Sản phẩm OCOP và các dự án khởi nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ chủ thể OCOP từ việc hình thành, nâng hạng sản phẩm đến tiếp cận thị trường.
- Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức
- Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nhiều khó khăn của chủ thể
Tiếp cận thị trường số
Năm 2024, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Kế hoạch đã phân định rõ trách nhiệm của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, TP Cà Mau thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Tăng cường kết nối, hợp tác với các kênh phân phối, hệ thống siêu thị nhằm thúc đẩy các sản phẩm OCOP gắn với mở rộng thị trường, liên kết cung cấp sản phẩm OCOP vào các hệ thống thương mại.
Kế hoạch được tổ chức thực hiện theo 4 nội dung hỗ trợ chính: hỗ trợ các chủ thể xây dựng tiêu chuẩn, thiết kế nhãn hiệu, đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Các sản phẩm OCOP tiếp cận với thương mại số để quảng bá thương hiệu và đến với nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Chị Trần Thị Xa, Giám đốc Hợp tác xã Ba khía Ðầm Dơi, cho biết: “Trong xu thế chuyển đổi số, mình phải bắt buộc thích nghi, để sản phẩm của mình phát triển mạnh hơn. Bán hàng trên nền tảng số, tôi nghĩ điều quan trọng là phải bảo vệ thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm của mình. Những sản phẩm giới thiệu đến khách hàng phải rõ nguồn gốc. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng nên có sự thoả thuận về phần trăm với các kênh thương mại điện tử và kiểm toán rõ ràng mới duy trì và hợp tác lâu dài được với hình thức này”.
Hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, cung cấp các nguồn lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng của chương trình OCOP mang lại cho các chủ thể, địa phương. Lồng ghép vào hoạt động khoá luận tốt nghiệp, mang lại trải nghiệm thực tế cho sinh viên, thực hiện mục tiêu đóng góp giá trị, phục vụ xã hội của Trường Ðại học FPT TP Hồ Chí Minh. Những nội dung sẽ được thực hiện theo kế hoạch là tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP nghiên cứu thị trường; xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động marketing; phát triển kênh phân phối (thương mại điện tử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết: “Phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ hữu cơ, sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hoá về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP. Xác định rõ phát triển các sản phẩm OCOP là xu hướng tất yếu, đang là hướng đi được tỉnh Cà Mau khuyến khích phát triển, tập trung nguồn lực thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước của người dân. Hơn thế nữa, sản phẩm OCOP du lịch là hình thức quảng bá hữu hiệu về đất nước, con người một cách gần gũi và chân thật nhất đến thị trường quốc tế”.
Riêng năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch hỗ trợ 2 chủ thể tiềm năng về du lịch (Khu Du lịch sinh thái cộng đồng - Homestay Hương tràm U Minh và Khu Du lịch sinh thái Cà Mau - ECO) lập hồ sơ đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP du lịch. Ðể xây dựng sản phẩm OCOP du lịch, tại 2 điểm du lịch này, các chủ thể cũng đã chú trọng đầu tư, đảm bảo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, tổ chức các hoạt động tham quan ngắm cảnh, trải nghiệm cuộc sống lao động, sinh hoạt của người dân trong làng, các hoạt động văn hoá, văn nghệ mang đậm nét văn hoá truyền thống địa phương để phục vụ nhu cầu của du khách.
Ông Phan Hoàng Vũ thông tin: “Thực hiện quy trình, thủ tục đánh giá phân hạng sản phẩm theo Quyết định số 148/QÐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ chậm nhất 30 ngày trước ngày hết thời hạn 36 tháng, cơ quan ban hành quyết định công nhận kết quả và cấp giấy chứng nhận đạt sao có văn bản thông báo cho các chủ thể OCOP về thời hạn của giấy chứng nhận. Vì vậy, hằng năm, ngành nông nghiệp đều rà soát, thông báo (trước 6 tháng) về việc hết thời hạn đối với chứng nhận sản phẩm OCOP đến các địa phương để các chủ thể có các sản phẩm biết, vận động các chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm (nếu có nhu cầu) để được cấp lại giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau (nếu đủ điều kiện) theo quy định tại Phụ lục II, Quyết định số 148/QÐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ".
Tìm đối tác song phương
Nhược điểm của các bạn trẻ khởi nghiệp ở Cà Mau nói riêng và miền Tây nói chung là kém năng động. Từ đó dẫn đến việc truyền thông sản phẩm khá yếu, khách hàng khó tiếp cận. Ðối với doanh nghiệp start up, việc làm cho người ta biết đến mình để mua hàng từ những ngày đầu tiên nhằm tạo ra dòng tiền là quan trọng. Bán hàng bằng sự thật thà khiến người ta thích và mua nhưng không làm marketing lên được.
Anh Nguyễn Quốc Trung, Phó tổng giám đốc PDCA miền Tây, chuyên gia chia sẻ về marketing tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Cần Thơ, chỉ ra rằng: “Một từ khoá thôi, đó là làm bài bản. Người khởi nghiệp phải nhận thức được đâu là yếu tố mà mình đang thiếu trong mô hình kinh doanh và đâu là yếu tố ưu tiên hiện tại để mình tập trung làm”.
Trong cuộc thi khởi nghiệp tại tỉnh Cà Mau 2024, có nhiều mô hình liên quan đến du lịch, sản vật địa phương, xử lý những vấn đề về mặt địa phương đã và đang gặp rất tốt. Ðiều đáng trân trọng là các bạn trẻ khởi nghiệp đã thể hiện rõ tình yêu quê hương. Thậm chí trong quá trình làm về đổi mới sáng tạo, các bạn trẻ rất chịu khó thay đổi. Thế nhưng, vấn đề mà các bạn phải đương đầu là yếu về tài chính, yếu về mặt kêu gọi vốn. Ðiều này đồng nghĩa với việc các bạn không biết nhu cầu, không biết về thị trường, thiếu kiến thức về thương hiệu.
Các bạn trẻ nỗ lực kêu gọi đầu tư bằng vốn kiến thức ít ỏi được học trong vài ngày tại chương trình khởi nghiệp 2024.
Anh Trần Thanh Tùng (còn gọi là Tùng BT), chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các Sở Khoa học - Công nghệ trên toàn quốc, cho biết: “Thất bại của tôi là phải đóng cửa quán cà phê của mình vì không phù hợp thị trường. Khi thời thế thay đổi và thị trường thay đổi mà mình không thích ứng thì phải bị đào thải. Chuyên gia khởi nghiệp còn thế, huống chi các bạn trẻ. Bản thân tôi cũng đang tự tìm hiểu, xây dựng những dự án khởi nghiệp khác để bắt đầu lại. Ðể khởi nghiệp ít thất bại và để dự án khởi nghiệp được sống, ngoài cái các bạn có và sáng tạo ra, các bạn phải có tầm nhìn và hiểu biết về kinh doanh toàn cầu. Các bạn phải học về xu hướng kinh doanh, sự xoay chuyển của dòng tiền, quản trị doanh nghiệp và marketing, luật kinh doanh, luật sở hữu quyền trí tuệ... Có kiến thức đầy đủ thì mới đủ bản lĩnh thích ứng và linh hoạt ứng biến trước sự biến động của thị trường”.
Khi bắt đầu mô hình khởi nghiệp, những người trẻ không thể có ngay bộ máy tốt, không thể có chính sách hay tài chính dồi dào. Giai đoạn đầu của các mô hình khởi nghiệp bao giờ cũng là giai đoạn xây dựng nền móng vững chắc, nên đây là lúc cần các bạn trẻ phải làm việc hết công suất và đừng nản chí./.
Lam Khánh