ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:45:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Oan nghiệt

Báo Cà Mau Những năm đầu mở cửa, gọi điện từ nước ngoài về rất khó khăn, hẹn giờ gia đình tới bưu điện chờ. Cậu gần như mỗi tháng đều gọi về hỏi thăm sức khoẻ, việc làm ăn người thân, xóm giềng. Ðến một lần, cậu thông báo tháng sau sẽ làm đám “tuyên bố” với một người cùng quê định cư tại Úc, anh em chúng tôi rất mừng, vì nghe nói bên đó thanh niên nghèo khó lấy được vợ. Cậu tôi, cái gì cũng đạt điểm chín đến mười, duy cái vóc dáng có phần quá khiêm tốn.

Những năm đầu mở cửa, gọi điện từ nước ngoài về rất khó khăn, hẹn giờ gia đình tới bưu điện chờ. Cậu gần như mỗi tháng đều gọi về hỏi thăm sức khoẻ, việc làm ăn người thân, xóm giềng. Ðến một lần, cậu thông báo tháng sau sẽ làm đám “tuyên bố” với một người cùng quê định cư tại Úc, anh em chúng tôi rất mừng, vì nghe nói bên đó thanh niên nghèo khó lấy được vợ. Cậu tôi, cái gì cũng đạt điểm chín đến mười, duy cái vóc dáng có phần quá khiêm tốn. Rồi những năm tiếp theo, tuy điều kiện thông tin thuận lợi hơn nhiều nhưng không nghe cậu gọi hỏi thăm, thi thoảng việc gì bức bách cậu mới gọi về, còn bên này gọi qua thì miễn cưỡng lắm cậu mới dông dài, không còn sôi nổi như xưa.

Cậu và mẹ tôi tuy chị em cùng cha khác mẹ nhưng gần như cả xóm không ai nghĩ vậy, trừ vài người lớn. Bà ngoại tôi mất sớm, bà cố đứng ra xin hỏi cưới vợ cho con rể. Bà ngoại sau về với ông ngoại khi còn con gái, hơn mười năm sau mới có duy nhất một người con đầu, cũng là út, vì ông ngoại tôi đã có trước ba mụn con gái. Cậu tôi được sinh ra trong sự trông chờ kiếm người nối dõi tông đường. Lúc nhỏ, tôi không nhớ thế nào chứ lớn lên cậu rất dễ mến, không chút hiếp đáp ỷ lại. Ngoại sau của tôi cũng vậy, sống với các con riêng của chồng rất mực nhân ái, bao dung và hết mình.

Minh hoạ: Hoàng Vũ

Cậu lớn hơn tôi đôi ba tuổi nhưng hằng ngày học và chơi chung, cậu luôn hiểu vai vế của mình. Tính tình cậu hiền hậu, biết nhìn xa và chỉn chu mọi thứ. Thả câu, bắt cá dưới sông, trên đồng, khi về cậu thường xem giỏ, rọng của tôi, thấy ít cá là cậu cho. Có lần cậu cho hết, không còn con nào, tôi thắc mắc, cậu nói: “Không sao đâu con, hôm nay cậu cho ông bà ngoại đổi món gà, vịt”. Có lần, hai cậu cháu vừa cắm câu xong trời nhá nhem tối, tôi hối thúc cậu về kẻo lính đồn nhìn lầm, bắn chết. Cậu nói: “Con về trước, cậu đi xem có chỗ nào cá nhiều hơn đây không để mai mình chuyển vùng”. Lần nữa, vắng cậu. Hỏi không ai biết.

Sau này mới rõ, cậu bí mật đi đưa nước, thuốc, cháo vào khu rừng chồi cứu thương binh khi trận đánh vừa kết thúc do máy bay rải thuốc khai hoang làm nước không dùng được. Cậu làm tai mắt hay giao liên gì đó cho cách mạng. Ðôi lần, buổi trưa lúc vắng người làm đồng, cậu một mình giả vờ đi câu rồi tìm tới chỗ hôm trước trực thăng rước lính đi hành quân để cậu nhặt đạn do lính bỏ lại. Cậu còn rủ tôi đi mò tôm nhưng thực ra cậu đi mò đạn do tàu sắt đậu lại trước các vàm kinh, quăng thảy bớt số đạn cũ. Có bữa trúng mấy thùng còn xanh ẻo, cậu giấu lại giữa đám lá dừa nước bịt bùng, sau đó các chú, các anh đêm về mang đi. Tôi thấy khoái, đòi tham gia. Cậu dứt khoát: “Không được đâu con, nguy hiểm lắm”.

