ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 02:29:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tấm bia đình

Báo Cà Mau Từ ngày mấy ông nhà báo loang tin tấm bia ở đình là cổ vật, người dân túa đến ngày một đông. Ông Bảy chống gậy ra xem, mắt ông nheo nheo nhìn tận mặt từng người như đợi coi có ai hỏi mình về tấm bia đó không.

Từ ngày mấy ông nhà báo loang tin tấm bia ở đình là cổ vật, người dân túa đến ngày một đông. Ông Bảy chống gậy ra xem, mắt ông nheo nheo nhìn tận mặt từng người như đợi coi có ai hỏi mình về tấm bia đó không. Nhưng cũng chẳng ai ngó ngàng gì đến ông. Cũng như từ hồi nhỏ đến giờ, có bao giờ ông thấy tấm bia đó lên tiếng: “Ê, biết tui là ai hông?”. Cũng như ông bây giờ, không lẽ ông lên tiếng: “Ê, tui già nhất làng, tui rành tấm bia đó nhất làng!” hay sao?

Cuối cùng cũng có đứa cháu đi làm ở xa nhà, gọi điện về hỏi ông:

- Nội, tấm bia ở đình làng mình là cổ vật hả nội? Con nghe người ta nói ông bia bà bia linh lắm, khấn gì được nấy hả nội?

Ông già lãng tai, mở cái loa điện thoại chan chát mới nghe được, gật gù đến khi nghe câu hỏi cuối của đứa cháu mới nổi quạu:

- Tao kể bây nghe muốn nát đĩa mà bây không nhớ sao, đi hỏi lại tao?

Minh hoạ: HOÀNG VŨ

Lúc này đứa cháu mới chực nhớ, nhà sát vách đình, lúc nhỏ mỗi buổi chiều ông nội dắt qua sân đình chơi, ông hai chỉ tấm bia nằm giữa sân. Nhưng ngặt nỗi đến cái đoạn hấp dẫn là ông nội kể gì thì đứa cháu đã quên mất rồi.

Gần một trăm năm trước, khi bà cố sanh ông Bảy thì ngôi đình đã có ở đó hơn trăm năm rồi. Ông lớn lên bên mái đình như bao người khác. Có lần trên xã gửi giấy xuống, yêu cầu đình phải đốn hàng dương để xã xây dựng trường học. Ông Bảy xách đơn đi lên đi xuống xã ròng rã mấy tháng để xin giữ lại hàng dương. Nhưng trên xã vẫn phải đốn. Ðồng chí chủ tịch xuống tận nơi, nắm tay ông Bảy nói:

- Vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà mà ông Bảy!

Lúc đó ông không nói, ngồi nhìn trân trân hàng dương, rồi ông khóc. Lần đầu tiên mấy đứa trong làng mới thấy ông Bảy rơi nước mắt. Ông khóc thút thít như con nít mất bạn. Nhưng may mắn sao, hàng dương vẫn còn một cây nằm ngoài dự án xây dựng. Cây dương đó thoát chết đứng trơ ra giữa những cây dương nằm xuôi dọc dưới mặt đất thênh thang. Lúc đó ông mới nói ông nội của ông Bảy và hàng dương trước sân đình là cùng một tuổi. Ai nấy đều bật ngửa. Có người ghé tai nhau hỏi, cái chén kiểu, để trăm năm là thành đồ cổ rồi, còn hàng dương trăm năm sao vẫn là cây dương bình thường vậy?

Ông Bảy nói thôi thì cũng là do nơi duyên số. Những cây dương còn sống sót đến ngày nay âu cũng là do duyên số. Những năm chiến tranh khói lửa, mấy loạt pháo bay lạc chém đứt đọt hàng dương. Chúng cháy rụi rồi lại mọc lên xanh um, vươn thẳng lên trời cao xanh thẳm. Nhưng bây giờ, đất ở đâu để những gốc dương mọc lên chồi mới?

