Ðể ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và hạn mặn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cái Nước có cách làm sáng tạo, đó là tích trữ nước ngọt giai đoạn cuối mùa mưa để hạ thấp độ mặn phục vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn trong những tháng mùa khô.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô là độ mặn trong vuông tôm tăng lên rất cao, không thuận lợi cho tôm nuôi phát triển và tiềm ẩn xảy ra rủi ro, thiệt hại. Ứng phó với thời tiết cực đoan, để duy trì độ mặn trong vuông tôm phù hợp, giúp tôm nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn phát triển, ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, đã có cách làm sáng tạo. Ngay sau khi kết thúc vụ tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa, ông tiến hành bơm tát nguồn nước ngọt sang mảnh vuông liền kề để tích trữ và cải tạo. Sau khi hoàn thành khâu cải tạo, nguồn nước ngọt bơm trở về hiện trạng ban đầu và cấp bổ sung nguồn nước mặn ngoài sông vào, khi độ mặn trong vuông tôm đạt ở ngưỡng 5%o thì dừng lại.
Hộ ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, bơm tát nước ngọt tích trữ để giảm độ mặn trong nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn.
Với cách trên, tuy đang trong cao điểm mùa khô như hiện nay nhưng độ mặn trong vuông tôm của ông Quốc duy trì ở ngưỡng 15%o, tôm nuôi phát triển rất tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Ông Quốc cho biết: “Qua kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm, độ mặn thích hợp cho tôm sú phát triển dao động từ 5-20%o, khi tăng lên 30%o thì tôm nuôi chậm lớn, còn vượt trên 30%o thì tôm ngừng phát triển, thậm chí còn xảy ra thiệt hại do độ mặn tăng cao”.
Theo ông Lê Thanh Sử, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, để hạn chế độ mặn trong vuông tôm tăng cao những tháng mùa khô, giúp tôm nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn phát triển thì bờ bao vuông tôm phải được gia cố chắc chắn và đảm bảo không rò rỉ. Ông Sử cho biết, ngay sau khi kết thúc mùa mưa, ông tiến hành đóng cống giữ ngọt vuông tôm và lợi dụng độ mặn trong đất phát tán ra bên ngoài, nâng độ mặn trong vuông tôm lên từ 3-5%o; tôm giống mua về không thả trực tiếp xuống vuông nuôi, thay vào đó ươm dèo trong diện tích nhỏ, dễ dàng chăm sóc, quản lý và khi tôm được 1 tháng tuổi thì thả ra ngoài vuông nuôi.
Trong điều kiện nắng hạn, vuông tôm hộ ông Lê Thanh Sử vẫn duy trì độ mặn phù hợp, giúp tôm nuôi phát triển.
Ðặc biệt trong suốt mùa khô, ông Sử nuôi tôm theo hình thức không thay nước, ngăn ngừa mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào vuông tôm. Với cách làm sáng tạo này, ngay trong những tháng mùa khô, độ mặn trong vuông tôm của gia đình duy trì ở ngưỡng 10%o, giúp tôm nuôi phát triển, thu hoạch đạt năng suất khá cao.
Quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn theo hình thức tích trữ nước ngọt giai đoạn cuối mùa mưa, giảm độ mặn, giúp tôm nuôi phát triển và áp dụng quy trình nuôi tôm không thay nước phòng ngừa bệnh cho tôm nuôi, được xem là giải pháp nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, đang được ngành chuyên môn huyện Cái Nước khuyến cáo bà con nông dân áp dụng và nhân rộng cách làm mới này./.
Việt Tiến