Tận dụng từng mét vuông đất để sản xuất, thực hiện mô hình “bờ bao ao cá” đã giúp gia đình anh Trần Văn Lành và chị Võ Thị Út thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.
Tận dụng từng mét vuông đất để sản xuất, thực hiện mô hình “bờ bao ao cá” đã giúp gia đình anh Trần Văn Lành và chị Võ Thị Út thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.
Ngày mới ra riêng gia đình anh Trần Văn Lành và chị Võ Thị Út (Khóm 3, phường Tân Thành, TP Cà Mau) có 5 công đất sản xuất. Ðể phát triển kinh tế, anh chị đào 6 ao nuôi cá chình, cá bống tượng. Thời gian đầu mới thả nuôi do chưa có kinh nghiệm, lại thiếu vốn nên thường phải bán cá non, lợi nhuận từ việc nuôi cá do đó cũng rất bấp bênh. Khó chồng thêm khó, khi 2 con của chị Út lần lượt ra đời và đến tuổi ăn tuổi học.
Tận dụng đất trống nuôi cá kết hợp trồng rau màu giúp gia đình anh Lành, chị Út thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. |
Thấy gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nuôi cá thì không khá nổi vì cá cần thời gian nuôi khoảng hơn 1 năm mới bán có giá. Trong lúc đó, nếu không có khoản thu nào để lo việc học cho các con và sinh hoạt trong nhà thì nguy cơ bán cá non lại tiếp diễn. Chị Út bàn với chồng thử trồng rau đắng trên bờ ao nuôi.
"Một lần đến nhà hàng xóm, thấy người ta trồng rau đắng tốt quá mình cũng mày mò trồng thử. Chưa có kinh nghiệm, chưa có mối bán nên thời gian đầu khó khăn lắm. Nhớ lúc đó, trồng ra cọng rau ốm nhom ốm nhách, ngồi chợ bán người ta chê không mua, đuối quá có bữa mình bán rẻ 1 kg có 2.000 đồng thôi. Dần dà, mình đúc rút được kinh nghiệm trồng tốt hơn, mở rộng diện tích, rồi tìm được mối thu mua luôn tại nhà", chị Võ Thị Út nhớ lại.
Vợ chồng chị Út đang trồng hơn 1 công rau đắng. Nhờ chăm sóc tốt nên cứ cách khoảng 2-3 ngày chị thu hoạch được trên dưới 80 kg rau, có lúc cao điểm lên đến hơn trăm ký. Thương lái đến tận nhà thu mua với mức giá từ 7.000-10.000 đồng/kg. Mỗi tháng, chị thu về hơn 8 triệu đồng.
Chia sẻ về cách trồng rau đắng, chị Út cho biết: "Mình đào xuống hơn 1 lớp vá (khoảng hơn 1 gang tay), phủ cao su lên rồi bơm bùn dưới đáy mương lên trồng rau. Rau đắng đặc biệt ưa đất bùn ẩm nên phát triển rất tốt, cọng mập ú và mướt lắm. Cắt qua một đợt là mình dọn bỏ lớp bùn cũ bơm bùn mới lên, làm như vậy rau sẽ tốt, không ra bông, bán có giá hơn. Cứ 6 tháng thì thay lớp cao su mới để đảm bảo giữ độ ẩm cho rau. Mình trồng phải chia ra từng luống, từng đợt để dễ chăm sóc, thu hoạch và cũng dễ bán nữa".
Vốn tính cần cù, chị Út còn tận dụng hết những chỗ đất còn trống để trồng chen rau má và rau ngót. Làm chơi mà ăn thiệt, mỗi tháng, chị bỏ túi thêm gần 4 triệu đồng từ tiết kiệm đất. Có thêm thu nhập mỗi ngày, anh chị khỏi phải lo tiền sinh hoạt như trước. Cảnh bán cá non cũng không còn, lợi nhuận từ việc nuôi cá tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây chỉ độc canh con cá, thu nhập mỗi năm chỉ khoảng hơn 50 triệu đồng, giờ đây nhờ lấy ngắn nuôi dài mà anh chị thu về gần 200 triệu đồng/năm.
Chỉ tay về phía đám rau đắng xanh mướt, anh Trần Văn Lành vui vẻ: "Ngày mai cắt bán luống rau này nè, lái dặn hết rồi, thấy vậy chớ cắt hết cũng được gần trăm ký đó. Hai vợ chồng mần từ tờ mờ sáng đến hơn 7 giờ là xong, giao cho người ta luôn. Tiền bán rau dư sức nuôi 2 thằng con đi học, chi phí trong nhà, rồi mua thức ăn cho cá nuôi nữa. Vợ chồng tôi còn muốn trồng thêm nhiều nữa mà tiếc là hết đất rồi".
Nhận xét về gia đình anh Lành, chị Út, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành, nói: "Hai vợ chồng chịu khó mần ăn lắm, không bỏ trống mét đất nào, là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền đó".
Như để minh chứng cho việc “là nông dân không bỏ trống mét đất nào”, ông Hùng chỉ tay về hướng mé mương nói tiếp: "Ðó cái chuồng gà mới xây dưới mé vì trên bờ hết đất rồi, anh Lành đang nuôi gà nòi lai chắc cũng sắp bán được. Hội Nông dân phường đang có kế hoạch thành lập tổ hợp tác trồng rau màu ở Khóm 3 để giúp bà con phát triển kinh tế, hộ này sẽ là tổ viên nòng cốt đây"./.
Bài và ảnh: Khả Ái