ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 29-6-24 12:57:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sống mãi ký ức thời chiến

Báo Cà Mau Quay ngược thời gian về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta, cùng với con đường vận tải chiến lược “xẻ dọc Trường Sơn” trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển với Ðoàn tàu Không số như huyền thoại, lập chiến công hiển hách, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Ởđó, những cụm bến và “Tàu không số” đã viết nên dấu son chói lọi bằng xương máu và tinh thần bất khuất. Các chiến sĩ trên “Tàu không số” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, vận chuyển hàng hoá từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc và thông tin tuyên truyền cho đồng bào chủ trương, đường lối cách mạng của Ðảng ta. Mỗi chuyến tàu ra khơi, các thuỷ thủ đoàn không chỉ đối phó với địch, mà phải đối mặt với sóng to, gió lớn, những lúc bệnh tật.

Ông Ngô Trường Hận, sinh năm 1956 (hiện ngụ Phường 1, TP Cà Mau) tham gia kháng chiến từ năm 1972 khi mới 16 tuổi ở Ðoàn 962, kể, ông và đồng đội đã trải qua những ngày thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men khi địch vây tứ phía, phải nằm chờ thời cơ, lót dạ bằng trái mắm, trái bần... Trong những chuyến đi đầy gian khổ, không chỉ có tình đồng đội, đồng chí với nhau mà còn có cả tình cảm quân dân.

Ông Ngô Trường Hận vẫn giữ bức ảnh về “Tàu không số” do bạn bè gửi tặng, để nhắc nhớ về một thời chiến đấu oai hùng.

Ông Hận nhớ lại: “Chúng tôi chỉ có 6 người trên 3 công sự mà phải chống lại hàng chục tàu địch. Người chỉ huy khi đó của tôi bảo: “Ðánh cho tới nhé các đồng chí”, vậy là xông lên. Ðồng chí chỉ huy của chúng tôi ngã xuống vì đạn sượt qua đầu, tôi cùng các anh em khác vừa bắn vừa đỡ anh vào chỗ ẩn nấp, máu chảy ướt hết tay và thấm vào người tôi, tôi thấy lòng quặn thắt”.

Những huy chương, kỉ niệm chương được ông Hận giữ kỹ đến tận hôm nay.

Vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, các chiến sĩ trên “Tàu không số” trước khi rời bến được tổ chức lễ truy điệu sống. Bởi khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật.

Ông Phùng Văn Quý, sinh năm 1945 (hiện ngụ Phường 5, TP Cà Mau), quê gốc Thanh Hoá, theo chân đoàn tàu vào Nam để chiến đấu cùng quân dân Cà Mau. Ông kể, ông đã đi tổng cộng 3 chuyến, trong chuyến thứ 3 thì bị giặc phát hiện và truy đuổi ráo riết. Ông và các đồng đội đã quyết tử, chiến đấu trong nhiều giờ, nhưng sức yếu, thế cô nên đành huỷ tàu và bơi vào bờ để mở đường máu.

Ông Quý bảo: 18 anh em trên "Tàu không số" của ông quyết huỷ tàu, quyết chết hơn là để một vật nhỏ nhất rơi vào tay giặc.

Ông Quý trầm giọng: “18 người đi nhưng chết hết, lúc huỷ tàu vào bờ, chỉ còn tôi và 3 người nữa. Ðau lắm chứ, nhìn anh em mình hy sinh và mồ chôn là biển cả mà xót lòng. Chúng tôi bì bõm trong dòng nước để tìm được vào bờ và may mắn gặp được bà con mình. Cũng nhờ sự đùm bọc của người dân địa phương mà chúng tôi thoát chết trong gang tấc”.

Cũng từ ngày đó, ông Quý ở lại Cà Mau chiến đấu cho tới khi hoà bình. Ông bảo, có những ngày ngồi một mình trong phòng làm việc mà vẫn nghe tiếng đồng đội hô to: “Thà chết chứ không để địch lấy bất kỳ một món đồ nào của tàu nghe các đồng chí” và nhớ rõ ràng những hình ảnh tàu cháy, anh em từng người ngã xuống, máu đỏ trên mặt biển mà nước mắt cứ lăn dài lúc nào không biết.

Vượt qua thời chiến đấu gian khổ cùng Nhân dân cả nước đi đến ngày toàn thắng, các chiến sĩ năm nào trở lại cuộc sống đời thường ở thời bình, mỗi người đều bận rộn với cuộc mưu sinh nên hiếm có cơ hội được gặp lại. Thế nên, trong lần gặp lại quý báu ở lễ kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển - năm 2011, họ nhìn nhau mà nước mắt rơi rồi hỏi vui: “Mày còn sống hả?”. Bởi những thanh niên năm nào nay mái đầu điểm bạc, có người thân hình không còn lành lặn, có người không minh mẫn vì thương tích ở vùng đầu quá nặng... nhưng họ vẫn hồ hởi, nhiệt huyết, vẫn ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Họ đã chiến đấu, sống thay phần của những đồng đội khác, nhìn đất nước sạch bóng quân thù và công cuộc kiến thiết quê hương mạnh mẽ như hôm nay. 

