Ðể sản xuất thích ứng với thời tiết, thổ nhưỡng, người nuôi tôm không ngừng cải tiến hình thức nuôi. Tại xã Tạ An Khương Nam, huyện Ðầm Dơi, nhiều hộ triển khai phương thức nuôi tôm sạch, an toàn khi sử dụng vi sinh trong quá trình nuôi, mang lại hiệu quả cao.
- Nuôi tôm thích ứng với hạn mặn
- Nuôi tôm siêu thâm canh thân thiện môi trường
- Khẳng định thế mạnh tôm sinh thái
Ngày nay, người nuôi tôm đang phải đối diện với nhiều thách thức, từ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nguồn giống cho đến biến đổi của thời tiết... nên năng suất kém. Phương pháp nuôi vi sinh giúp người nuôi dễ dàng quản lý ao nuôi, ít rủi ro, tăng lợi nhuận. Theo đó, người nuôi sử dụng cám gạo để ủ với men vi sinh làm thức ăn cho tôm, tạo vi khuẩn có lợi để tôm phát triển nhanh.
Men vi sinh ủ bằng phụ phẩm nông nghiệp mang lại nhiều lợi khuẩn cho ao nuôi.
Một trong những hộ đi đầu phong trào nuôi tôm sạch, không sử dụng kháng sinh, ông Trần Văn Nhỏ, ấp Tân An Ninh B, bước đầu đánh giá phương thức nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Ông Nhỏ có 5 ha đất nuôi tôm quảng canh, trước đây nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống không mang lại hiệu quả. Năm 2023, ông Nhỏ chuyển đổi cách nuôi sang quảng canh cải tiến theo hình thức nuôi tôm sạch, không sử dụng kháng sinh.
Ông Nhỏ chia sẻ, hiện nay giá thức ăn nuôi tôm rất cao nhưng hiệu suất sử dụng thì kém, trong khi đó phụ phẩm của ngành nông nghiệp giá rẻ lại dễ tìm, nên ông tận dụng cám gạo để ủ thức ăn nhằm giảm thiểu chi phí. Ðối với quy trình ủ thức ăn, ông dùng cám gạo ủ với men vi sinh, cụ thể là pha dịch men với nước, đường mật, chuối, khuấy đều và để qua đêm. Trộn đều cám gạo, bột đậu nành, bột cá pha dịch men ủ với dịch đạm, cá hoặc trùn quế. Khuấy đều hỗn hợp dịch men và cám trộn rồi ủ trong thùng kín khoảng 10-12 ngày đến khi lên men. Sau đó, nén thức ăn thành viên, tuỳ kích cỡ của tôm trong thời kỳ phát triển, phơi khô, cho tôm ăn dần.
Ông Nhỏ đánh giá: “Nuôi tôm theo hình thức này tiết kiệm được chi phí lại hạn chế dịch bệnh, tôm đạt năng suất và cả về chất lượng con tôm nên giá cao, tăng lợi nhuận”. Mỗi năm ông Nhỏ nuôi 2 vụ tôm, nuôi đúng quy trình 3 tháng bắt đầu thu hoạch dần, ước tính mỗi vụ thu về khoảng 1 tấn, trừ hết chi phí còn lợi nhuận trên 100 triệu đồng.
Phương pháp nuôi vi sinh giúp người nuôi nâng cao chất lượng và giá trị con tôm.
Dù chỉ mới chuyển đổi hình thức nuôi tôm an toàn được 1 năm nhưng ông Bào Thanh Huấn, ấp Tân An Ninh B, đã thu về lợi nhuận cao hơn trước đây rất nhiều.
Ông Huấn cho biết, lúc trước nuôi theo cách truyền thống, hễ được mùa thì mất giá, mất mùa thì được giá, cứ như một vòng lặp, không mang lại lợi nhuận như mong đợi. Ông bắt đầu học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi trước và biết được việc sử dụng vi sinh trong lúc nuôi giảm bớt các chất độc hại, cải thiện môi trường sống cho tôm, giảm tối đa dịch bệnh vì có sức đề kháng cao, nên ông mạnh dạn chuyển đổi hình thức nuôi.
Ông Huấn chia sẻ: “Với 3 ha đất, mỗi vụ tôi thả nuôi 20 ngàn con giống; vào mùa hạn sẽ nuôi thưa hơn do nguồn nước có độ mặn, tôm chậm lớn. Ngoài ra, vụ trước thả nhiều, vụ sau thả ít lại, vì trong ao lúc này sẽ còn ít chất dinh dưỡng. Ðặc biệt, mỗi năm phải cải tạo phơi ao để chuẩn bị cho vụ nuôi mới”. Mỗi vụ nuôi cho ông lợi nhuận 40-50 triệu đồng, hơn gấp nhiều lần so với những vụ nuôi trước đây.
Ông Lâm Quốc Kiệt, phụ trách khuyến nông xã Tạ An Khương Nam, cho biết: “Bước đầu mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững khi giúp người dân giải được bài toàn về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là vấn nạn sử dụng hoá chất, kháng sinh trong quá trình nuôi, góp phần tăng giá trị con tôm”./.
Phương Thảo