Để giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, từ hình thức trồng rau truyền thống thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng, gây nguy hiểm sức khoẻ của người tiêu dùng, cuối năm 2015, ngành chức năng huyện Cái Nước triển khai dự án trồng rau an toàn theo quy mô hộ gia đình. Dự án được thực hiện tại thị trấn Cái Nước và xã Tân Hưng Ðông, có 40 hộ tham gia. Các loại rau màu được trồng gồm: rau cải các loại, dưa hấu, dưa leo, khổ qua, cà chua, cà phổi... Tổng vốn đầu tư trên 250 triệu đồng, trong đó hộ dân tham gia dự án đối ứng 50%.
Để giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, từ hình thức trồng rau truyền thống thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng, gây nguy hiểm sức khoẻ của người tiêu dùng, cuối năm 2015, ngành chức năng huyện Cái Nước triển khai dự án trồng rau an toàn theo quy mô hộ gia đình. Dự án được thực hiện tại thị trấn Cái Nước và xã Tân Hưng Ðông, có 40 hộ tham gia. Các loại rau màu được trồng gồm: rau cải các loại, dưa hấu, dưa leo, khổ qua, cà chua, cà phổi... Tổng vốn đầu tư trên 250 triệu đồng, trong đó hộ dân tham gia dự án đối ứng 50%.
Ngoài được hỗ trợ vốn, hộ dân tham gia dự án còn được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc. Bà con ứng dụng màng phủ nông nghiệp thay thế rơm rạ; bón phân cân đối đạm, lân, kali; ưu tiên sử dụng thuốc sinh học để phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch đúng thời gian cách ly nhằm tạo ra sản phẩm rau an toàn.
Anh Nguyễn Văn Ðáp tích cực tưới nước cho những luống cà. |
Ðây được xem là mô hình mới ở huyện Cái Nước nên bà con hết sức hào hứng thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn. Kết quả sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện, dự án trồng rau an toàn đã cho thu hoạch, năng suất cao hơn so với cách trồng truyền thống và không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, đến khi thu hoạch lại gặp khó khăn khâu đầu ra. Ông Nguyễn Văn Huệ là 1 trong 40 hộ dân thực hiện dự án trồng rau an toàn với diện tích hơn 1.000 m2 (trồng cà chua, cà phổi), than thở: "Quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn không khó, chỉ cần tham gia lớp tập huấn là bà con có thể trồng được, nhưng thu hoạch bán ra thị trường rất khó. Lúc đầu mới thu hoạch cà bán được giá 10.000 đồng/kg, sau đó giảm dần và hiện tại thương lái chỉ mua với giá không quá 6.000 đồng/kg, thậm chí còn bị thương lái chê trái nhỏ, xấu, màu sắc không bắt mắt. Còn cà cùng chủng loại được nơi khác chuyển về bày bán ở chợ thì trái to, bóng mượt, giá rẻ".
Chính vì rau an toàn sản xuất tại địa phương không có bao bì, nhãn mác, không được cơ quan chức năng chứng nhận nên người mua khó phân biệt đâu là rau an toàn. Từ đó, rất khó cạnh tranh với các loại rau quả không rõ nguồn gốc khác.
Ông Nguyễn Văn Huệ cho biết thêm, mặc dù quy trình trồng rau an toàn không khó nhưng không kém phần vất vả. Từ khâu cải tạo đất cho đến khâu gieo trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch đều phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật. Vì thế, lẽ ra rau an toàn phải bán với giá cao mới khuyến khích người trồng. Thực tế đã qua, sản phẩm bà con làm ra chỉ bán bằng hoặc thấp hơn các loại rau thông thường nên bà con nản. Ðây cũng là lý do khó khuyến khích bà con duy trì và nhân rộng mô hình trồng rau an toàn.
Ông Nguyễn Văn Ðáp, ấp Ðông Hưng, xã Tân Hưng Ðông, cũng là hộ thực hiện dự án trồng rau an toàn. Ông đăng ký trồng trên 1.000 cây cà chua và cà phổi. Ông Nguyễn Văn Ðáp chia sẻ: "Tưởng trồng rau an toàn dễ tiêu thụ nhưng hoá ra không dễ chút nào. Từ khi thu hoạch cà cho đến nay, cứ 2 ngày phải chở cà xuống tới huyện Năm Căn bán, vì số lượng nhiều không thể tiêu thụ hết ở tại địa phương. Còn mang ra chợ Cái Nước không cạnh tranh được với cà vùng trên chuyển về". Ông Ðáp bộc bạch, nếu trong thời gian tới không có đầu ra ổn định, ông sẽ tạm ngưng trồng rau an toàn.
Qua đây cho thấy, mô hình trồng rau an toàn hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc sản xuất không gắn với tiêu thụ. Vì vậy, để mô hình rau an toàn phát triển bền vững, ngành chức năng nên tổ chức lại sản xuất, phải kết hợp quy hoạch khu vực bán rau an toàn tại một số điểm chợ, tạo thành chuỗi sản xuất liên kết từ khâu trồng cho đến khâu tiêu thụ. Ðặc biệt, rau an toàn phải có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng và phải được cơ quan chức năng chứng nhận để giúp người tiêu dùng phân biệt với các loại rau trồng đại trà khác. Có như thế mới tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con nông dân an tâm lao động sản xuất và nhân rộng mô hình rau an toàn trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Việt Tiến