Quên cả cái nắng gay gắt buổi trưa, mồ hôi đổ như tắm, ông Hai Quân (Lê Chuyển Quân) và bà con ấp 8, xã Khánh Bình Ðông chăm chú theo dõi và cố gắng ghi nhớ từng lời hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật về những thao tác khởi động, vô số, điều khiển máy, chỉnh tỉa thưa, tỉa dầy theo ý muốn đối với chiếc máy tỉa đậu xanh do ông Hai Quân mới “tuyển” từ Cần Thơ về.
Quên cả cái nắng gay gắt buổi trưa, mồ hôi đổ như tắm, ông Hai Quân (Lê Chuyển Quân) và bà con ấp 8, xã Khánh Bình Ðông chăm chú theo dõi và cố gắng ghi nhớ từng lời hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật về những thao tác khởi động, vô số, điều khiển máy, chỉnh tỉa thưa, tỉa dầy theo ý muốn đối với chiếc máy tỉa đậu xanh do ông Hai Quân mới “tuyển” từ Cần Thơ về.
Chuyện về ông Hai Quân thì kể từ sáng tới tối chưa hết, ví như chuyện máy tỉa đậu xanh. Qua 1 vụ trồng đậu xanh dưới ruộng, ông Hai Quân trăn trở: Tỉa đậu bằng tay mất quá nhiều thời gian và sức lao động, sao không tỉa bằng máy sẽ rút ngắn được thời gian, tăng năng suất lao động?
Ông Lê Chuyển Quân chạy thử chiếc máy tỉa đậu xanh. |
Từ trăn trở đó, trong lần đi hội thảo ở huyện Thới Bình, ông hỏi thăm vài người bạn về chiếc máy tỉa đậu, sau khi tìm được địa chỉ, một mình ông bắt xe đi tới công ty bán máy nông nghiệp ở tận Cần Thơ. Sau khi tìm hiểu giá cả và cách thức hoạt động của máy, không đắn đo, ông mua ngay 1 chiếc với giá gần 15 triệu đồng. Và trưa nay, mọi người giăng nắng, đổ mồ hôi vì buổi chạy thử máy lần đầu tiên trên ruộng lúa vừa mới thu hoạch đang chuẩn bị xuống giống vụ đậu xanh.
Ðến quá trưa, sau khi thành thục với chiếc máy tỉa đậu mới sắm, gương mặt tươi cười, mãn nguyện vì vừa thực hiện được giấc mơ ấp ủ bấy lâu nay. Ông Hai nói với bà con cùng ấp: “Vụ đậu xanh năm nay tôi định trồng khoảng 20 công nhưng có máy tỉa đậu chắc làm hết đất luôn, bà con thấy sao?”. Nghe ông Hai nói vậy bà con gật đầu cái rụp: “Nếu trưởng ấp tiếp tụi tui phần tỉa đậu, thì có bao nhiêu đất ruộng làm bấy nhiêu, sợ gì”.
Không phải dân ấp 8 hiếu kỳ, rảnh đi giăng nắng, lý do bà con tụ họp đông vì “chuyện gì ông Hai Quân làm cũng mới và có lý”. Ông Hai Quân tiên phong tham gia rất nhiều các buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Cũng chính từ đó, hễ thấy mô hình nào phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở ấp 8 là ông về áp dụng ngay. Sau đó, nếu thấy hiệu quả, ông Hai sẽ đến tận nhà vận động từng người dân trong ấp làm theo. 2 năm qua, mô hình nuôi cá đồng trong ruộng lúa được ông Hai phát động mang lại nhiều kết quả khả quan, góp phần khôi phục lại nguồn cá đồng phong phú vốn có của xã Khánh Bình Ðông. Cách làm rất đơn giản, sau mỗi vụ thu hoạch cá đồng, người dân chừa lại cá con làm giống cho vụ tiếp theo. Với vai trò là Trưởng Ban Nhân dân ấp 8, ông vận động bà con làm cam kết không dùng xung điện xiệc cá, không bắt cá non… để duy trì cá giống, đến nay có trên 100 hộ trong ấp tham gia mô hình này.
