hiệu quả. Chỉ sau 60 ngày, tôm phát triển rất tốt, đặc biệt là chi phí thấp hơn nhiều so với mô hình cũ. Trước đây cần có ao lắng, ao xả thải, còn bây giờ là mô hình tuần hoàn khép kín, dùng rong để làm sạch nước, giảm bệnh cho tôm, rất phù hợp trong bối cảnh khí hậu biến đổi khó lường”.

Thạc sĩ Mai Xuân Hương cho biết thêm: “Dự án là mô hình thử nghiệm liên kết chuỗi 100% từ đầu vào đến đầu ra. Doanh nghiệp cung cấp thức ăn sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về giá như đại lý, đồng thời hỗ trợ thêm 3.000 đồng/kg so với giá đại lý để hỗ trợ người dân giai đoạn đầu chuyển đổi. Sau 45 ngày, doanh nghiệp sẽ đầu tư 100% cho công nợ nếu dự án thực hiện thành công. Về rong và cá trong hệ sinh thái, doanh nghiệp hỗ trợ 50%; công nghệ cũng được giảm 20% so với giá đại lý, các vật tư đầu vào như thuốc, vi sinh... cũng được giảm thêm 20%. Ðặc biệt, chuyên gia công nghệ sẽ hỗ trợ 100% trong suốt quá trình nuôi, mà người dân không phải chi trả chi phí thiết kế hay tư vấn kỹ thuật”.

Dự án giai đoạn 1 với quy mô 100 ha đã hoàn tất đăng ký và đang triển khai thực hiện. Nếu đạt kết quả khả quan, tỉnh sẽ nhân rộng diện tích từ 600 ha đến 1.000 ha. Với sự đồng hành tích cực từ các sở, ngành và địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng không giới hạn về diện tích đầu tư.

“Ðối với mô hình này, trong suốt quá trình nuôi, chúng tôi hoàn toàn không dùng hoá chất hay kháng sinh. Do đó, mô hình có thể đạt các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế như ASC, BAP... và các chứng chỉ theo nhu cầu xuất khẩu. Chúng tôi kỳ vọng, thời gian tới, ngành tôm sẽ đóng góp một phần quan trọng cho xuất khẩu, nâng cao chất lượng và hướng đến đạt chứng chỉ xanh trong nuôi tôm bền vững”, Thạc sĩ Mai Xuân Hương tâm huyết./.

 

Kim Cương

 

Cần chính sách đặc thù cho nông nghiệp tạo đột phá

Với đặc thù của vùng đất, kinh tế Cà Mau dựa phần lớn vào phát triển nông nghiệp, sản xuất trên lĩnh vực này chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng thể nền kinh tế của địa phương. Nhiều ngành hàng nông nghiệp trở thành kinh tế chủ lực của tỉnh như thuỷ sản (chủ yếu từ con tôm, cua), trồng cây lấy gỗ (tràm, keo lai).

Nông dân vùng mặn trồng màu tăng thu nhập

Hiện nay, ngoài nuôi thuỷ sản là nghề chính, nhiều hộ dân ở huyện Ngọc Hiển tận dụng đất trống quanh nhà, bờ bao vuông tôm, đất dọc các tuyến lộ của gia đình để trồng rau màu tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bắt cá bè trên biển Tây

Cá bè thường xuất hiện vào khoảng tháng 4 ở vùng biển Tây Cà Mau và nhiều khu vực khác tuỳ theo mùa. Mùa khai thác cá bè thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9. Ðây là thời điểm biển êm, cá bơi theo từng bầy nhỏ nên việc khai thác loài cá này cũng khá dễ dàng. Ngư dân có kinh nghiệm sẽ xác định được toạ độ, nơi cá xuất hiện nhiều để khai thác.

Hướng sản xuất lúa hè thu có lãi trên 30%

Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống 35.244 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trần Văn Thời 28.954 ha, U Minh 3.280 ha, Thới Bình 530 ha và TP Cà Mau 2.480 ha.

Giúp dân thoát nghèo bền vững

Những năm gần đây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Lợi ích khi liên kết

Những năm gần đây, mô hình kinh tế tập thể tại xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước đã phát huy vai trò làm cầu nối để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời giúp các thành viên thay đổi hình thức sản xuất, cùng đoàn kết để phát triển, góp phần nâng cao thu nhập.

Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài

Sáng 25/4, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án "Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài tại tỉnh Cà Mau".

Tạo bứt phá trong phát triển kinh tế biển

Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: Phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng tái tạo là tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh. Ðể cụ thể hoá nghị quyết này, hàng loạt chương trình, nhiệm vụ, giải pháp được triển khai thực hiện. Theo đó, hệ thống các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả.

Ðể lợi thế thành giá trị thực

Nông nghiệp Cà Mau dù vẫn còn nhiều khó khăn, song đang từng bước hội nhập với xu hướng cả nước và thế giới. Thời gian qua, các thành tựu của khoa học - công nghệ được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, cho ra đời nhiều mô hình sản xuất không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trời yên biển lặng, cá tôm về

Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 âm lịch, thời điểm trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, ngư dân tranh thủ đánh bắt thuỷ sản, kiếm thêm thu nhập bù cho những ngày tàu nằm bờ. Tàu về cá đầy khoang, mang niềm vui đến cho ngư dân xứ biển.