Từ lúc hàng dương bị đốn, ông thường qua lại đình hơn. Tuổi già của ông, không đi qua đình làm lặt vặt công việc thì biết phải làm gì cho khuây khoả. Tụi nhỏ kêu, nội ở nhà đi, chuyện đình để tụi con lo cho, nhưng nói thì nói vậy chứ có đứa nào lo bằng ông được đâu. Năm ngoái, có đứa sinh viên nói với ông, để con viết văn tế thành hoàng cho cụ. Ông Bảy cũng mừng thầm, cũng yên tâm vì trong cái làng này đã có người chịu học hỏi, chịu thay ông viết văn tế. Nhưng khi chuẩn bị vào cúng mới tá hoả, cái bài văn tế trớt huớt. Ông hỏi, đứa sinh viên nói nó lấy trên mạng về. Ông Bảy làm cho nó một trận:

- Sao bây không hỏi tao? Ði lấy trên mạng trên miết gì chi vậy?

- Cụ ơi, trên mạng hay lắm. Từ cổ chí kim cái gì cũng có hết!

- Nhưng bài văn tế đình mình có giống hệt từng câu từng chữ bài văn tế trên mạng đâu?

Lúc đó thằng nhỏ mới phát hiện, nó chép y hệt bài văn tế của đình khác, không thèm sửa lại một chữ nào. Hú hồn, may mà ông phát hiện sớm, chứ lỡ đọc lên, chắc đã làm phật ý thành hoàng rồi.

Hôm bữa, ông Bảy nói, tụi trẻ bây giờ hay thiệt, cái gì cũng biết. Ông quên tên bài hát kháng chiến cũ, kêu đứa cháu mở mạng lên, nó gõ cộc cộc một hồi là ra ngay tên bài hát đó liền.

Ờ, mà còn nữa, hôm rồi ông tính đi Sài Gòn mua cái trống cho đình, thằng Tân nói thôi nội đừng có đi, để con mở mạng cho nội xem. Ông xem nó mở mạng, rồi chọn một cái trống. Mấy bữa sau người ta chở trống về tới đình. Thiệt là nhanh lẹ!

Nhưng cái mạng này có khi cũng làm người ta đau đầu thật, cụ thể là vụ cái tấm bia của đình. Tụi nhà mạng biết gì mà lên đó nói khơi khơi. Ông hâm sẽ vác đơn đi kiện tụi nó. Ông đã viết ra cả chục tờ đơn rồi. Có đứa cháu khuyên, thôi bỏ đi nội ơi! Nhưng ông Bảy vẫn không chịu:

- Bỏ sao được, đình của mình mà để người ta vẽ rồng vẽ rắn như vậy coi sao được mậy.

Có đứa cháu bàn:

- Hay là nội cứ chờ xem, có ông nhà báo nào tìm đến hỏi nội về tấm bia thì nội kể cho người ta nghe, kêu người ta lên mạng đính chính lại. Chứ hơi đâu mà đi kiện chi cho mệt vậy nội.

Ông bảy nghe có lý nên ưng bụng dẹp mấy lá đơn. Mỗi khi nghe có đoàn khách nước ngoài hay đoàn nhà báo nào đến đình tham quan tấm bia là ông ra trước cửa đứng đợi coi có ai hỏi ông về tấm bia đó hông. Nhưng mỏi mòn mà không ai hỏi cả, ông thấy vậy, chống gậy bước qua đình, nắm tay ông nhà báo:

- Ðể qua kể cho chú em mầy nghe về tấm bia này nha! Tấm bia này có từ năm Tự Ðức ngũ niên…

Ông nhà báo nhìn ông Bảy, nửa tin nửa không, móc túi lấy cái điện thoại ra quẹt quẹt rồi lắc đầu:

- Sai rồi cụ ơi! Chắc cụ nhớ nhầm rồi. Tấm bia này có từ hồi Hồng Bàng năm…

Nội nhíu mày:

- Sao chú biết qua nói sai, ông bà qua là người ở đây, kể cho qua nghe, dạy cho qua đọc từ hồi tấm bia này còn rõ chữ mà.

- Dạ, đành vậy, nhưng trên mạng viết khác cụ ơi! Vả lại, bây giờ tấm bia chỉ còn đọc được có mấy chữ, mấy chữ còn lại bị mờ hết rồi. Những tiến sĩ ngôn ngữ học đọc còn không ra, cụ già rồi, mắt mờ rồi, sao cụ đọc được.

- Mấy năm trước tui có trình trên xã cho xây dựng cái nhà bảo quản tấm bia, tui xin phép đứng ra dịch lại tấm bia. Nhưng trên xã nói đợi xin ý kiến ở trên.

- Dạ, nhưng báo chí ai cũng nói vậy, cháu nói khác không được cụ ơi!

Nói vậy rồi ông nhà báo bỏ lên xe đi mất. Ông Bảy về nhà nằm lăn qua lăn lại trên chõng, rồi bệnh hết mấy hôm ròng. Mấy đứa cháu nhìn ông rung rung không cầm được muỗng múc cháo mà muốn rớt nước mắt. Tính nói, thôi kệ họ đi nội, nhưng lại sợ ông buồn, ông giận, nên thôi.

Những đoàn khách về đình ngày một đông, có hôm có đến mấy chục chiếc xe hơi. Tụi nhỏ chạy photo mấy tờ báo viết về tấm bia của đình, đi rao bán cũng kiếm được đủ tiền mua cá cho cả nhà. Mấy bà bán cháo, bán cơm thi nhau pha chuyện thần thánh cho tấm bia thêm phần huyền hoặc. Chuyện tấm bia của đình càng vang xa, người đến chiêm bái càng đông, những câu chuyện không biết thực hư thế nào cũng ngày một nhiều. Vậy mà ông Bảy - ông Ðại bái của đình lại đổ bệnh nên không ai đứng ra dàn xếp được chuyện đình. Còn ông Chánh bái thì tuổi còn nhỏ hơn cái nhà kho của đình, lấy gì biết được tới tấm bia nên cũng bó tay trước lượt người ào ạt đến. Chính quyền địa phương mướn nhà viết sử về viết cho đình một quyển sử chánh thống để dễ dàng lưu truyền. Nhà viết sử đọc được hai ba chữ trong tấm bia, còn những chữ kia vì quá mờ nên không đọc được. Lúc ấy, nhà viết sử mới yêu cầu kiếm một ông cụ già nhất làng, thông thạo chữ nho, từng đọc được tấm bia này để đọc cho nhà viết sử viết. Lúc bấy giờ hội người cao tuổi mới rà lại danh sách, ông chủ tịch hội nhảy cẩng lên:

- Là ông Bảy Ðại bái của đình đó, sao không hỏi ổng?

Nhưng, lúc nhà viết sử đến nhà thì ông Bảy đã lặng lẽ ra đi hôm qua khi ông vừa bước qua tuổi một trăm. Lúc đó người ta mới tá hoả kéo đến nhà ông Bảy kêu lục lại coi ổng có viết gì để lại hay không. Ðám trẻ lục trong tủ của ông có một xấp giấy, trao cho nhà viết sử. Nhà viết sử đưa hai tay ra cầm, để vào bọc cẩn thẩn, nghiêm mặt nói:

- Xấp giấy tờ này là chứng tích lịch sử. Chúng ta có thể căn cứ vào đây để đoán ra những chữ đã mờ trong văn bia.

Nhưng đọc hoài, đọc mãi xấp giấy đó, thấy toàn là tâm sự của ông chứ có thấy ông nói gì tới văn bia đâu. Lúc này, chính quyền địa phương mới lên loa kêu gọi, ai còn giữ những gì của ông Bảy thì gửi lại cho uỷ ban, sẽ được trọng thưởng. Lúc này người ta mới lục lại những toa thuốc Bắc, những bài khấn chữ nôm, những câu đối… mà hồi sinh tiền ông Bảy đã viết cho. Có người cắt cớ, lên mạng in một xấp giấy rồi đem nạp.

Nhà viết sử đọc hết tất cả những gì có liên quan đến ông Bảy mà xã đưa. Mấy tháng sau, nhà viết sử gửi một bức thư về xã, trong thư ngoài lời hứa không biết là khi nào, nhưng nhà viết sử sẽ trở lại viết sử cho đình khi tìm đủ tư liệu. Kèm theo bức thư là một tờ giấy photo bút tích của ông bảy: “Tui nói, mà có ai nghe đâu. Tui không sợ khi tui chết không ai đứng ra nói, mà tui chỉ sợ bây giờ tui còn sống trơ trơ mà nói không ai muốn nghe..."

Truyện ngắn của Lê Quang Trạng

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.