Tiếp xúc với ông Hai Quân lần đầu tiên, người giàu trí tưởng tượng cũng khó hình dung được lúc mới cưới, cách đây 35 năm, 2 vợ chồng ông chỉ có 3 công ruộng làm lúa mùa không đủ ăn, thêm vào đó 6 người con gồm 4 trai, 2 gái lần lượt chào đời, cuộc sống vô cùng chật vật. Ông Hai tâm sự: “Mấy năm đó tôi đi vác chuối mướn cho ghe, mùa nắng thì ép chuối khô, thời gian rảnh ai thuê gì làm nấy. Tích góp được ít tiền mua được chiếc xuồng cũ đi bán chuối, bán củi, bán gạo. Những hôm đi bán, tôi chèo, bà ấy vừa ẵm con vừa tát nước, chèo cả ngày lẫn đêm đi khắp các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước… Thời gian sau, dành dụm được ít tiền cộng với tiền tôi vay mượn thêm từ anh em mua được 7 công đất. Có đất, 2 vợ chồng làm ngày, làm đêm kiếm tiền trả nợ, trả hết nợ, tiếp tục để dành tiền mua đất. Ðến nay, diện tích đất mở rộng ra đến 5 ha”.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn động viên, hỗ trợ cho các gia đình nghèo trong ấp phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Có gì giúp nấy, từ vốn liếng đến kỹ thuật. Thấy gia đình người hàng xóm khó khăn, ông Hai cho mượn 3 công đất vườn để canh tác gần 5 năm nay. Năm 2014, trong ấp chỉ có 14 hộ trồng màu dưới ruộng, nhưng ông Hai đã tích cực vận động và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nên trong vụ màu năm nay số hộ tăng lên gấp đôi.
Ông Bùi Thanh Trà, ấp 8, xã Khánh Bình Ðông, nhìn nhận: “Tôi được anh Quân hướng dẫn rất nhiều về kỹ thuật sản xuất. Anh Quân là người nói là làm, luôn làm gương cho bà con học theo. Là hàng xóm láng giềng mấy chục năm nay với anh Quân nhưng tôi chưa nghe anh Quân cự cãi với ai. Tính ảnh rất hiền, không hơn thua, chỉ lo làm ăn”.
“Ðồng vợ đồng chồng tát biển Ðông cũng cạn”, dù có của ăn của để nhưng giờ đây, những lúc ông Hai đang còn bận bịu với chiếc máy tỉa đậu ngoài ruộng thì bà Hai Quân bận bịu với đàn heo. Bà chăn nuôi kết hợp làm túi biogas. Bà Hai tâm sự: “Lúc trước nuôi hơn chục con heo, nhưng giờ tôi già rồi, con cái ở riêng, nuôi nhiều không có thời gian chăm sóc. Hiện giờ trong chuồng chỉ nuôi 4 con nhưng vẫn đủ lượng phân để làm biogas cho gia đình sử dụng”. Cạnh bên chuồng heo là nơi đặt túi ủ biogas được bịt kín miệng, có ống dẫn khí chạy vào bếp để làm chất đốt. “Từ ngày làm túi ủ biogas, hằng tháng, tôi tiết kiệm được mấy trăm ngàn đồng tiền gas”.
Căn nhà khang trang bạc trăm triệu vừa mới xây xong cuối năm 2014. Mảnh vườn xum xuê cây trái, rau màu đang vào vụ thu hoạch, các mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt, cá đồng mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho gia đình… là kết quả của ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn và sáng tạo của 2 vợ chồng ông Lê Chuyển Quân. Nhưng đối với ông bà, thành công hơn cả, hạnh phúc hơn cả là nuôi dạy các con ngoan ngoãn, thảo hiền. Trong 6 người con của ông bà thì có đến 5 người đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và đã yên bề gia thất. Người con út ở nhà chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. “Thằng con thứ 2 của tôi đang học cao học ở Hà Nội”, ông Hai Quân không giấu được niềm tự hào khi nói về các con của mình.
Chuyện máy tỉa đậu còn nóng hổi thì ông Hai Quân tiếp tục dự tính trồng rau sạch trên 3 công đất vườn nhà mình. Trồng rau ứng dụng công nghệ sinh học, giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón. Ông đang tìm cách liên hệ với các đầu mối tiêu thụ là các nhà hàng, quán xá ngoài chợ huyện, chợ tỉnh để tìm đầu ra. Với bản tính của ông, tin rằng một ngày không xa, những luống rau sạch, bạt ngàn sẽ phủ khắp ấp 8, xã Khánh Bình Ðông./.
Bài và ảnh: Kiều Oanh