Sau năm 1975, có chú súng ngắn đeo hông, chức vụ chắc khá, đến nhà kêu cậu tiếp tục tham gia công tác. Nhưng hoàn cảnh lúc ấy: ông bà ngoại già yếu, bệnh tật, trăm sự trong ngoài trông chờ vào cậu nên cậu từ chối. Ðể kiếm thêm ít tiền nong phòng lúc khó cho gia đình, đầu tiên cậu làm bốc vác nhà máy xay lúa. Rảnh rỗi học cách coi gạo, đứng gằn rồi phụ sửa chữa hỏng hóc máy, dần dà cậu trở thành thợ rồi thợ chính của nhà máy luôn. Thấy chỗ hứng cám sàng gần với dây curoa máy không an toàn, cậu đề nghị chủ cho mua ít vật tư để ngăn lại tránh rủi ro bất trắc. Ngày qua ngày cậu nhắc lại, không ngờ chủ bực bội đến mức:

- Cái thằng này, bao năm nay có gì đâu…

Cậu đành bảo vệ:

- Ðã qua không có gì do người tới nhà máy ít, nay ngoài người lớn khách còn dắt theo con nít. Sợ bọn trẻ không biết, chạy vào nguy hiểm lắm.

Chủ gắt gỏng:

- Mầy lo việc của mầy đi. Sao lắm chuyện. Phận…

Ý nói phận làm công, tỏ vẻ khinh thường kẻ ở.

Xúc phạm lắm, hiểu cảnh đời, cậu cúi mặt buồn. Lấy dây cột bao giăng chằng chịt làm vật cản. Chủ lại mắng bằng giọng đanh:

- Nhà máy của người ta khang trang, mầy làm như cái chòi như vậy coi được không.

Mấy ngày sau, đứa nhỏ theo mẹ đưa lúa đến chà gạo, mải đùa giỡn bên ngoài, bất thình lình chạy vào khu chứa cám sàng trượt chân, va vào cọng dây chân bị kéo, hút vào bánh trớn nghiến chết tại chỗ, thi thể biến dạng. Ðau thương, tức giận, cậu nghỉ việc. Thất nghiệp.

Có người khuyên cậu nên gặp lại người quen trước đây, nay có chức quyền kha khá nhờ họ giúp xin vào làm để có thu nhập. Khổ, cái tạng cậu không đi đường hướng đó được bởi cậu ít chữ, hơn nữa nhà đang kiếm gạo từng bữa. Trở lại với đồng ruộng dẫu rất siêng năng, chịu khó học hỏi kinh nghiệm nhưng trồng lúa một năm có một vụ rồi trông chờ vào trời đất do không hệ thống tưới tiêu, còn lại thời gian rảnh rỗi nhiều mà sức trẻ như cậu muốn được làm nhưng không có cách, không có chỗ. Ngay lúc ấy, có cô bạn nhà đầu xóm quen nhau từ lúc nhỏ, con nhà giàu có, thỉnh thoảng gặp lại cậu huyên thuyên chuyện xưa, chuyện nay và hình như giữa hai người có sự chớm nở tình cảm. Cô ta giới thiệu cậu đi làm thợ máy cho tàu đánh cá của ông anh, cậu đồng ý nhưng cứ hẹn nay, mai. Tôi thúc cậu.

- Nhà đang khó sao cậu không xuống biển nhận việc để ứng ít tiền cho ông ngoại giải quyết khó khăn?

Cậu khều tôi ra hè nhà thỏ thẻ:

- Phát hiện ở khu vườn hoang có nhiều đồ vật quý giá được cất giấu kỹ lưỡng, cậu nghi là của bọn cướp giấu chờ thời cơ tẩu tán hoặc của những người tổ chức vượt biên, cậu đang theo dõi vài hôm nữa.

Mấy ngày sau, cậu cùng công an xã phục kích bắt gọn băng cướp khét tiếng có vũ khí, hoạt động liên huyện vùng sông nước tồn tại nhiều năm. Người dân quanh vùng vui mừng, phấn khởi như được vàng trước cuộc sống yên bình, báo đài thời ấy đăng phát mấy kỳ liền.

