ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 18:39:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phấn khởi ra đồng đầu năm mới

Báo Cà Mau Sau những ngày vui Xuân, đón Tết sum vầy bên gia đình, nhiều nông dân đã bắt tay vào lao động, sản xuất ngay từ đầu năm mới. Trên các cánh đồng, không khí lao động vui tươi với rộn rã tiếng nói cười xen lẫn tiếng máy cày, máy gặt, mang theo niềm tin một năm mưa thuận gió hoà, vụ mùa tươi tốt.

Ngay sau Tết, nông dân bắt tay vào thu hoạch trà lúa đông xuân.

Theo bà con chia sẻ, ra đồng trong những ngày đầu năm không chỉ tạo khí thế thi đua lao động sản xuất, khởi đầu cho một vụ mới, mà đây còn là nét văn hoá truyền thống đặc trưng mang đậm dấu ấn nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam.

Những ngày này, đi trên những cung đường quanh vùng ngọt hoá của các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau, nơi đâu cũng cảm nhận được không khí lao động tất bật của người dân.

Đang thu hoạch gần 1 ha lúa Đài thơm 8, bà Lữ Thị Hoa, Ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cho biết: “Theo quan niệm của nông dân, ra đồng sản xuất đầu năm là phong tục quan trọng, cầu mong thời tiết ổn định, vụ mùa tốt tươi, mang lại nguồn thu nhập ổn định”.

Bà Hoa cũng chia sẻ, vụ lúa đông xuân năm nay, lúa được mùa nhưng giá không cao bằng vụ trước. Bà hy vọng trong năm mới này, với sự lãnh đạo, điều hành của các ngành, các cấp thì giá cả thị trường sẽ ổn định để bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Những chiếc ghe chờ sẵn sàng vận chuyển lúa sau thu hoạch của bà con.

Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, trong những năm qua, huyện Trần Văn Thời đặc biệt chú trọng quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất lúa không ngừng tăng.

Nông dân Nguyễn Thanh Cần, ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, cho hay: “Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vụ mùa, cũng như phòng, chống sâu bệnh gây hại, vụ lúa đông xuân năm nay người dân trong vùng ưu tiên lựa chọn sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao như: Đài thơm 8, OM 5451, ST 24, ST 25 … để gieo sạ. Dù giá lúa chất lượng thấp giảm mạnh, song nhóm giống lúa chất lượng cao không ảnh hưởng nhiều, nên nông dân vẫn có lãi”.

Cùng ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, nông dân Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Năm nay tuy giá lúa thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ mùa trước, nhưng giá vẫn còn nhỉn hơn so với vụ mùa hai năm trước đây, nên nông dân canh tác lúa vẫn có lãi. Đặc biệt, trong thu hoạch lúa, nhiều bà con nông dân còn thu gom, tận dụng phụ phẩm rơm, rạ để trồng nấm rơm, rau màu nên hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp được tăng lên, đời sống của người dân vùng ngọt không ngừng nâng cao”.

Sau thu hoạch, nhiều bà con nông dân tận thu phụ phẩm rơm, rạ để trồng nấm rơm, tăng hiệu quả kinh tế.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, ngoài diện tích lúa tôm thu hoạch 40.705,78 ha, đạt 94,4% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 4,22 tấn/ha, thì vụ lúa đông xuân năm nay, toàn tỉnh xuống giống 35.243 ha, hiện nay các trà lúa đang vào giai đoạn trổ và chín, bà con đã thu hoạch được 5.091 ha, năng suất ước đạt 5,97 tấn/ha. Giá lúa đang dao động từ 6.800-9.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lãi.

Ngay sau thu hoạch trà lúa đông xuân, bà con nông dân bắt tay vào cải tạo đất chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa mới.

Tinh thần lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ của bà con nông dân là tín hiệu phấn khởi, kỳ vọng ngành nông nghiệp hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ năm 2025./.

 

Trung Đỉnh

Thành tựu xứ Ðầm

Trong không khí xuân của đất trời và xuân của lòng người hội tụ, giao hoà, Ðảng bộ và Nhân dân huyện Ðầm Dơi nhìn lại năm qua với niềm vui mừng khi đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Ðó là nền tảng vững chắc, tiếp thêm sức mạnh để quê hương xứ Ðầm vững bước tương lai.

Ðất “Chín Rồng” bước vào kỷ nguyên mới

Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Khi điểm nghẽn lớn nhất về hạ tầng giao thông đang dần được tháo gỡ bằng những công trình thế kỷ, đã và đang "vượt sông, băng đồng", tạo nên sự kết nối, sức bật mới, để vùng đất này bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bắt nhịp nông nghiệp xanh

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, nông sản sạch đã trở thành mục tiêu chính trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Cà Mau, nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, đảm bảo sản xuất bền vững.

Khẳng định giá trị hạt gạo

Với mục tiêu không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo mà còn tiến đến bán tín chỉ carbon, tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa, Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Ðề án) là bước khởi đầu cho nâng tầm giá trị hạt gạo.

Giữ thương hiệu “Cua ngon nhất Việt Nam”

Cua Cà Mau được mệnh danh là “Cua ngon nhất Việt Nam”, bởi được sinh trưởng ở nơi có điều kiện thiên nhiên tuyệt vời, khó nơi nào có được.

Năng động kinh tế biển

Ba mặt giáp biển, có chiều dài bờ biển lên đến 254 km, ngư trường rộng khoảng 80.000 km2 và tiếp giáp với vùng biển các nước Ðông Nam Á... là những điểm nhấn đặc biệt mỗi khi nhắc đến Cà Mau. Những điều kiện này đã tạo ra hàng loạt lợi thế như nguồn lợi thuỷ sản lớn, thuận tiện cho khai thác và nuôi trồng; phát triển kinh tế hàng hải, năng lượng tái tạo và cả du lịch biển, đảo.

Thông điệp từ mũi đất xanh

Cà Mau, tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc, đang đứng trước những vận hội lớn lao và cả không ít những thách thức để khẳng định sức vóc, vươn tầm phát triển. Nhìn về bối cảnh của Cà Mau, từ thiên thời, địa lợi đến nhân hoà; từ chiều sâu lịch sử - văn hoá; vốn liếng tài nguyên, có thể mạnh dạn khẳng định đây là thời điểm để Cà Mau xây dựng, định hình và lan toả thông điệp của riêng mình đặt trong mối liên hệ chung với khu vực và cả nước trong hành trình vươn tới.

Vững vị thế con tôm Cà Mau

Cà Mau có diện tích nuôi tôm gần 280.000 ha, chiểm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay khoảng 6.800 ha. Những năm qua, người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở Cà Mau đã chủ động ứng dụng khoa học – kỹ thuật, các phương pháp tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.

Tự tin bước vào năm mới

Năm 2024, tỉnh Cà Mau đã ghi đậm dấu ấn trong tiến trình phát triển với bức tranh tổng thể của gam màu tươi sáng, tích cực. Những thành tựu toàn diện về kinh tế, văn hoá - xã hội chính là nền tảng vững chắc cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Kết nối đô thị biển

Vừa là trung tâm kinh tế biển của huyện Trần Văn Thời, vừa là đô thị công nghiệp vùng bán đảo Cà Mau - thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) đang chuyển mình mạnh mẽ, xứng tầm vóc của đô thị biển cuối trời Nam. Với quy mô phát triển lớn thứ 2 trong tỉnh và là 1 trong 3 cụm phát triển kinh tế đô thị động lực của tỉnh, nằm trên trục hành lang ven biển Tây, đô thị Sông Ðốc nổi bật bởi những công trình được đầu tư quy mô, hoàn chỉnh.