Nhân viên Thú y xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm mới tái đàn.
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường làm cho gia súc, gia cầm không kịp thích nghi với môi trường nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Thời điểm này đòi hỏi người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, mặc dù từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh tương đối ổn định, không xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh thông thường như: thương hàn, phó thương hàn, tụ huyết trùng … đã xuất hiện rải rác tại một số địa phương. Dù chưa xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm, nhưng do nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn, trong khi mới đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh khác trong khu vực nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh vào đầu mùa mưa.
Nhân viên Thú y xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm mới tái đàn. |
Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cái Nước Lý Hùng Hiển cho biết, huyện đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đạt gần 90%, thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các phương pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng ý thức của một số hộ dân chưa cao. Thậm chí, nhiều hộ dân khi nhập đàn mới về nuôi, nguồn gốc con giống không rõ ràng, song vẫn chưa quan tâm tới tiêm phòng, khi có hiện tượng gia súc, gia cầm bệnh thì tự đi mua thuốc về chữa trị, không khai báo với ngành chức năng.
Ðiều đáng lo ngại nhất là trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều nơi giết mổ gia súc, gia cầm chưa tập trung, tình trạng mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh vẫn còn diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng không tốt đến đàn vật nuôi vì dễ lây lan dịch bệnh.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy cho biết: "Chi cục thường xuyên tổ chức các tổ, đội kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm dịch vận chuyển, kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Ðồng thời, chi cục cũng cử nhân viên cùng mạng lưới thú y cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến tận xóm, ấp, trong đó xác định trọng điểm vùng có nguy cơ cao là các xã đã từng xảy ra dịch bệnh, xã chăn nuôi nhiều, khu vực buôn bán, trung chuyển, vận chuyển động vật, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm kịp thời khi có gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân, thông tin đầy đủ kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh trên địa bàn đến tận người dân".
Ðể nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cái Nước Lý Hùng Hiển khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt “năm không”: không giấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc, gia cầm bệnh, chết ra ngoài môi trường chung quanh. |
Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của tỉnh, Bộ NN&PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đề phòng dịch bệnh tái phát trong thời điểm giao mùa. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm cũng như làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng, đẩy mạnh việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Huy cho rằng, ngoài sự nỗ lực của các ngành chuyên môn, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức, nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm đầu mùa mưa. "Hiện nay, chúng tôi tập trung tăng cường công tác kiểm tra, bám sát địa bàn, theo dõi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức phòng dịch cho đàn vật nuôi. Tổ chức phun tiêu độc khử trùng cho đàn gia súc, gia cầm nhằm tránh mầm bệnh xâm nhập vào. Tăng cường tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về tác hại của dịch bệnh để bà con phòng tránh. Tôi khuyến cáo bà con không sử dụng, giết mổ gia cầm, gia súc mắc bệnh. Nếu phát hiện có gia súc, gia cầm chết phải báo ngay cho cơ quan thú y để xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng", ông Huy cho biết./.
Bài và ảnh: Trúc Ly