Làm thợ máy đi mới vài chuyến, chủ tàu nói cậu làm tốt lắm, cho tăng lương gấp đôi, cậu rất mừng, gửi tiền về gia đình nhiều hơn. Ông ngoại cũng khoẻ ra, bà ngoại kêu tôi hỏi:

- Gần gũi cậu, con thấy có ai cậu để mắt, đem lòng thương yêu không? Cậu cũng lớn rồi, sao bà không nghe thấy gì hết.

Tôi biết tỏng tong về cậu. Hơn thế, là sự khao khát chờ mong cháu nội của ông bà. Nhưng khổ nỗi, chỗ đó người ta giàu có mà cậu thì không muốn trèo cao và cũng không để lòng tự trọng bị đem ra đùa giỡn cả đời. Tôi nhanh miệng:

- Dạ, con không thấy cậu để ý ai.

 Bà ngoại xoay xoay cơi trầu, định quệt vôi thêm vào lá đang cầm sẵn trên tay, nghĩ sao để xuống. Giọng nhẹ, chậm buồn:

- Ông con già rồi, muốn nhà có con nít ê a cho vui, miễn nó chịu, người ta có đòi hỏi cao, ông bà ngoại cũng ráng theo, cùng lắm cắt bớt phần đất trũng bán con à.

Rất mừng vì cậu cũng có một lối ra trong vòng luẩn quẩn của đường tình chểnh mảng. Có lần cậu tâm sự: Cậu hiểu cảnh cha mẹ già mà mình thì không làm được gì, thậm chí đói cơm rách áo làm sao dám ngước lên.

Ðó là câu chuyện ngày hôm qua. Bây giờ tôi phải sớm gặp cậu, nghe ngóng dò hỏi lại tình cảm của cậu gần đây có tiến triển gì so với trước. Chắc phải có phần khơi mào thẳng thắn nhằm gạt bỏ mặc cảm, nếu thực sự hai người tôn trọng, thương yêu nhau.

Ði đò mất nửa ngày tôi mới tới cửa biển tìm đúng nhà của chủ tàu. Nhà thênh thang vắng lặng, đầy mùi nằng nặng hăng hắc của lưới cũ, của tôm cua. Tôi cứ gọi miết, chó sủa ăng ẳng. Từ xa dưới nhà sàn, một người đàn ông lụm cụm bước ra. Qua chào hỏi, tôi tự giới thiệu. Ðúng ra, tàu cậu đi phải về cách đây hai, ba hôm như các tàu khác, đằng này tàu không về, không tin tức gì cả. Thấy tôi chần chừ, ông già kêu vào nhà nghỉ, mời tôi dùng cơm. Thấy vậy, tôi lật đật tiếp tay bưng bê. Cố nuốt xong bữa, bởi lòng đang sốt vó, dù bụng đói, mồi đến thèm thuồng. Xong bữa, ba câu bốn chuyện, mỗi người tòng teng trên một chiếc võng. Âm thanh sóng biển ì ào,  từng cơn gió lành lạnh làm tôi thiu thiu. Hôm sau trở về, linh tính như có điều gì không bình thường xảy ra với cậu...

***

Con tàu gỗ cứ thẳng tiến suốt một đêm không thấy bủa lưới, không một lần tài công trả số lùi. Nghi ngờ, cậu trèo lên boong, thấy có nhiều người lạ đúng như dự đoán, liền gặp chủ tàu cũng là tài công chuyến đi này:

- Ông đi đâu, sao ông không nói trước một lời?

Chủ tàu đằng hắng cố nâng giọng nhưng vẫn đục:

- Thông cảm đi chú em, nói trước chú em không đi ai lo phần máy. Với lại lỡ công an biết thì có lột lịch cho toi mạng à.

Biển trời tinh sương dường như tối sầm. Từ nay về sau, biết bao giờ gặp lại cha mẹ, người thân, quê hương. Và cậu cũng thừa hiểu mọi biểu hiện chống trả lúc này rất nguy hiểm đến tính mạng. Thương tình họ quặt tay chân như lợn đúng lứa gả đàn, còn ác hơn, họ cho xuống biển làm mồi cá mập. Biết thế, nhưng hình ảnh quê hương cứ hiện dần trở lại ngay trước mặt. Một suy nghĩ loé lên khi cuối tàu có một vài thanh sắt tròn vừa vặn và vài chiếc phao cứu hộ nằm vất vưởng.

