(CMO) Về nhận khoán đất rừng tại khu vực ấp Bà Khuê, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển từ những năm 1990 với điều kiện gia đình rất khó khăn, cũng như bao nhiêu hộ dân khác nơi đây, sau nhiều vụ tôm bị thất bát trên phần diện tích được giao khoán, kinh tế gia đình ông Danh Sang gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sản vật dưới tán rừng của 4 khu cồn được hình thành do bồi lắng ngoài mũi Ông Trang. Đây là vùng thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi hiện nay.
Nuôi rừng - rừng nuôi I
Để chứng minh tầm quan trọng của các vạt rừng phòng hộ ngoài mũi Ông Trang, ông Danh Sang rủ tôi cùng gia đình ông đi săn cá thòi lòi, loại cá từ lâu được mệnh danh là “quái ngư”. Khi thuỷ triều bắt đầu rút, chúng tôi xuống vỏ máy vượt đoạn đường khoảng 3 cây số trên sông Cửa Lớn hướng ra mũi Ông Trang. Con nước mang phù sa hàng trăm năm qua đã âm thầm bồi lắng tạo nên 4 cồn mà người dân nơi đây quen gọi là cồn cát, cồn ngoài và 2 cồn bìa.
Sau một vòng thực địa quanh các cồn, chiếc vỏ máy tấp vào khu vực cồn ngoài để ông Danh Sang bắt đầu săn “quái ngư”. Gần 50 chiếc xà vi bằng lưới (xà vi là tên gọi của ngư cụ dùng để bắt cá thòi lòi) được cho gọn vào túi vải trên vai. Chỉ vài phút sau đó, ông Danh Sang đã mất hút trong những tán rừng đước rậm rạp.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chỉ cần nhìn miệng hang, ông Sang đã biết có hay không có cá thòi lòi bên trong. |
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Danh Sang nhanh chóng tìm được hang "quái ngư" dưới những chang đước. “Hang nào có đất mới đùn ra ngoài và nước đục thì bên trong mới có cá”, ông Danh Sang chia sẻ kinh nghiệm.
Cứ thế, khoảng hơn 1 giờ đồng hồ luồn lách qua các chang đước dầy đặc, mấy chục xà vi đã tìm đúng nơi nó cần. Tranh thủ thời gian xả hơi để trở lại thu hoạch sản phẩm, ông Danh Sang cho biết, xà vi bằng lưới cũng do mình sáng chế ra. Trước kia đa phần sử dụng xà vi được đan bằng lá dừa nước, tuy không tốn tiền nhưng loại này rất cồng kềnh, khó di chuyển trong rừng. Đặc biệt, nếu dùng loại xà vi làm bằng lá, đi thăm không kịp, hay bị lạc, khi triều cường lên cá sẽ bị kẹt bên trong và chết. Còn làm bằng lưới vừa gọn, nhẹ mà cá có thể sống được.
Sau gần 20 phút ngồi nghỉ ngơi, ông Danh Sang bắt đầu trở lại những cái xà vi đầu tiên để thu hoạch thành quả lao động. Nhìn từ xa thấy xà vi động đậy, đôi mắt ông sáng bừng lên, đôi chân cũng bước nhanh hơn. Một con "quái ngư” đã sa bẫy. Khác với niềm vui lúc đầu, sau khi nhìn qua nhìn lại, ông liền trút ngược xà vi và thì thầm: “Con này chưa đủ chuẩn”.
Cứ thế, hành trình săn “quái ngư” lại tiếp diễn, hầu như xà vi nào cũng bắt được cá thòi lòi, thế nhưng người "chủ" chỉ tuyển bắt những con cá thòi lòi thật to. "Mình bắt cá nhỏ như vậy tiếc lắm. Ngay cả ốc len, vọp, cua, ba khía... cũng vậy, con nào còn nhỏ thì thả lại với rừng", ông Sang bộc bạch như thể đây chính là rừng thuộc chủ quyền của gia đình mình vậy.
Chỉ những con cá đủ lớn thế này ông Sang mới bắt, còn cá nhỏ hơn được ông thả về tự nhiên. |
Rừng là nguồn sống
Đến đây tôi mới hiểu vì sao chỉ 4 cồn diện tích không bao nhiêu mà đủ sức nuôi sống gia đình ông Danh Sang cũng như hàng ngàn hộ dân không chỉ trên địa bàn xã mà nhiều nơi khác mấy mươi năm qua. Ông Danh Sang cho biết, có những con nước không chỉ người dân trên địa bàn xã Viên An mà còn nhiều xã lân cận cùng tập trung về đây để bắt ốc len, cá, cua, ba khía… có khi cả ngàn người.
Khu vực rừng này là nguồn sống của rất nhiều hộ dân. Họ khai thác nguồn tài nguyên dưới tán rừng, song không ai dám chặt phá một cây rừng nào. “Mấy mươi năm sống nhờ vào tán rừng này nên tất cả mọi người đều ý thức được bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chính gia đình mình”, ông Danh Sang nói đầy tự hào.
hông chỉ có sản vật dưới tán rừng đã giúp nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông Danh Sang cải thiện cuộc sống, mà chính sự đặc biệt của 4 cồn này hình thành một đai rừng phòng hộ như lá chắn vững chắc bảo vệ người dân bên trong xã Viên An trước tác động của sóng và gió biển. Là người mấy mươi năm gắn bó với vùng đất này, ông Danh Sang thấu hiểu tầm quan trọng của từng vạt rừng nơi đây đối với đời sống. Ông chia sẻ, nếu không giữ được rừng ngoài này thì khu vực trong trung tâm xã cũng không thể trụ được trước sóng và gió biển.
Nhờ sự góp sức của cộng đồng dân cư mà rừng đước khu vực Ông Trang, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển ngày một xanh và cao hơn. |
Chính sự quan trọng ấy, cách đây khoảng 10 năm có dự án khoán đất rừng khu vực này cho người có vốn nuôi thuỷ sản và trồng rừng, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân nên phải dừng lại. Và kể từ đó đến nay, ngoài công tác tuần tra bảo vệ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, chính những hộ dân như gia đình ông Danh Sang là lực lượng quan trọng góp phần cho những cây đước nơi đây mỗi ngày một xanh và cao hơn.
Hiện tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 164.638 ha, với 94.224 ha có rừng. Cụ thể, đất rừng đặc dụng 24.406 ha (18.226 ha có rừng); đất rừng phòng hộ 36.526 ha (23.341 ha có rừng); đất rừng sản xuất 103.705 ha (có rừng 52.656 ha). Theo quy hoạch được điều chỉnh, diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 của 3 loại rừng là 160.120 ha. Để thực hiện được mục tiêu này, ông Nguyễn Như Độ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, cho biết, trong hàng loạt giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, ngoài giải pháp xây dựng và củng cố lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, bán chuyên trách của các chủ rừng, thì giải pháp bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng dân cư được đặc biệt coi trọng. |
Nguyễn Phú