LTS: Thời gian qua, hàng loạt vụ cháy lớn xảy ra từ thành thị đến vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản và đe doạ tính mạng người dân. Tuy đã triển khai nhiều giải pháp nhưng thực tế công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn còn nhiều bất cập. Từ đó không chỉ đặt ra cho cơ quan chức năng mà cả cộng đồng nhiều thách thức.
Bài 1: Cháy - thiệt hại khó lường
“Giặc phá không bằng nhà cháy”, câu nói này không sai bởi sự tàn phá và thiệt hại khôn lường của hoả hoạn. Từ xa xưa, cháy đã được xếp thứ hai trong bốn kẻ thù nguy hiểm nhất: thuỷ - hoả - đạo - tặc.
Hiện trường vụ cháy chợ Huyện Sử (xã Trí Phải, huyện Thới Bình) vào cuối năm 2017. |
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhất là quá trình đô thị hoá nhanh, phát triển đô thị chưa theo quy hoạch... đã kéo theo nguy cơ cháy xảy ra ngày càng lớn. Thiệt hại do hoả hoạn gây ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Tính từ năm 2000 đến nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã bị “bà hoả" viếng, gây ra thiệt hại về người và tài sản nhiều tỷ đồng.
Ám ảnh cháy chợ
Hơn 16 năm trôi qua, nhưng nhắc lại vụ cháy chợ Năm Căn (cuối tháng 7/2001), nhiều người dân sinh sống và mua bán ở chợ vẫn còn ám ảnh ngọn lửa bùng phát dữ dội trong đêm khuya, thiêu rụi cả 99 căn nhà cùng nhiều tài sản và hàng hoá, tổng thiệt hại trên 60 tỷ đồng. Sau hoả hoạn, nhiều hộ dân bị cháy rụi nhà cửa phải che lều tạm trên nền nhà cũ để tiếp tục mua bán mưu sinh.
Ông Nguyễn Khắc Điệp (ngụ thị trấn Năm Căn), tâm tình: “Thời điểm đó tôi cũng buôn bán trong chợ nhưng là nhà thuê và căn hộ tôi thuê may mắn chưa bị cháy. Chỉ thương cho mấy chục hộ dân sống dọc theo tuyến sông, nhà cửa, tài sản gần như bị thiêu rụi. Thiệt hại do hoả hoạn thật khó lường”.
Trước đó, “bà hoả” đã viếng chợ Vàm Đầm (xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi), gây thiệt hại tài sản của người dân hàng chục tỷ đồng. Hai vụ cháy chợ cách nhau chỉ khoảng một tuần, người dân còn chưa hết bàng hoàng thì liên tiếp các vụ cháy nhà lồng chợ Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi), nhà lồng chợ Rạch Ráng (huyện Trần Văn Thời) lại xảy ra cùng năm 2001, tổng thiệt hại các vụ cháy chợ hàng trăm tỷ đồng.
Còn nhớ vào tháng 3/2005, khu chợ được xem là trung tâm mua bán lớn nhất xã Tắc Vân (TP. Cà Mau) bị phát hoả, thiêu rụi 22 căn nhà. Và cháy chợ tiếp tục gây hoang mang cho người dân khi liên tiếp xảy ra trong các năm tiếp theo, làm thiệt hại không nhỏ tài sản của các hộ kinh doanh trong chợ Đầm Cùng (huyện Cái Nước), chợ Tân Lộc và chợ Thới Bình (huyện Thới Bình).
Lơ là công tác "phòng"
Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy chợ được xác định rất nhiều. Song, sự cố chập điện, bất cẩn trong sinh hoạt, thờ cúng (thắp nhang)... khá phổ biến.
Bên cạnh đó, việc ứng phó khi sự cố cháy xảy ra luôn bị động do thiếu lực lượng chữa cháy tại chỗ, phương tiện chữa cháy không khởi động được, hạ tầng giao thông khu vực chợ nhỏ hẹp nên xe cứu hoả không tiếp cận được đám cháy…
Bình CO2 được trang bị ở các quầy kinh doanh trong chợ tạm Khóm 7, thị trấn Sông Đốc hoặc hết hạn, hoặc đã bị hư không sử dụng được. |
Đã qua, nhiều nhà lồng chợ và các khu chợ dân cư được tăng cường kiểm tra hệ thống truyền tải điện, xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ, đầu tư mua sắm máy bơm nước… Tuy nhiên, trong công tác PCCC thì phòng là quan trọng, nhưng bất cập trong việc phân cấp quản lý chợ, phối hợp giữa quản lý Nhà nước với các ngành và lực lượng chức năng thiếu chặt chẽ, người dân vẫn chưa ý thức cao về phòng ngừa.
Bên cạnh đó, sinh hoạt ở các khu dân cư ở TP. Cà Mau vẫn khá bề bộn mà ý thức về PCCC của người dân còn hạn chế. Đó là nguyên nhân của vụ cháy nổ bình gas ở hẻm Sáu Mới (Phường 8, TP Cà Mau vào chiều tối 22/2/2012) làm chết 3 người và bị thương 3 người. Tại hiện trường sau khi nổ vẫn còn một số bình gas cũ, trong đó có bình gas lớn - loại 12 kg. Cho thấy đây là trường hợp sang chiết gas trái phép gây ra.
Đau lòng hơn là vụ cháy nhà dân ở Phường 7, TP. Cà Mau làm chết 6 người trong gia đình, mà nguyên nhân là hệ thống dây dẫn điện của xe gắn máy, xe đậu tại khu vực cạnh chân cầu thang trong nhà xảy ra sự cố chạm mạch, phát sinh hồ quang điện mang năng lượng cao, đốt cháy vỏ cách điện và chảy, rơi xuống sàn nhà gây cháy các vật liệu dễ bén lửa ở xung quanh. Trong khi căn nhà này nhỏ hẹp và không có cửa hậu để thoát hiểm.
Nhắc lại một số vụ cháy đã xảy ra để thấy rằng, công tác PCCC trên địa tỉnh Cà Mau thời gian qua tuy có sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh với việc ban hành kế hoạch PCCC hằng năm nhằm bám sát với yêu cầu thực tế; thế nhưng, việc triển khai thực hiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ các giải pháp giữa các cấp, các ngành./.
Mỹ Pha
Bài 2: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