Ðọc được ý nghĩ liều lĩnh của cậu, chủ tàu liền gọi và khoát tay, từ khoang hành khách, một cô gái tuy ăn diện thoạt nhìn có phần xấu xí, đôi chân dài mềm mại với đôi mắt sáng to buồn lách người bước đến. Cậu bàng hoàng trong chớp mắt, bất thần hô lên rất đỗi vui mừng: “Duyên...”. Một vệt sáng muộn màng của ánh sao băng ngang qua tàu như chợt tỉnh, cậu có cảm giác đan xen thương yêu, lo sợ... Cậu chỉ còn biết quay đầu lại bằng cái nhìn luyến tiếc, cầu mong sự tha thứ của người thân để từ nay và mãi về sau chắc chắn chấp nhận sự biệt ly.

Duyên nắm lấy tay cậu vẻ gần gũi, chia sẻ rồi nói gì đó thêm vài câu hoà với tiếng sóng vỗ, riêng ánh mắt có cái nhìn trìu mến của Duyên biểu hiện tình thương và vì nhau trọn vẹn. Cậu trở về phía sau tàu trước khi đặt những bước chân có phần tập tễnh nặng nề xuống thang, một cảm giác mặn đắng từ khoé mắt trong khi mặt biển trông xa cứ xanh rờn như cánh đồng lúa mênh mông kỳ ngậm sữa. Bờ mi như sụp xuống, dưới đôi chân trần vẫn có nhiều con sóng nhỏ li ti tung tăng đùa giỡn. Cuối trời xa cùng lúc nhiều tia nắng hồng hình cánh quạt rẽ thẳng lên không trung như soi rọi, như dẫn dắt, cảm giác ngỡ ngàng luồn luồn trong cơ thể phút chốc tay chân cậu bất chợt rung lên... Không thể làm gì khác ngoài nhiệm vụ người thợ máy làm công.

Vừa chạng vạng, tàu đang lênh đênh thuộc hải phận quốc tế, biển lặng, hơi nước cuối ngày bốc lên mát rười rượi, cậu trèo lên boong, tới lui vài vòng cho khuây khoả. Bỗng bóng đen to đùng ào ào âm thanh khô khốc khét lẹt, một con tàu lạ lao tới cập kè la hét, những tên mặt mày đen đúa đằng đằng sát khí nhảy qua tàu. Trong nháy mắt, ba bước chân cậu đã tụt xuống hầm máy khoá trái cửa. Tiếng kêu la tán loạn, tài công bị khống chế chỉ cho máy chạy cầm chừng. Nhìn qua khe ván nứt, cậu thấy không tới chục tên, số đang lục tung đồ đạc, số sờ mó, khám xét từng người lấy hết tiền, vàng cất giấu trước đó. Chúng lôi soàn soạt mấy cô gái trẻ đẹp lên boong tàu, tên vật, tên cởi, tuột quần áo để thoả cơn thú tính. Những người đàn ông bị bất ngờ gần như không chống trả, chúng trói gô thành chùm, riêng các cô gái gào thét, cào cấu, đạp cắn quyết liệt cùng tiếng kêu cứu, tiếng van nài, trong đó loáng thoáng giọng Duyên.

Nắp hầm máy nhẹ nhàng được nâng lên, khoẻ như gã mèo hoang “bập, bập, bập”, hai tên gục ngã. Bọn chúng bắt đầu la toáng lên, bỏ hết mọi việc, dàn thành hàng ngang tiến về phía cậu. Nhanh như chớp, cây sắt được vun vút đưa lên đập xuống. Né trái, đánh phải, chân trụ, chân cước, bay qua bay lại như dơi đêm, thêm một số tên văng ra hộc máu ngã sóng soài, vật vã. Một hai báng súng chuyền tay, họng súng rê rê tìm nơi nhả đạn. Một cú lộn người tạo đà quật thuận hai tay, xoay nửa vòng trái đất, xé nát vòng vây rồi lao ầm xuống biển. Cậu lặn một hơi thật xa để trốn sáng. Vài loạt đạn bặt ngưng, bọn chúng cũng biết rất khó bắn trúng khi mục tiêu đang ở dưới nước ngày càng xa. Bơi mới được một đoạn thì từ xa ánh đèn pha rọi thẳng vào mặt. Khó thoát khỏi thần chết, cậu buông lỏng người suy nghĩ chút về Duyên và chờ đợi...

