ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 19:21:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện về ngôi mộ 74 hài cốt ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau

Báo Cà Mau Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau hiện có 1.070 mộ liệt sĩ, trong số này có đến 235 mộ chưa có tên. Trong số những ngôi mộ theo năm tháng vẫn chưa tìm ra tên ấy, có 1 ngôi mộ “lạ”, có đến 74 hài cốt. Một điều đáng chú ý nữa ở ngôi mộ này là đã hiện diện tại đây trước khi Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hình thành.

Đã nhiều năm qua, cứ đến dịp 30/4, kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ (nguyên Ðội trưởng Ðội Biệt động thị xã Cà Mau, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8, Thị đội phó Thị đội Cà Mau), lại cùng đồng đội vào Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Và việc hệ trọng nhất là, tổ chức lễ viếng thật trang nghiêm tại ngôi mộ tập thể 74 hài cốt này.

Hằng năm, vào dịp 30/4, kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, CCB Lâm Anh Lữ đều tổ chức họp mặt đồng đội còn sống và làm mâm cơm cúng đồng đội hy sinh.

Những người dưới ngôi mộ thật ra không phải đồng đội cùng đơn vị chiến đấu với ông và các CCB trong đoàn viếng, nhưng từ lâu ông và các CCB ấy coi họ như người thân thuộc của mình.

Hơn nửa thế kỷ rồi, mỗi lần đến viếng mộ, sự kiện của đêm Giao thừa tết Mậu Thân 1968 vẫn cứ hiển hiện trong ông, đầy xót xa, thương cảm.

“Nửa đêm, đột nhiên tôi nghe tiếng súng, rồi tiếng lựu đạn nổ vang động khắp nơi, nhất là những chỗ có cứ điểm địch. Biết chắc chắn là đánh nhau, nhưng cụ thể như thế nào, mình không rõ, bởi do yêu cầu bí mật, ai được giao việc gì chỉ biết việc ấy”, CCB Lâm Anh Lữ nhớ lại.

Là thầy giáo dạy Trường Tư thục Dục Tài, ông giác ngộ cách mạng và tham gia công tác thành từ năm 1965. Công việc chính của ông là nắm tình hình hoạt động của địch ở nội thành, báo cáo về Thị uỷ Cà Mau (bấy giờ đóng ở Rạch Muỗi - Cà Mau Nam, nay thuộc ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước).

Trở lại vụ súng nổ trong đêm, dù hết sức sốt ruột muốn biết cụ thể chuyện gì, nhưng đang “thiết quân luật”, an ninh siết chặt, quy định 6 giờ rưỡi sáng người dân mới được ra đường, nên ông đành phải chờ đợi trong thấp thỏm.

“Sáng đó, vừa hết giờ giới nghiêm, tôi nhanh chóng rời nhà (gần chùa Phật Tổ) đi theo tuyến đường Tự Do (đường Lý Bôn ngày nay), thẳng hướng ngã năm. Ðột nhiên tới ngã năm (trước mặt Trường THPT Hồ Thị Kỷ hiện tại), tôi nhìn thấy một đống thi thể nằm ngổn ngang giữa lộ, quần áo tả tơi, máu me bê bết. Tôi bủn rủn người, biết là cán bộ, chiến sĩ mình hy sinh các nơi chúng gom về. Lúc đó đường vắng tanh, tôi cố giữ vẻ bình tĩnh đi luôn qua, rồi vòng trở về nhà, nhanh chóng viết thư báo cáo tình hình cho Thị uỷ”, giọng ông đầy xúc động.

Mấy hôm sau, ông được lệnh đưa tổ công tác hợp pháp (4 người) vào vùng căn cứ làm nhiệm vụ khác, từ đó không còn biết thêm gì về các thi thể trên.

Ngày 30/4/1975, bấy giờ ông là Thị đội phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8 (lực lượng vũ trang thị xã Cà Mau), làm nhiệm vụ tiếp quản thị xã.

