(CMO) Để nghề nuôi hải sản trên biển phát triển, cần sự đầu tư công nghệ hiện đại, quy hoạch từng khu vực nuôi những loài hải sản phù hợp với điều kiện tự nhiên. Thế nhưng, thực tế nghề nuôi hải sản trên biển của tỉnh vẫn chưa có sự đầu tư đúng mức nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Vẫn còn sơ khai
Mặc dù nghề nuôi hải sản trên biển tại Cà Mau đã hình thành gần 10 năm, nhưng đánh giá chung trong thực tế, việc phát triển nuôi biển tại Cà Mau vẫn còn nhiều hạn chế, như trình độ kỹ thuật nuôi còn thấp, đầu tư xây dựng lồng bè bằng gỗ không chắc chắn, dễ gặp rủi ro khi có dông bão xuất hiện. Hạ tầng phục vụ nuôi hải sản trên biển và ven biển trong tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư, không đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Ông Lê Song Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cà Mau hiện chưa có sự đầu tư cần thiết cho nghề nuôi hải sản trên biển. Những trang thiết bị quan trọng của các mô hình nuôi hải sản như lồng bè, lưới lồng phụ thuộc vào nguồn cung của tỉnh ngoài, thiếu chủ động; chưa có cơ sở sản xuất giống cá biển trong tỉnh. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư nuôi bằng lồng nhựa HDPE khá cao, ngư dân không có khả năng đáp ứng”.
Có thể nói, hiện nay nghề nuôi hải sản của người dân trong tỉnh còn tự phát, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ, ít có hộ dân đủ vốn cũng như kiến thức về kỹ thuật để có thể đầu tư quy mô lớn, theo hướng công nghiệp. Ông Huỳnh Tấn Kiệt, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Hiện nay, tại hòn Đá Bạc chỉ còn mình tôi nuôi cá mú lồng, mặc dù nghề này rất hiệu quả. Một phần nguyên nhân là chưa có chính sách khuyến khích nghề này phát triển, vốn đầu tư ban đầu cao nên không phải ai cũng đáp ứng được. Tôi muốn mở rộng quy mô nuôi nhưng chưa đủ vốn đầu tư thêm lồng. Nếu có chính sách vay vốn ưu đãi thì nghề này sẽ phát triển tốt”.
Những mô hình nuôi hải sản gần bờ, trên đảo từng bước được hình thành. (Trong ảnh: Ông Lê Văn Út, nuôi cá bớp bằng lồng, bè ở hòn Đá Bạc).
Ông Bùi Thanh Thương, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cho rằng: “Xã Đất Mũi có điều kiện thuận lợi để phát triển các nghề nuôi hải sản ven sông, gần bờ, thế nhưng hiện chưa có nhiều mô hình được triển khai. Ngoài HTX nghêu Đất Mũi phát triển hiệu quả khi làm ăn theo kinh tế tập thể, chủ động được nguồn giống, kết nối đầu ra thì những mô hình nuôi khác đều nhỏ lẻ và chưa phát huy hết tiềm năng, như nuôi sò huyết, nuôi hàu lồng…”.
Do thiếu đầu tư, cũng như điều kiện hạ tầng giao thương và kết nối đầu ra sản phẩm, nên người nuôi gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư mô hình. Ông Lê Văn Út, người nuôi cá bớp trên Hòn Chuối, cho biết: “Không có tuyến giao thương chính ra Hòn Chuối nên người nuôi cá bớp muốn vào đất liền mua thức ăn, vật tư phục vụ nuôi cá, cũng như bán sản phẩm chỉ có thể quá giang tàu cá, ghe thu mua, ghe nước đá… để vào cửa Sông Đốc. Điều này làm tăng chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận đầu ra sản phẩm”.
