ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 13:25:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sức sống đê biển tây

Báo Cà Mau (CMO) Lão “gù” vội vàng hướng ra đê biển Tây để đón những vị khách lạ tìm nhà, người từ Sài Gòn, Bạc Liêu, TP Cà Mau. Rồi lão giục vợ vo gạo nấu cơm, phần lão xông xáo ra sau nhà ví bắt con gà trống, vác cây móc đi hái dừa. Khu vườn xanh um, nào dừa, xoài cùng nhiều loại cây ăn trái bên cánh đồng lúa đang vào mùa, ao cá sau nhà - thành quả mà cả đời ngót nghét 61 tuổi của lão đã “thuần” được mảnh đất ven đê xứ Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời.

Hệ thống đê, kè, phía xa biển là hòn Đá Bạc được khai thác làm du lịch, phía trong là cánh đồng lúa phát triển ổn định.

Lão “gù” ở xứ này còn được gọi là ông Huế gù, vì là người gốc Nam Định, chứ tên thật của ông là Trần Văn Lịch. Cái lưng gù của lão người đời chỉ nhìn thấy để gọi tên, chứ ít ai xứ này biết được nguồn cơn.

Khi khách đã ngà say với tiệc hoà giữa thức ăn mang hương vị đồng và biển, cùng với đó là rượu gạo bên cánh đồng gió lộng, lão gù hồi tưởng về những năm 1979-1981, khi tham gia lực lượng vũ trang làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường biên giới Tây Nam. Trong một trận đánh, đơn vị của ông trúng trận pháo, phần ông bị sức ép của thuốc súng khá nặng nên bị lệch cột sống. “Tưởng chừng như nằm lại biên giới rồi”, lão khề khà sau chung rượu cay nồng.

Sau điều trị và với vết thương chí mạng, ông không còn sự tháo vát, linh hoạt của một chiến sĩ ở đơn vị chủ lực nữa, thế là phải xuất ngũ trở về quê Nam Định. Vết thương chưa kịp lành hẳn, một lần nữa, theo tiếng gọi khẩn hoang vùng kinh tế mới, ông đăng ký vào Nam và đến khu vực đất ở Khánh Hưng A này bắt đầu gây dựng cơ nghiệp.

Cùng những người đồng hương khác, lão gù ra sức kê liếp, đào mương để thuần hoá vùng đất ven biển, trũng phèn, chỉ năn, sậy và cây rừng hoang vu, trở thành mảnh đất lúa bên vườn cây xanh um như ngày nay. Tuy vậy, biệt danh "lão gù" của người chiến sĩ Trần Văn Lịch vững chãi ở mảnh đất này cũng ngót nghét hơn 45 năm, nhưng ít ai biết 2 con của ông tốt nghiệp đại học xuất sắc, được UBND tỉnh tặng bằng khen và nay có việc làm ổn định, như tấm gương sáng về hiếu học vốn có truyền thống từ cội nguồn đất Nam Định.

Chút nắng xế chiều cuối năm, từ rìa vườn cây nhà lão gù nhìn ra cánh đồng mênh mông, không khí lao động hăng say lại diễn ra như bao buổi chiều khác. Phía bên kia con kênh cách cánh đồng chưa đầy trăm mét là ầm ầm tiếng sóng biển của mùa chướng kéo nước lên. Hướng mắt về phía biển, ông kể: “Cách nay hơn chục năm, tôi có hẳn một khoảnh vuông tôm phía đó. Chỉ vài năm sau, sóng biển cuốn phăng. Giờ thì khoẻ hẳn rồi, ít lo sóng biển tràn đồng, cuốn nhà, kể từ ngày Nhà nước xây dựng tuyến đê kiên cố, cùng với đó là hệ thống kè hộ đê vững chắc”.

"Lão Gù" bên các cháu.

