(CMO) Dù nằm trên địa bàn thành phố nhưng nhiều tuyến dân cư ở một số ấp của TP Cà Mau vẫn gặp khó khăn về nước sinh hoạt mỗi khi đến mùa khô.
“Trước đây, xã có 2 trạm cung cấp, do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường đầu tư nhưng đã không còn sử dụng hơn 4 năm qua. Địa hình giáp ranh sông Gành Hào, nguồn nước mặn quanh năm, thêm vào đó những năm gần đây tình trạng xâm nhập mặn diễn biến ngày càng trầm trọng, dù đã quyết liệt tìm cách khắc phục trong nhiều năm qua nhưng một số nơi trong xã Định Bình vẫn còn thiếu nước ngọt sinh hoạt vào đỉnh điểm mùa khô. Hiện tại, chỉ có hơn 6,5 km đường ống nước sạch được dẫn về đến xã nhưng chỉ có 3 ấp là có nước sạch, còn lại 6 ấp vẫn sử dụng nước giếng khoan”, Chủ tịch UBND xã Định Bình, TP Cà Mau Đặng Văn Nam thông tin.
Nỗi lo mùa khô
Hai năm trở lại đây, nước sinh hoạt là nỗi trăn trở của nhiều hộ dân tại ấp Bình Thành khi bước nào mùa khô, bởi những tác động ngày càng nghiêm trọng của tình trạng xâm nhập mặn. Nếu trước đây, nguồn nước từ giếng khoan sâu khoảng 70 m là bà con sử dụng được, nhưng hiện nước ở độ sâu này đã không còn dùng được. Do đó, nhiều hộ dân đành phải bỏ giếng khoan cũ vì đã nhiễm phèn, nước đã bắt đầu xuất hiện vị mặn.
Đơn cử như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Đọt, ở ấp Bình Thành, xã Định Bình. Chị Đọt ngậm ngùi: “Có nỗi khổ nào bằng không có nước ngọt sinh hoạt. Vợ chồng tôi gia cảnh cũng không mấy khá giả, khoan được cây nước xài là mừng dữ lắm. Ai dè mấy năm nay tự nhiên nước bơm không xài được. Bơm lên thì trên mặt có 1 lớp như ván phèn, vị thì mặn”.
Trước đây, giếng khoan nhà chị Đọt đã được khoan sâu đến 80 m, nhưng giờ thì chẳng ăn thua gì. Giếng khoan “không tác dụng”, gia đình chị phải kéo nước nhờ từ nhà người thân, nhưng cũng không dám uống hay nấu ăn.
Trên cánh đồng thất mùa, ông Nhân cố gắng “mót” thu nhập từ những cuộn rơm. |
Ông Nguyễn Văn Minh, ấp Bình Thành, trần tình: “Ở đây nước để xài và tắm giặt thôi chứ uống hay nấu ăn ít ai dám. Bơm lên nó phèn, mặn thì sao dám sử dụng. Nhà tôi mưa xuống là huy động hết vật dụng chứa nước mưa để uống, nấu ăn, nhưng làm sao đủ cho hết mùa khô. Giờ cả nhà 5, 6 người chỉ còn đúng 1 cái kiệu nhỏ thôi. Chắc cầm cự chỉ hết tháng này là hết luôn. Những lúc thiếu nước đành phải đổi nước bình”.
Trưởng ấp Bình Thành Nguyễn Hoàng Thanh bộc bạch: “Tuyến nước ngọt chưa thể về đến ấp nên còn gây khó khăn cho nhiều hộ dân nơi đây. Các giếng khoan tại đây đa phần đều bị nhiễm phèn, mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Khoan 1 giếng hiện tại có giá 6-7 triệu đồng, nhiều gia đình không có khả năng. Thêm vào đó, những năm gần đây do nhiều tác động mà các tầng nước ngầm bị nhiễm mặn, làm cho bà con càng chật vật hơn khi vào đỉnh điểm mùa khô”.
Thiếu nước vẫn tái diễn
Là vùng ngọt hoá, xã An Xuyên có được điều kiện thuận lợi phát triển diện tích trồng lúa. Tuy nhiên, nghịch lý có nước sinh hoạt thì nguồn nước sản xuất lại khan hiếm. Tầm khoảng tháng 10, khi nước ở các con kênh phục vụ sản xuất bắt đầu cạn cũng là lúc bà con nơi đây phải gồng mình chống hạn trên các cánh đồng.
Tay chỉ về phía cánh đồng, ông Nguyễn Thanh Nhân, Ấp 4, xã An Xuyên, thở dài: “Độ cuối tháng 10 âm lịch là lúa trổ bông mà nước ở gốc lúa bắt đầu cạn kiệt. Cây còn không sống nổi thì sao trổ bông. Thu hoạch xong hầu như nhà nào trong xóm cũng than mất mùa. Năm nay, diện tích lúa nhà tôi gần như mất hơn 50% năng suất”.
Anh Hậu cố gắng chăm bón rau màu vào mùa khô. |
Dọc theo tuyến Ấp 4, xã An Xuyên, Kênh Đứng và Kênh Ngang vào mùa khô thì không thể phục vụ nước sản xuất cho trên 200 ha trồng lúa. “Nhà nào cũng bơm nước từ 2 con kênh này thì nước làm sao đủ. Nhìn lúa thất thu mà chúng tôi đành ngậm ngùi thôi chứ không có cách nào cứu kịp”, ông Nhân bộc bạch.
Với diện tích trên 1 ha trồng màu nhưng HTX Thuận Điền, Ấp 8, xã An Xuyên chỉ trồng hơn 8 ngàn mét vuông hoa màu vào mùa khô. Trên nền nhiệt đỉnh cao trên 30oC, lượng nước bốc hơi nhanh nên người trồng luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng cứu.
Anh Nguyễn Văn Hậu, Ấp 8, xã An Xuyên, tâm sự: “Mỗi vụ màu, nông dân cần linh động trong cách chăm sóc. 1 năm 3 vụ thì mùa hạn là lúc chúng tôi tốn công chăm sóc nhiều nhất. Nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao có thể gây cháy lá, héo dây, khô đất nên từ đầu vụ này chúng tôi đã chủ động theo dõi thường xuyên. Những năm gần đây, mùa khô thường đến sớm và kéo dài, do đó, các thành viên phải dồn sức chăm sóc mới mong có được vụ màu thắng lợi”.
“Thời gian gần đây, mùa khô đến sớm và kéo dài đã gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nhiều tuyến ấp tại địa bàn. Nhất là vụ đông xuân năm nay, tại Ấp 4 có trên 82 ha trồng lúa bị thiệt hại do thiếu nước, năng suất giảm khoảng 40-50%, có nhà gần như mất trắng. Do đó, thời gian tới địa phương sẽ chủ động triển khai, động viên bà con bám sát lịch thời vụ, theo dõi dự báo thời tiết để có hướng sản xuất phù hợp, hiệu quả”, Phó chủ tịch UBND xã An Xuyên Nguyễn Thị Ngọc Thuỳ thông tin./.
Hằng My