Nhiều khó khăn cần khắc phục
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Cà Mau, thúc đẩy nghề nuôi hải sản trên biển từng bước phát triển, cần có chính sách quy hoạch, đầu tư để phát triển nghề nuôi hải sản của tỉnh theo hướng công nghiệp, hiện đại hơn. Sẽ có nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi ngành chức năng giải quyết trong thời gian tới. Nghề nuôi hải sản trên biển phải tạo ra sản phẩm có giá trị đảm bảo chuỗi cung ứng và thị trường ổn định; đảm bảo môi trường sinh thái, giải quyết việc làm và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo.
Tình trạng thiếu con giống đạt kích cỡ để thả nuôi vẫn còn phổ biến, việc sử dụng thức ăn bằng nguồn cá tạp chưa qua xử lý vẫn là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh trên các lồng nuôi thời gian qua. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nuôi biển lớn nhưng lại phải đối mặt với không ít rủi ro về thiên tai, môi trường và dịch bệnh… dẫn đến trong thời gian qua lĩnh vực này ở Cà Mau chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư theo hướng tập trung, công nghiệp và hiện đại.
Ông Lê Song Hùng cho biết thêm: “Trong tỉnh hiện chưa có cơ sở sản xuất và cung ứng giống cá biển, chủ yếu là nhập giống từ các tỉnh khác như Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... Giống tự nhiên thì được thu gom từ các tàu khai thác của ngư dân ven bờ, chủ yếu là cá bớp, cá mú, tôm tít. Trong tỉnh cũng chưa có cơ sở sản xuất và cung ứng giống nhuyễn thể, con giống nghêu tự nhiên chủ yếu khai thác từ bãi nghêu giống tại Đất Mũi hoặc nhập giống từ các tỉnh khác về để nuôi”.
Thu hoạch nghêu tại HTX nghêu Đất Mũi.
Về hiện trạng sản xuất, cung ứng thức ăn và thuốc thú y thuỷ sản, toàn tỉnh có trên 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ thú y thuỷ sản, vừa cung cấp các sản phẩm phục vụ nuôi thuỷ sản, vừa tham gia tư vấn kỹ thuật cho người dân trong việc sử dụng các loại hoá chất, chế phẩm sinh học, quản lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh... Tuy nhiên, hiện thị phần thức ăn thuỷ sản chủ yếu thuộc các doanh nghiệp lớn của nước ngoài cung cấp như C.P (Thái Lan); Grobest, Uni President (Đài Loan); Tongwei, Việt Hoa (Trung Quốc); Skretting Việt Nam (Pháp)…, giá bán cao so với thức ăn tươi khai thác từ tự nhiên, chưa kiểm soát được giá.
Thị trường trong tỉnh chủ yếu tiêu thụ số lượng nhỏ sản phẩm, bán lẻ cho thương lái thu mua để tiêu thụ trong tỉnh. Thị trường ngoài tỉnh cũng chủ yếu xuất bán trực tiếp cho chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) và các vựa thu mua trong tỉnh, sau đó bán lại cho thị trường ngoài tỉnh. Điều này cho thấy, chuỗi liên kết của nghề nuôi hải sản trên biển của tỉnh còn quá lỏng lẻo, chưa có sự kết nối các thị trường cho nghề nuôi biển. Ông Huỳnh Phong Vụ, Khóm 4, thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Sản phẩm cá bớp ở Hòn Chuối chủ yếu bán tại các vựa cá ở thị trấn Sông Đốc, thỉnh thoảng có một số mối đặt hàng ở TP Hồ Chí Minh. Nói chung, người nuôi cá bớp chưa mở rộng được thị trường đầu ra sản phẩm nên giá bán luôn phụ thuộc vào thương lái”.
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để nghề nuôi hải sản trên biển phát triển, nhưng vấn đề hiện nay là cần tìm ra giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc làm cản trở sự phát triển của nghề nuôi này. Từ đó, tỉnh Cà Mau cần sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện gắn với đầu tư hạ tầng, hỗ trợ nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật để nghề nuôi hải sản trên biển phát triển ổn định và dần hướng tới mở rộng quy mô theo hướng hiện đại./.
Đặng Duẩn
BÀI CUỐI: GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC