(CMO) Liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hoá là mục tiêu của ngành nông nghiệp đang hướng tới. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác. Để hình thành vùng nguyên liệu lúa đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị và chất lượng thì sản xuất theo hướng an toàn là xu thế phát triển tất yếu để tiến tới sản xuất lúa hữu cơ.
Bên cánh đồng 4 ha lúa xanh mướt của ông Nguyễn Hoàng Em, ấp Rạch Lùm B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, các nông dân trong ấp tham gia mô hình sản xuất lúa an toàn, do Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện, đều cảm thấy hấp dẫn trước sự thay đổi cách làm, cách canh tác so với truyền thống trước đây. Và điều đặc biệt khiến những nông dân này phấn khởi chính là sự phát triển cứng cáp của cây lúa trước thời tiết bất lợi mà không tốn chi phí nào về thuốc bảo vệ thực vật.
Nông dân hội thảo đầu bờ tại ruộng ông Nguyễn Hoàng Em, thửa ruộng này được bón phân rước đòng theo mô hình lúa an toàn. |
Ông Nguyễn Hoàng Em cho biết: “Không biết đến lúc thu hoạch lúa như thế nào chứ bây giờ thấy mê quá, anh em ai nấy đều phấn khởi khi tham gia vào mô hình sản xuất lúa an toàn này. Bởi đến thời điểm lúa rước đòng mà không tốn chi phí nhiều như mọi năm, không phun xịt thuốc nên không lo lắng ảnh hưởng đến sức khoẻ”.
Vụ hè thu này ông Nguyễn Hoàng Em chỉ tốn tiền phân bón cho 4 ha hơn 1 triệu đồng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ tốn 2 lần bón phân, lót và rước đòng. Gia đình ông ước tính chi phí cho vụ hè thu năm nay chỉ khoảng 15 triệu đồng so với 25-27 triệu đồng năm 2018. Với việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống đến khâu gieo sạ theo quy trình nên hiện lúa phát triển đồng đều.
Bí thư Chi bộ ấp Rạch Lùm B Lê Hoàng Thức cho biết: “Hàng năm, lúa thường bị đổ ngã do mưa lớn, dông lốc vào cuối vụ. Vì thế nên năm nay bà con chọn giống lúa thấp, cứng cây, chống đổ ngã, gieo sạ thưa, bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, không lạm dụng phân bón lá, chất kích thích tăng trưởng. Sau khi trổ, tăng cường bón phân sinh học, kali, silic giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã. Vụ mùa năm nay bà con sẽ có nguồn thu cao hơn năm trước”.
Kỹ sư Trần Chí Nguyện khuyến cáo: “Để đảm bảo lúa hàng hoá đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nông dân cần nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, nên chọn thuốc không gây ảnh hưởng lên cây trồng, không có dư lượng trên hạt lúa gạo, không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại đối với người sử dụng. Nên chọn các loại thuốc có thời gian cách ly ngắn, ít độc, thuốc sinh học phun vào giai đoạn trổ chín”.
Với những cách thực hiện theo quy trình kỹ thuật, những khuyến cáo từ kỹ sư, nông dân thực hiện mô hình rất tin tưởng và nhận định khi sản phẩm lúa đạt các tiêu chí an toàn trên thì việc tìm đầu ra và giá cả sẽ ổn định hơn.
Ông Lê Hoàng Thức cho biết thêm: “Hiện HTX dịch vụ kinh doanh nông nghiệp của ấp đang liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra cho 24 hộ thực hiện mô hình này. Với chi phí sản xuất giảm hơn mùa vụ trước thì chắc chắn vụ lúa năm nay bà con sẽ lãi cao hơn”.
Để có 1 vụ mùa bội thu cả về sản lượng và giá trị kinh tế thì việc tuân thủ đúng quy trình trong sản xuất là cần thiết. Điều này đã được chứng minh qua thực tế tại nhiều HTX sản xuất lúa trong tỉnh. Ngoài ra, sản xuất theo đúng quy trình lúa gạo mà nông dân làm ra bán giá cũng cao hơn so với canh tác thông thường. Điều đó có ý nghĩa quyết định cho nền sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, tận dụng lợi thế của kỹ thuật hiện đại để tăng thu nhập trên một diện tích canh tác./.
Sở NN&PTNT có Quyết định số 1451/QĐ-SNN ngày 7/5/2019 về Tiêu chuẩn cơ sở sản xuất lúa an toàn tại tỉnh Cà Mau và Quyết định số 1452/QĐ-SNN ngày 7/5/2019 về Quy trình sản xuất lúa an toàn tại tỉnh Cà Mau. Mục tiêu là sản xuất bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Cà Mau. |
Hoàng Diệu