“Vừa ổn định việc tiếp quản, bố trí trụ sở làm việc cho Thị đội và các đơn vị, anh Năm Ðại (Nguyễn Văn Chia), Thị đội trưởng, nói: “Bây giờ phải tìm kiếm hài cốt anh em, chiến sĩ mình hy sinh đêm Giao thừa Mậu Thân 1968, coi chúng chôn ở đâu?!”. Ðây cũng là điều tôi nghĩ đến, vậy là nhanh chóng tiến hành. 

Hỏi thăm những người gần đó được biết, bọn chúng chở thi thể cán bộ, chiến sĩ mình bằng xe lam vô hướng cầu Số 1. Vô đó hỏi dài dài thì biết chúng chôn xác ở chỗ Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh bây giờ. Lúc ấy, nơi này hoang vu lắm, đầy sậy, ráng. Theo người dân hướng dẫn, mình đến ngay chỗ nó dập xác anh em, đó là cái ao lạng, cách đường khoảng 10 m. Tôi, anh Năm Ðại và mười mấy anh em hì hục đào cỡ 3 lớp vá thì phát hiện xương cốt. Dây dù, vải dù, quần ni lông vẫn còn. Bấy giờ là tháng 5, mưa cũng xâm xấp nước, tìm được bao nhiêu xương cốt thì đem lại mấy chỗ trũng rửa, rồi chở về Ban Chỉ huy Thị đội. Việc đào xới tìm kiếm, quy tập cũng mất 3-4 ngày. Vậy rồi chúng tôi xin được bộ ván ngựa tốt trong dân, đóng thành cái hòm và chất tuần tự xương cốt vào. Cũng không biết bao nhiêu người, nhưng đếm được cả thảy 70 sọ đầu thì coi như 70 bộ hài cốt. Cùng lúc đó, anh em tìm kiếm, quy tập thêm bên khu đất nhà thương (Bệnh viện Sản - Nhi ngày nay) được 4 bộ hài cốt nữa, cùng chất chung vô. Rồi phủ cờ lên làm lễ truy điệu...”. Non nửa thế kỷ rồi, thời gian làm lu mờ nhiều thứ, nhưng sự việc ấy vẫn khắc sâu trong tâm trí người lính tuổi ngấp nghé 80 này.

CCB Lâm Anh Lữ kể tiếp: “Lúc đó thị xã chưa có nghĩa trang, chúng tôi bàn nhau chở hài cốt anh em đến chỗ bốc mộ chôn lại, nhưng lùi vô trong khoảng 10 m, nơi đất cao hơn”.

Ông cũng cho biết, về sau tỉnh có ý lấy nơi đó làm Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nên đã quy tập mộ cán bộ, chiến sĩ rải rác các nơi về. Sau khi Cà Mau và Bạc Liêu sáp nhập thành tỉnh Minh Hải (năm 1976), thì nơi đây được lấy làm Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Cà Mau (Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nằm ở huyện Vĩnh Lợi). Bấy giờ theo quy hoạch, thấy ngôi mộ tập thể này sát lộ nên đã di dời sâu vô trong và có làm tượng đài. Ðến năm 1997, khi tỉnh Minh Hải tách ra 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, tỉnh lấy Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Cà Mau làm Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, ngôi mộ một lần nữa di dời cho phù hợp kết cấu và làm lại tượng đài, đó là vị trí hiện tại, phía trái nghĩa trang.

Những cán bộ, chiến sĩ dưới ngôi mộ là ai, 74 hài cốt là 74 cuộc đời với bao hoài bão, ước mơ... Trong khi họ nằm đây chưa biết tên tuổi, quê quán, thì mấy chục năm qua cha mẹ, anh chị em, vợ con, người thân họ cũng khắc khoải niềm đau, vô vọng trong kiếm tìm. CCB Lâm Anh Lữ là người hiếm hoi nhìn thấy thi thể, cũng như góp nhiều công sức tìm kiếm, quy tập hài cốt hình thành ngôi mộ ấy, nên có nhiều trăn trở. Ông cũng cho biết, sau này chỉ duy nhất có gia đình Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh II Nguyễn Hữu Lễ nhận người thân, vì khi bốc hài cốt thấy có phần xương hơi to phỏng đoán của đồng chí ấy.