Trong tích tắc, tàu tới thảy dây cho cậu bám. Cậu không bám, thà chết chứ quyết không để chúng bắt hành hạ rồi mới giết. Tàu lùi lại tiếp tục thảy dây, cậu vội vàng ôm chặt lấy dây khi nhận ra trên tàu toàn người có quân phục chỉnh tề, súng to nhỏ đen ngòm. Tàu lao về hướng đang xảy ra vụ cướp bóc, bọn cướp phát hiện có tàu tuần tra cứu hộ, chúng vội mở dây tháo chạy với mớ của cải tài sản và những tên trọng thương máu me, mềm nhũn. Cậu được trở lại con tàu vượt biên của mình trong nỗi bàng hoàng xúc động của mọi người vừa may mắn thoát nạn đến nơi yên bình.

Trở lại công việc, vừa bước xuống hầm máy, cậu giật bắn người, phát hiện ở gần cuối thân tàu một mảnh vỡ chừng vài ngón tay chạy dài nước biển tràn vô phún lên. Nhanh như cắt, một cái mền, rồi một cái mùng được cuộn lại chắn ngay chỗ vỡ, chân giữ chặt bằng một lực ngang với lực đẩy từ bên ngoài của dòng nước xé tàu, tay lập tức với lên kéo cầu dao khởi động máy bơm nước, từ khoang tàu nước được cuồn cuộn trả lại biển. Mười lăm phút sau, cả tàu mới hay biết sự cố chết người cũng là lúc cậu đã xử lý xong mọi thứ. Gần sáng, tàu vào lãnh hải của Malaysia. Ðang rẽ sóng, một tiếng “cạch” ậm ực nặng nề qua làn nước, máy tăng rờ-tua hu hú đinh tai, tàu chỉ còn trớn sau đó cứ lênh đênh quay cuồng mặc sóng gió.

Chân vịt bị gãy, không còn cái để thay do trước đó bọn cướp đã gom tất. Buồn chán, ước gì tàu cứ trôi dạt vài ngày về lại quê. Suy nghĩ thoáng qua lại vụt tắt khi nhớ cảnh nhốn nháo của bao người xung quanh và nhất là hình ảnh sợ hãi, đau thương tưởng chừng mất cả vừa được bề trên ban ơn giải thoát cho những cô gái, cậu liền dùng áo quần có màu sặc sỡ cột vào cây dài đưa lên phất phất. Cứ vậy, độ vài tiếng sau có tàu của ngư dân nước sở tại đến, cậu nói vài câu tiếng anh học lỏm hồi còn trẻ ra vào chỗ đồn bót có cố vấn Mỹ, kết hợp bộ ra dấu thông minh điệu nghệ của cơ thể dành cho người khiếm khuyết. Sau một hồi họ đồng ý kéo tàu vào đảo tị nạn, chi phí phải trả là vàng mà Duyên nhờ cậu cất giùm từ buổi sáng hôm đầu tiên chợt gặp.

Những ngày sống bên nhau trên đảo, điều kiện đã có và tình yêu thực sự đến. Nhận ra cậu ngoài mặc cảm quê nhà, gần đây bị trận xúc phạm do tước quyền làm người đè nén bởi chuyến đi hoàn toàn bị lừa, bị động, Duyên vẫn biết nói ra lời xin lỗi như ông anh ruột có ý thanh minh hôm trước trên tàu, có khi cậu chán ngấy thêm, chi bằng thực lòng bày tỏ tình cảm vì muốn sống trọn đời bên cậu.

Khi phái đoàn tị nạn đến làm hồ sơ đi Mỹ, Duyên van xin cha mẹ:

- Con xin gia đình cho con được đi cùng anh T định cư ở Úc.

Mẹ Duyên hiểu ý con gái do nhiều lần con đã tâm sự như trải lòng. Tránh cơn phẫn nộ của chồng, bà liền nói trước:

- Sao con lại thế, cha mẹ đi vì con...

Vẻ mặt buồn rượi đáng thương của đứa con như nhắc nhở sự cầu cứu của mẹ, bà tiếp:

- Con bảo thằng T thương con, cớ sao nó không chịu đi Mỹ.

