Nhà thơ Tản Ðà từng cảm thán: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, ấy vậy mà chính ông, cùng biết bao người suy nghĩ như ông vẫn sống và chết cùng thứ rẻ bèo ấy. Người ta gọi đó là cái nghiệp, người nghệ sĩ đâu cách nào khác phải như con tằm, rứt ruột để nhả tơ, nhả cho tới chết và sung sướng với cái chết ấy.
Nhà thơ Tản Ðà từng cảm thán: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, ấy vậy mà chính ông, cùng biết bao người suy nghĩ như ông vẫn sống và chết cùng thứ rẻ bèo ấy. Người ta gọi đó là cái nghiệp, người nghệ sĩ đâu cách nào khác phải như con tằm, rứt ruột để nhả tơ, nhả cho tới chết và sung sướng với cái chết ấy.
Theo bước chân đi của những cây bút văn chương Cà Mau trong những năm qua, có không ít những niềm tin và cũng không ít những băn khoăn. Anh em viết văn Cà Mau cơ bản thống nhất rằng, “sống bằng văn chương rất khó”, hoạ chăng ở đất Cà Mau này chỉ có Nhà văn Ngọc Tư là làm được điều đó.
Các tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Lê Minh Nhựt. Ảnh: VŨ TRÂN chụp lại |
Nhà văn Nguyễn Thanh gởi gắm niềm tin vào nhiều cây bút tiếp nối, trong đó đã có những cây bút thành danh và khẳng định được vị trí trên văn đàn cả nước. Trong mươi năm trở lại đây, cái tên Nguyễn Ngọc Tư gây được sự chú ý nhất, làm tốn giấy mực không biết bao nhiêu nhà phê bình, nghiên cứu. Phải nhìn nhận rằng, Nhà văn Ngọc Tư không phải là một hiện tượng. Không thể nhìn vào trình độ học vấn (Nhà văn Ngọc Tư chưa tốt nghiệp cấp 3) mà áp ngay vào cái nhìn cực đoan, một chiều rằng người ấy khó có thể trở thành nhà văn lớn được. Quá trình sáng tạo có một quy luật bất biến đó là chẳng có quy luật và giới hạn nào cả. Sức sáng tạo và tiềm năng của mỗi người đều là vô hạn, tuy nhiên, có rất ít người khơi mạch được nguồn năng lượng ấy.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trước tiên được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, có “gen di truyền viết lách”. Tố chất văn chương được truyền trực tiếp từ người cha ruột, một cây bút năng nổ trong giới báo chí, văn nghệ kháng chiến Cà Mau. Hồi học cấp 3, Nhà giáo Ưu tú Ðoàn Thị Bẩy, nguyên giáo viên dạy văn cho Nguyễn Ngọc Tư, đánh giá: “Ngọc Tư học lực cũng không có gì nổi trội”.
Vì hoàn cảnh gia đình, chị bỏ dở việc học, rồi đột nhiên, những truyện ngắn ký tên Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện ngày càng nhiều, những giải thưởng lớn đến liên tiếp và đỉnh cao (nếu có thể gọi là như thế) “Cánh đồng bất tận” xuất hiện. Nguyễn Ngọc Tư đột nhiên trở thành “người nổi tiếng”, một luồng gió lạ thổi tan đi những nhịp điệu nhàm chán của văn chương, nói một cách nào đó giống như sự xuất hiện của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn trước đó.
Người ta khen, người ta chê, người ta bình phẩm, mươi năm sau thì chỉ còn duy một thứ: Tất cả đều thừa nhận tài năng của Nguyễn Ngọc Tư. Chị có lối sống giản dị, chân thành và hoà đồng với mọi người. Chỉ có tư duy và cảm xúc của chị đặc biệt sắc sảo. Chị nhìn mọi thứ từ cuộc sống bằng cách nhìn vừa sâu sắc, vừa lạnh lùng, đôi khi là tàn nhẫn. Mọi thứ vẫn tồn tại như nó vốn có, tuy nhiên qua lăng kính của chị Tư, hình như mỗi thứ đều có một nguyên nhân, một dự báo tương lai, một kết cục nào đó.
Có lẽ chẳng gì là ngẫu nhiên, ngay cả trong sự ngẫu nhiên cũng là một cơ duyên được sắp xếp. Ngọc Tư thuộc tuýp phụ nữ của gia đình, chăm sóc chồng con chu đáo, sống hết trách nhiệm và tình yêu thương, quỹ thời gian còn lại chị dành cho văn chương. Từ truyện ngắn, tạp văn đến thơ và tiểu thuyết, nhiều thể nghiệm để tìm kiếm giới hạn sáng tạo của bản thân mình. Lối viết của chị, ngôn ngữ của chị không cầu kỳ nhưng thường làm người ta giật mình. Cuộc sống có quá nhiều thứ, và vì thế người ta hay quên, chị Tư chỉ việc gõ đúng từ khoá, gợi lên sự nhớ nhung, sự phản tỉnh cho người đọc, thế là từng câu chữ lại rớt xuống tận tâm can.
Lê Minh Nhựt lại là một câu chuyện rất vui. Văn chương Cà Mau vui vì có thêm một cái tên sáng giá, còn riêng anh, một điều rất cụ thể: Ðược viết văn là niềm vui không gì sánh được. Văn chương Minh Nhựt cắc cớ, có nhiều chi tiết ngộ nghĩnh, nhưng nghiệm lại là rất nhiều ưu tư nhân thế. Minh Nhựt nhìn mọi thứ đều có “vấn đề”, anh nói “đã viết văn là phải cho thật “đã”".
Nhìn anh lúc nào cũng “rầu rầu”, không phải là mệt mỏi hay không sắp xếp được công việc mà là những ý tưởng văn chương “loạn xị ngậu” trong đầu. Văn Minh Nhựt độc đáo nhất là chi tiết, có những chi tiết đọc xong khiến người ta “lộn ruột”. Ví như cảnh bà ngoại đi cấy đêm khuya, theo nhịp cấy, tiếng “bì bõm” cứ vang lên, bà ngoại cứ tưởng là ma nhát, nhưng ai ngờ đó là "bộ ngực chảy xệ xơ mướp của bà” cứ cúi xuống lại chạm vào mặt nước mà tạo nên âm thanh “tếu táo” ấy. Câu chuyện gợi vui, nhưng đằng sau đó là hình ảnh của một bà ngoại cả đời khổ cực, vất vả nuôi lớn cháu con.
Còn một số cây bút “triển vọng” khác như Cẩm Nhung (vừa đoạt giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn ÐBSCL), Nguyễn Thị Việt Hà… Mỗi người một phong vị, một cá tính, và điều chắc chắn là mỗi người đều đang tìm cho mình những đỉnh cao mới trong công việc sáng tác văn chương. Mạch chảy xuyên suốt ấy đang tạo nên đời sống văn học khá sôi động ở mảnh đất Cà Mau.
Tuy nhiên, như đánh giá của nhiều nhà văn “xứ khác”, văn chương Cà Mau nói riêng, của ÐBSCL nói chung là “hiền quá”, thiếu những góc cạnh, thiếu sự vượt trội về cấu tứ, ý tưởng và cách thể hiện. Chặng đường sắp tới, những cây bút Cà Mau chắc phải còn cố gắng rất nhiều…
Phạm Nguyên