Chiến tranh đã lùi xa 49 năm, nhưng các thế hệ người Việt Nam sẽ không bao giờ quên, trong thắng lợi vĩ đại đó của dân tộc có phần đóng góp công sức, xương máu của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Ðoàn tàu Không số. Xin mượn những câu thơ trong quyển "Bến đợi" của Ðại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Ðoàn 962 anh hùng, thường được mọi người biết đến với tư cách là Phó chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, để nhắc nhớ lại một thời hào hùng:

“36 năm tôi về Rạch Gốc

Bến cũ người xưa thay đổi nhiều rồi

Chỉ còn lại tình thương trong ánh mắt

Vẫn trong ngần như màu nắng quanh tôi

Biển dâng đầy rồi biển lại vơi

Ðất trôi lở, đất lại bồi thêm bãi

Ðồng đội ơi! Rạch Gốc còn đợi đấy

Dù đi đâu xin một chuyến quay về”.

 

Lam Khánh

 

Về thăm địa chỉ đỏ

Năm 2024, được sự thống nhất của Huyện uỷ, UBND huyện, UBND xã Hiệp Tùng đã tiến hành sưu tầm tư liệu, lời kể từ nhân chứng lịch sử, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kịch bản và dựng bộ phim tư liệu “Chiến thắng Bến Dựa oai hùng”, nhằm ghi nhận những chiến công vẻ vang của các chiến sĩ Tiểu đoàn Ngô Văn Sở anh hùng. Ðây là tư liệu quý trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho các thế hệ trẻ.

Tên người ghép đôi thành tên đất

Lần theo dấu chân người đi mở đất Cà Mau mới thấy, nhiều tên người đã hoá thành tên đất. Những cái tên như: Ông Ðịnh, Ông Do, Bà Bường, Bà Thanh... trên những ngã ba sông, những con rạch ở rừng đước Năm Căn, theo giải thích trong dân gian, đó là tên những người đầu tiên đến vùng đất này, được người sau gọi riết thành địa danh.

Tự hào Thanh niên xung phong

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc. Chúng tăng cường lực lượng quyết tâm thôn tính miền Nam, với ý đồ lập ấp chiến lược kìm kẹp Nhân dân, thực hiện triệt để chính sách chia cắt, ngăn chặn lực lượng cách mạng trong vùng giải phóng. Ở miền Bắc, không lực Hoa Kỳ thực hiện cuộc đánh phá miền Bắc bằng máy bay, tàu chiến, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Ðảng đã chỉ đạo củng cố, bổ sung thành lập quân đội vững mạnh và lực lượng phục vụ chiến đấu, “trọng yếu là lực lượng nam, nữ thanh niên” nhằm hỗ trợ, phục vụ cho các đơn vị chủ lực, sẵn sàng đương đầu với địch trong mọi tình huống.

Hành trình kỳ diệu của một kỷ vật

Duyên may, chúng tôi được tiếp cận câu chuyện về hành trình kỳ diệu, đầy xúc động của chiếc xuyến vàng - kỷ vật gắn liền với cuộc đời Ðại tá Hồ Vinh Quang (bí danh Tám Vĩnh), nguyên Trưởng phòng Quân báo, Bộ Tham mưu Quân khu 9, một người con ưu tú của Cà Mau (đã tạ thế vào năm 2022). Sau tất cả, chiếc xuyến vàng ấy đã được gia đình vị Ðại tá trao tặng lại cho quê hương Cà Mau, coi như là sự tri ân nguồn cội và nhắc nhớ về sự kiện những chuyến tàu tập kết ra Bắc tại vàm sông Ông Ðốc diễn ra cách đây 70 năm.

Sống mãi ký ức thời chiến

Quay ngược thời gian về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta, cùng với con đường vận tải chiến lược “xẻ dọc Trường Sơn” trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển với Ðoàn tàu Không số như huyền thoại, lập chiến công hiển hách, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Cần có trọng tâm, trọng điểm, ý nghĩa

Đây là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân tại cuộc họp thông qua dự thảo Kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), vào ngày 3/6.

Chuyện về ngôi mộ 74 hài cốt ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau hiện có 1.070 mộ liệt sĩ, trong số này có đến 235 mộ chưa có tên. Trong số những ngôi mộ theo năm tháng vẫn chưa tìm ra tên ấy, có 1 ngôi mộ “lạ”, có đến 74 hài cốt. Một điều đáng chú ý nữa ở ngôi mộ này là đã hiện diện tại đây trước khi Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hình thành.

Hương tháng Năm dâng Bác

Hôm nay, ngày 19/5, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ, cùng với cả đất nước, dân tộc, đất và người Cà Mau cùng nghiêng mình tưởng nhớ và thể hiện tấm lòng yêu kính Người vô hạn.

Tự hào di tích lịch sử quốc gia

Toạ lạc tại xã Hàm Rồng, Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thuộc Di tích quốc gia “Các địa điểm thuộc Xứ uỷ Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam”, giai đoạn cuối năm 1949 đến đầu năm 1955, là địa chỉ đỏ, điểm tham quan về văn hoá, lịch sử tiêu biểu của huyện Năm Căn.

Nhân dân Cà Mau nhớ Bác Hồ

Nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, 19/5, tôi xin ghi lại một số kỷ niệm về tình cảm của Nhân dân Cà Mau đối với Bác Hồ.