OCOP và khởi nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, và mỗi câu chuyện sản phẩm lại mang đến nhiều suy ngẫm cho cơ quan quản lý hỗ trợ vượt khó.
Sản phẩm trùng lắp, thiếu câu chuyện để thị trường hoá
Sản phẩm OCOP của tỉnh chưa đa dạng, chưa phong phú về chủng loại, còn trùng lắp sản phẩm, chủ yếu tập trung một số sản phẩm chế biến từ thuỷ sản, chưa khai thác tối ưu các yếu tố mang tính đặc thù và lợi thế so sánh của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện sản xuất, truyền thống và tập quán canh tác. Ðiển hình như bánh phồng tôm ở Năm Căn nhưng nhiều cơ sở cùng sản xuất, chuối khô Trần Hợi cũng nhiều hộ cùng làm... Ðiều đáng nói là, sản phẩm làm ra không nhiều để đưa vào các kênh phân phối lớn nên phải khai thác, tiếp cận thị trường theo hướng câu chuyện sản phẩm, dựa vào sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm nhằm thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP. Theo quy định trong bộ Tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 10/100. Cái khó là làm sao có câu chuyện hay và gắn với giá trị sản vật cũng như tạo ấn tượng với chính khách hàng, người tiêu thụ.
Anh Nguyễn Minh Thái, người thành lập Hợp tác xã Mắm mào gà Nguyễn Huân, có đến 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, cho biết: “Vấn đề của người làm OCOP bây giờ là nghĩ ra một sản phẩm có câu chuyện là vô cùng khó khăn. Mình phải suy nghĩ làm sao cho mới lạ, khác với thị trường. Ví dụ như, với sản phẩm tôm tích khô, tôi đã từng viết câu chuyện sản phẩm dựa trên câu nói dân gian lưu truyền là: Ðến Cà Mau thì nhớ ăn tôm tích, nhớ Cà Mau thì ít, nhớ khô tôm tích thì nhiều. Khi người dân xứ khác đến Cà Mau, người ăn con khô tôm tích một lần nhưng về cứ nhớ mãi mùi vị đặc trưng của loại khô đặc biệt này. Câu chuyện sản phẩm là do mình dựa vào nguồn gốc của nguyên liệu làm ra sản phẩm, đặc trưng của địa phương để viết. Nó gắn hoặc không gắn với yếu tố lịch sử, nhưng câu chuyện sản phẩm sẽ gắn với quá trình phát triển sản phẩm, hoặc cơ duyên để mình tạo nên sản phẩm đó. Ðôi khi câu chuyện sản phẩm phải gắn với định hướng phát triển tương lai để mang người thưởng thức đi dọc chiều dài lịch sử của sản phẩm đó. Ðiều quan trọng là câu chuyện phải ngắn gọn, súc tích và phải dễ đi vào lòng người để người ta dễ nhớ đến sản phẩm của mình”.
Không chỉ chuyện tự cạnh tranh với chính mình do sản phẩm na ná nhau và thiếu câu chuyện đi kèm, chủ thể tham gia Chương trình OCOP đa số có quy mô sản xuất nhỏ nên gặp khó khăn về vùng nguyên liệu, chưa đa dạng về chủng loại, khả năng mở rộng quy mô còn khó khăn; khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục; việc áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất, chế biến chưa đảm bảo. Do thiếu năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường nên một số sản phẩm OCOP chưa mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp; vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu.
Mặc dù sản phẩm OCOP có những thay đổi về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tuy nhiên còn khá nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đơn giản. Thêm vào đó, thủ tục để vào OCOP hay tái đăng ký cũng khá nhiêu khê. Nhiều cơ sở phải làm đi làm lại nhiều lần chưa xong. Một số cơ sở có ý định bỏ cuộc vì chỉ đăng ký lại trên nền tảng trước đó được công nhận nhưng trình tự y như làm lại từ đầu.
Anh Trần Duy Thanh, chủ cơ sở sản xuất chuối khô Bảy Hoàng, cho biết: “Tôi làm gia công nhiều, chủ yếu bán làm sao thu lợi nhuận nhanh nhất thôi chứ còn để làm thương hiệu thì chuối này ở đâu cũng có. Mình làm thương hiệu mất nhiều thời gian, giá thành đẩy cao lên. Có thời điểm mọi người bảo làm bao bì cho đẹp, một cái bao bì được đầu tư giá cũng 10 ngàn đồng, trong khi đó chuối tôi bán một bịch có 20 ngàn đồng. Như vậy, tiền bao bì chiếm gần hết giá sản phẩm. Chưa dừng lại đó, thủ tục rườm rà thì ai mà muốn phát triển hay đăng ký OCOP nữa. Nếu như làm một lần đạt OCOP thì khi hết hạn, công nhận chỉ cần điều chỉnh bổ sung thêm yếu tố nào chưa được, thì dễ hơn, đỡ mất thời gian”.
Hiện nay, Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung chưa thể gắn phát triển du lịch cùng các sản phẩm OCOP. Ðể phục vụ khách du lịch, các địa phương phải có đủ điều kiện về hạ tầng cho các công ty du lịch, như đường tiếp cận, bãi đỗ xe lớn, tập hợp đa dạng các sản phẩm... mới có thể dẫn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP là bước đi đúng đắn, nhưng các địa phương vẫn chưa đủ lực để thực hiện.
Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung chưa thể gắn phát triển du lịch cùng các sản phẩm OCOP. (Ảnh minh hoạ)
Ông Nguyễn Văn Ðoàn, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho biết: “Du lịch cũng phải theo mùa. Cái khó là đúng mùa thì sản phẩm mới dồi dào, người sản xuất mới làm tấp nập và có cái để khách du lịch tham quan. Còn trái mùa lại khá èo ọt. Hiện cũng chưa có đơn vị du lịch nào tổ chức tour tham quan các cơ sở làm OCOP tại địa phương. Một phần do đường sá, phần nữa là chưa thể xây dựng lịch trình sao cho hợp lý, khơi gợi sự thích thú của khách du lịch và kết nối được các giá trị văn hoá địa phương”.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP chỉ nổi lên qua các dịp lễ hội. Trong các hoạt động của khuôn khổ sự kiện lớn, sản phẩm OCOP được tạo cơ hội quảng bá và đến tay người tiêu dùng lẫn khách du lịch. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được bán qua các lễ hội không đáng kể. Các mặt hàng chỉ được giới thiệu trong khuôn khổ lễ hội và sau đó thì lại đâu trở về đấy. Ðiều này đồng nghĩa việc làm thương hiệu cho OCOP cũng chỉ mang tính tạm thời thông qua các sự kiện văn hoá, thương mại.
Trong các hoạt động của khuôn khổ sự kiện lớn, sản phẩm OCOP được tạo cơ hội quảng bá và đến tay người tiều dùng lẫn khách du lịch. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được bán qua các lễ hội không đáng kể.
Dự án khởi nghiệp cần hấp dẫn nhà đầu tư
Cũng như sản phẩm OCOP, các mô hình khởi nghiệp cũng đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn. Ðiều đầu tiên quyết định việc khởi nghiệp là phải có vốn tự thân. Tiếp đó, điều quan trọng để dự án được “sống” là có đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, cho biết: “Các quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư bây giờ cũng dè chừng và cân nhắc nhiều. Các dự án khởi nghiệp của tỉnh ta hiện tại đều liên quan đến chế biến nông sản nông nghiệp, ít có về dịch vụ và ít chủ đề công nghệ. Ðây cũng là cái khó để giữ chân doanh nghiệp. Bởi thế, năm 2024, chương trình khởi nghiệp như một cuộc thi về đầu tư. Chúng tôi muốn làm cầu nối cho các bạn trẻ hiểu và biết cách đứng trước nhà đầu tư, đứng trước quỹ đầu tư để gọi vốn như thế nào? Ðặc biệt, trong cuộc thi năm nay chúng tôi mở rộng và khuyến khích để lĩnh vực công nghệ, dịch vụ... có nhiều hướng phát triển hơn. Du lịch cũng là ngành mũi nhọn của tỉnh, ngành quan trọng của tỉnh. Thêm nữa, muốn có những doanh nghiệp phát triển nhanh, phát triển bứt phá thì phải phát triển về công nghệ”.
Các dự án khởi nghiệp bắt đầu chú trọng vào công nghệ và dịch vụ thay vì nông nghiệp, nông sản...
Các dự án khởi nghiệp không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn giúp duy trì và cải thiện giá trị xã hội. Ðiều thiếu ở khởi nghiệp của các bạn trẻ đó là việc tìm cho mình một cố vấn (mentor) để định hướng đúng đắn, giúp họ tránh được những sai lầm phổ biến. Ðồng thời, có những người bạn đồng hành và đối tác trong công việc.
Chị Hoàng Diệu My, chủ dự án khởi nghiệp Prosus - Biến vỏ xoài thành đạm sử dụng ấu trùng ruồi lính đen, chia sẻ: “Ðể khởi nghiệp thành công, ngoài ý tưởng hay, người khởi nghiệp cần trang bị kiến thức về quản lý tài chính, lãnh đạo và hợp tác để quản lý nguồn lực hiệu quả. Học hỏi từ chuyên gia, tham gia các chương trình hỗ trợ và nắm bắt xu hướng thị trường cũng rất quan trọng cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, các kỹ năng, như marketing và sales, là không thể thiếu để thu hút khách hàng và mở rộng thương hiệu”.
Người trẻ khởi nghiệp có những lợi thế về độ tuổi, thời gian cũng như khả năng tiếp cận công nghệ nhất định. Song song đó, các bạn phải đối mặt với việc non kém kinh nghiệm trong đánh giá thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh, thiếu định hướng kinh doanh, không có nhiều mối quan hệ để được giúp đỡ...
Bạn Bùi Nghĩa Trọng, dự án Thùng rác thông minh, chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất có lẽ là việc tiếp cận vốn và sự thiếu hụt kinh nghiệm khi triển khai dự án thực tế. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức, chúng tôi đã dần vượt qua các trở ngại đó. Thuận lợi là chúng tôi đang sống trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc áp dụng công nghệ vào sản phẩm trở nên dễ dàng hơn. Nỗ lực của chúng tôi chủ yếu ở việc nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần để đảm bảo sản phẩm có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu thực tế”.
Khởi nghiệp là một quá trình rất gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và nguồn lực liên tục. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức, nhiều dự án khởi nghiệp của người trẻ hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Quan trọng là chúng ta có chiến lược phát triển bền vững và không ngừng học hỏi để thích nghi với thay đổi./.
Lam Khánh
Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