Những cơn mưa rải rác đầu mùa buổi chiều làm thời tiết oi bức như dịu hẳn. Lưng trần, làn da rám nắng, ông Khanh (Nguyễn Hải Khanh, ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cùng các nhân công vẫn đang tất bật với việc sản xuất tơ dừa khô. Ðó là người đàn ông vừa hoạt bát vừa cởi mở.
Những cơn mưa rải rác đầu mùa buổi chiều làm thời tiết oi bức như dịu hẳn. Lưng trần, làn da rám nắng, ông Khanh (Nguyễn Hải Khanh, ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cùng các nhân công vẫn đang tất bật với việc sản xuất tơ dừa khô. Ðó là người đàn ông vừa hoạt bát vừa cởi mở.
Ngắm nhìn hơn 3 tấn tơ dừa khô đang chuẩn bị xuất hàng, ông Khanh bùi ngùi kể lại: “Ðứng trước tình hình giá tơ dừa khô sụt giảm nặng, hơn 50% so với thời điểm lúc đầu, liên tiếp 3 năm nay, những người sản xuất tơ dừa khô ở huyện đều chào thua. Họ bán tháo máy móc để gỡ lại chút vốn, vì không còn khả năng cầm cự”.
Cơ sở của chú Khanh xuất bán 4 tấn tơ dừa/nửa tháng. |
Chán nản trước tình cảnh sản xuất mà cầm chắc thua lỗ, những người từng gắn bó với nghề cả chục năm cũng quay lưng, một số chuyển sang nghề khác, một số trở về quê hương mưu sinh. Ông Khanh cho biết, nguyên nhân làm cho người làm nghề sản xuất tơ dừa khô thiệt hại là do giá cả quá thấp, cộng thêm phân dừa khô không tiêu thụ được. Mỗi chuyến xuất hàng chẳng đem lại đồng lời nào mà còn lỗ vốn. “Chúng tôi sản xuất cầm chừng, hy vọng thời gian giá cả sẽ lên lại nhưng không ngờ liên tiếp mấy năm liền giá vẫn thấp như vậy, chỉ 3.000 đồng/kg (giảm hơn so với trước 4.000 đồng/kg), vì vậy, những người trong nghề, ai cũng mắc nợ. Riêng tôi, 2 năm liền lỗ hơn 100 triệu đồng”.
Nợ bạc trăm triệu, tình hình sản xuất chưa có chiều hướng khả quan nhưng ông Khanh vẫn quyết duy trì đến cùng. Ông suy nghĩ: “Thấy thua lỗ rồi chuyển sang làm nghề khác như thu mua phế liệu hay làm mướn cho người ta cũng không khá gì lại cực khổ hơn. Thôi thì, thà mình làm mướn cho mình mà khoẻ, không lệ thuộc ai. Hơn nữa, làm cái gì cũng phải kiên trì, nhẫn nại, thấy khó khăn rồi bỏ cuộc thì chẳng bao giờ thành công”.
Trong cảnh khó khăn chồng chất, ông Khanh chạy khắp nơi mượn tiền của người quen. Ðể giảm bớt chi phí sản xuất, thay vì mướn nhân công nhiều như trước đây thì ông tự làm, làm không ngơi nghỉ. Ông tâm sự: “Nhớ lại lúc đó, để tiết kiệm chi phí mướn nhân công, tôi vừa ở trên đưa dừa vào máy vừa nhảy xuống dưới để gom phân. Làm suốt ngày suốt đêm, có khi một mình làm được 500 kg tơ dừa luôn. Việc nào tự làm được, tôi đều làm hết, không mướn người như trước, nhờ vậy, mới cầm cự được”.
Mặc dù giá tơ dừa khô hiện nay vẫn chưa lên nhưng ông đã thấy được niềm vui trở lại, khi phân dừa tìm được thị trường tiêu thụ. Lúc trước, phân dừa sản xuất ra chẳng ai mua, phần cho hàng xóm hoặc bỏ đi. Nay, bao nhiêu phân dừa làm ra cũng tiêu thụ hết. Không chỉ người dân trong huyện mà ở các địa phương khác cũng đến tìm mua. Ðiều ông Khanh dự đoán trước đây cuối cùng đã thành hiện thực. Ông chia sẻ: “Tôi kiên quyết không bỏ nghề này, vì tôi nghĩ, sớm muộn gì phân dừa cũng sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường. Giờ, trồng lúa toàn thu hoạch bằng máy, rơm rạ đa phần đốt hết, phân bón tự nhiên không đủ đáp ứng cho trồng trọt. Khi đó, phân dừa sẽ là đối tượng người dân tìm đến. Vì sử dụng loại phân này trong trồng trọt rất tốt. Nhiều người dân là mối quen cho biết, sử dụng phân dừa kết hợp với tro trấu trồng hoa màu rất hiệu quả”.
Theo lời bộc bạch của ông Khanh, sở dĩ cung không đủ cầu vì hiện nay số lượng cơ sở sản xuất tơ dừa khô trong tỉnh rất ít, còn ở huyện Trần Văn Thời hiện chỉ có duy nhất cơ sở của ông. Ông phấn khởi khoe: “Trung bình nửa tháng sản xuất ra 1.000 bao phân (15 kg/bao), mỗi bao có giá 16.000 đồng nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Ða phần họ mua về để trồng hoa màu sạch, trồng kiểng, nông dân ở huyện U Minh thì mua về để trồng lúa”.
Ông Khanh làm công việc sản xuất tơ dừa đã được 8 năm nay. Trung bình nửa tháng, cơ sở của ông xuất 4 tấn dừa, thu nhập 12 triệu đồng, trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, ông còn lời chút đỉnh, cộng thêm nguồn thu nhập từ phân dừa bán được, cuộc sống gia đình cũng thoải mái hơn nhiều so với trước đây. Tuy làm ăn theo hình thức bao tiêu sản phẩm nhưng khách hàng cũng khắt khe. Tơ dừa làm ra bị dợn sóng, không bóng mượt sẽ bị trả lại hoặc giảm bớt tiền. Thế nhưng, bao năm trong nghề, cơ sở của ông luôn đảm bảo chất lượng. Bởi lẽ, máy móc có bị “bệnh” gì, ông đều “bắt mạch” trúng ngay. Vì vậy, vừa vận hành máy móc thuận lợi, vừa giảm bớt chi phí sản xuất.
Trung bình, hằng tháng cơ sở của ông Khanh có 3-4 nhân công phụ nghề, với mức lương ổn định 3 triệu đồng/tháng. Có thời điểm khách hàng cần sản phẩm gấp, số lượng nhiều, cơ sở của ông thuê tới 10 lao động, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động trong vùng. Không chỉ vậy, ông còn đem đến nguồn thu nhập cho bà con trồng dừa trong và ngoài địa phương. Trước đây, vỏ dừa khô chỉ có thể sử dụng làm nguyên liệu đốt hoặc làm phân trồng cho cây thì mấy năm nay, bà con trồng dừa có thêm chút thu nhập, trang trải cuộc sống.
Tuy không khá, giàu như người khác nhưng ông Khanh hài lòng với những gì mình đang có. Vượt qua bao chông gai, thử thách của nghề, cuối cùng ông đã tìm được hướng đi mới trong phát triển sản xuất. Với ông, chẳng niềm hạnh phúc nào bằng khi mình đã thành công từ những thất bại./.
Bài và ảnh: N.Minh