- Thưa cha mẹ, anh ấy nói nước Mỹ dù sao cũng là nơi xuất phát của sự gieo rắc chết chóc đến với quê mình, nơi ấy có bộ máy còn là kẻ thù của một số dân tộc khác trên hành tinh. Nước Úc mức độ an toàn cao hơn và cũng là vùng đất còn thưa thớt dân nên anh có thể làm được nhiều với lao động đơn giản của anh. Con thấy ảnh có lý, với lại ở bên này việc tới lui thăm viếng nhau cũng không khó. Cha mẹ xem xét lời khẩn cầu của con.

Cả gia đình được định cư tại Mỹ, Duyên được cha mẹ bằng lòng cho ở lại, sáu tháng sau cũng được đi định cư Úc.

Thực tình khi ở quê nhà tình cảm của Duyên dành cho cậu vừa chóm ở sự mẫn cán, chịu khó, chân tình nên Duyên cố lèo lái chuyến đi phải có cậu để qua cách làm, cha mẹ Duyên sẽ hiểu, hài lòng nếu thành chồng thành vợ, còn không thì cũng có chút tình bạn giúp nhau tìm cách làm giàu giúp ích về sau cho gia đình. Ðẹp người mà điềm đạm, duyên dáng mà nhân cách được toát lên từ Duyên. Tình cảm dành cho cậu trong veo vô tư  làm cậu hết sức ngỡ ngàng đến quý mến. Cảm giác hạnh phúc cứ từng phút từng giờ len lỏi vào trong thớ thịt chạy toàn thân rồi dừng lại ở đỉnh đầu. Thông báo cho gia đình ở Việt Nam hay để chia sẻ niềm vui...

Cuộc sống mới hôm nào còn vất vơ, ít tiền nong đến không lấy được vợ, bỗng chốc có vợ đẹp, hợp ý, có nhà cửa, tiện nghi và công ăn việc làm. Chiều nay, sau khi cậu tắt máy, xuống xe, Duyên từ trong nhà chạy ra nắm lấy tay chồng vẻ mặt hân hoan báo tin vui: “Anh ơi mình sắp có con rồi!”. Sau khi chuyện trò đùa vui, Duyên lăn ra ngủ. Còn cậu cứ trằn trọc, chuông nhà thờ đổ tiếng thứ ba, cậu cố nhắm mắt lại. Vừa mới chập chờn, bỗng nghe người ớn lạnh âm thanh, hình ảnh tang thương bởi tiếng rên la đói khát của thương binh thời xa xưa lại hiện về.

Hai tháng sau đúng ngày hẹn, cậu và Duyên đến bệnh viện. Thăm khám xong, bác sĩ các phòng khác cứ ra vào, nhìn gương mặt họ cậu thấy có chuyện chẳng lành. Một bác sĩ bước ra mời cậu vào phòng thông báo: Thai nhi bị dị tật tay chân, nhất là não úng thuỷ. Bác sĩ tiếp tục tư vấn “ông bà nên bỏ đi”. Cậu gượng hỏi nguyên nhân dẫn đến dị tật. Bác sĩ nói “một trong hai người bị nhiễm dioxin”.  “Phạm vi hai tuần anh chị phải đưa ra quyết định” - lời dặn của bác sĩ trước khi cậu bước ra phòng ngoài. Trên đường về cậu làm ra vẻ vui tươi, vài câu chọc ghẹo vợ nhưng chừng ấy không qua được đôi mắt buồn buồn, sâu sắc của Duyên.

Không giấu được, cậu kể hết cho Duyên về lời của bác sĩ, cậu cứ tưởng Duyên sẽ gào thét, nhưng không, Duyên lấy khăn lau nước mắt, nghẹn ngào:

- Anh ơi, dù hình thể con, đầu óc con thế nào đi nữa, nó là giọt máu của vợ chồng mình, em xin anh đừng bỏ!

Không ngờ sự cứng rắn của Duyên ngoài sức tưởng tượng của cậu. Cậu an ủi đôi lời rồi bước tới ôm chầm lấy vợ. Hai người nức nở bên nhau, dòng lệ ấm cứ tuôn chảy, chảy đến mòn mỏi. Họ lịm dần vào giấc ngủ mùa dài xứ người./.

Truyện ngắn của Trịnh Công Văn

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.