Tiếp lời, ông Lê Thương, người đồng hương lão gù từng về đất Khánh Hưng A này, nhớ lại: “Bìa rừng ven biển hồi đó dày lắm, nhưng cuộc sống cứ lo âu. Năm nào mùa chướng như Sức sống ĐÊ BIỂN TÂY vầy cũng nơm nớp lo chạy triều cường. Lúa đang xanh tốt, bỗng một con nước ngoài biển tràn vào là tiêu tan mọi hy vọng. Ngót 10 năm nay, khi con đê hình thành, chuyện đồng áng bắt đầu phất lên. Ngoài 2 vụ lúa, cư dân phía trong còn tranh thủ nước ngọt để phát triển vườn cây, ao cá và chăn nuôi. Ai có điều kiện thì sắm ghe hành nghề biển. Ấy vậy mà cuộc sống dần thay đổi, ổn định”.

Hơn 45 năm bám đất, chứng kiến sự thay đổi hoàn toàn từ thời hoang hoá chỉ vài nóc nhà giữa rừng, nay đồng chuyên lúa với vườn dừa, cây ăn trái xanh um, thấp thoáng là những căn nhà kiên cố, khang trang, có chợ, nhiều cụm dân cư liền kề đông vui… “Một sự thay đổi hoàn toàn từ ngày có đê, có hệ thống cống. Ngày xưa là trốn biển, giờ mỗi chiều, nhất là tụi trẻ hẹn hò ra triền đê, lên thành cống ngắm biển”, mắt lão gù sáng lên.

Như lời lão nói, đó chính là điểm nhấn ở khu vực dọc tuyến đê biển Tây là những khu vực cửa sông thông ra biển nhằm ngăn mặn, tháo úng chống ngập với tên gọi gắn liền với vùng đất, con người: kênh xáng mới, T29, T25, Kinh Tư, Hương Mai, Khánh Hội, Đá Bạc, Quảng Thép, Ba Tỉnh, Sào Lưới… Những địa danh này hiện là những cụm dân cư tấp nập tàu thuyền vào neo đậu sau chuyến biển, nhịp sống đô thị đang dần hiện rõ.

Dù bên ngoài biển có động nhưng nhịp sống nông nghiệp bên trong thân đê vẫn diễn ra sôi động, an toàn.

Từ thời điểm năm 2009, diễn biến sạt lở đê biển Tây bắt đầu đặt ở mức báo động. Sóng đánh sạt bìa rừng, nước mặn tràn vào vùng sản xuất, thậm chí những khu rừng lấn biển ra tận hòn Đá Bạc như lời lão gù nhớ lại, cũng bị xoá sổ. Sức của, sức người và trí tuệ bắt đầu được huy động để hộ đê, khôi phục đai rừng phòng hộ, giữ vững vùng sản xuất. Với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp, sau 10 năm dốc toàn lực thực hiện, trải dài từ Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh), nay hệ thống đê biển kiên cố đã được hình thành, cùng với hệ thống kè hộ đê chạy dọc hàng chục cây số đến tận cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) như bức tường thành kiên cố bảo vệ trên 61.000 ha sản xuất vùng ngọt phía trong của 2 huyện, đặc biệt là khu rừng U Minh, nhất là Vườn Quốc gia U Minh Hạ. “Hiện Cà Mau đang tiếp tục xây dựng hệ thống đê từ Sông Đốc sang Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), khép kín hoàn toàn hệ thống đê kết hợp giao thông phía Tây, góp phần ổn định sản xuất trước tác động của biến đổi khí hậu, cũng như thực hiện chiến lược tăng tốc phát triển kinh tế biển gắn với ứng phó thiên tai…”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau, thông tin.

Khi mặt trời chìm dần trên biển cũng là lúc đèn của xóm dân cư rực lên, soi sáng cả một vùng biển. Chiếc xe đi xuyên qua tuyến đê, băng qua cánh đồng thơm mùi lúa mới trong bản tình ca "Chiều biên giới" của Trần Chung: “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn. Như chồi non cỏ biếc, như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta… Em ơi! Giữa nông trường lộng gió; tình gắn bó nghe cuộc đời say nồng; như trời rộng mênh mông; ánh chiều tà bâng khuâng; một lời hát đang dâng…” mà lòng lữ khách bâng khuâng, dâng trào xúc cảm. Rời đê, rẽ thẳng hướng đô thị sầm uất TP Cà Mau cách đó hơn 50 cây số, mang theo lời lão gù đầy thân thiết: “Tết này, mời mấy đứa về đây. Tết ở đê vui lắm!”

 

Phong Phú - Trần Nguyên

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).