Ông Lâm Anh Lữ thường tới lui thăm viếng ngôi mộ 74 hài cốt ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau.

Cũng không phải chỉ 74 cán bộ, chiến sĩ nơi mộ này, còn rất nhiều anh em hy sinh trong trận Mậu Thân tới nay chưa quy tập được hài cốt. Ông vẫn còn nhớ, đợt 2 Mậu Thân năm 1968 (khoảng đầu tháng 2 âm lịch), khi đó ông được giao nhiệm vụ dẫn mũi 1 tiểu đoàn tấn công vào thị xã Cà Mau (khi đơn vị vào được nội ô thị xã, vì ông hoạt động thành rành địa bàn). Nhưng bấy giờ đơn vị mới từ Rạch Rập lội qua sông Cà Mau thì bị địch bắn xối xả. “Rất nhiều anh em hy sinh ngay trên sông. Nghe người ta nói lại, 2-3 ngày sau đó, dọc sông Cà Mau, đoạn từ ngã ba Chùa Bà đến Tắc Thủ, xa xa thấy nổi lên 1 thây người; tôm cá rỉa một thời gian thì thịt xương tan rã. Lúc đó địch tăng cường phản công dữ dội, mình đâu ra lấy thi thể được”, CCB Lâm Anh Lữ bùi ngùi.

Cái giá của hoà bình phải đánh đổi biết bao máu xương của chiến sĩ, đồng bào. Ngay cả bản thân mình, CCB Lâm Anh Lữ cho rằng còn sống được chỉ là may mắn. Vì vậy, làm được gì cho đồng đội là ông cố làm. Từ năm 2005, cứ đến ngày 30/4 là ông tổ chức họp mặt đồng đội, ôn lại thời chiến đấu cái chết cận kề nhưng đầy tình nghĩa, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống hiện tại và làm mâm cơm cúng đồng đội hy sinh.

Với ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang, ông thấy mình như nặng duyên nặng nợ, thường xuyên tới lui thăm viếng. Ðặc biệt, bắt đầu từ năm 2018, cứ đến ngày 30/4, khi tổ chức họp mặt đồng đội thì bao giờ cũng thế, ông cùng các CCB đến thắp hương tại ngôi mộ 74 liệt sĩ này. Trong mâm cơm cúng đồng đội, ông và các CCB luôn khấn mời họ cùng về dự, coi họ cũng thân thuộc như đồng đội mình.

Từ câu chuyện này, tôi hiểu thêm tâm tình của ông qua những chia sẻ khi bỏ mấy trăm triệu đồng làm nhà Kỷ niệm ở ấp Cái Bát: “Trận Mậu Thân 1968, có rất nhiều đồng đội hy sinh mà không tìm được xác, không biết tên, không dòng địa chỉ... Làm ngôi nhà này cũng là để có chỗ cho anh em về đây nương náu”. 

Chuyện những người lính hy sinh để đổi lấy cuộc sống hoà bình, đến nay vẫn chưa tìm được gia đình, tên tuổi; chuyện người lính già vẫn nặng tình với người ngã xuống..., hẳn đọng lại trong lòng nhiều người những suy nghĩ về cái nghĩa thuỷ chung, việc đối nhân xử thế, những việc tử tế ở trên đời./.

 

Huyền Anh

 

Miền nhớ thiêng liêng

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra trang trọng, ý nghĩa trên đất Cà Mau. Ngược miền ký ức, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam như được sống lại giai đoạn thiêng liêng của cuộc chuyển quân lịch sử. Họ gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào, bao câu chuyện về những ngày chiến đấu, lao động, học tập nối mạch ùa về...

Ðại tá từ du kích

Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.