ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 3-12-24 23:57:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thoát nghèo nhờ khéo chăn nuôi

Báo Cà Mau Cẩn thận lượm từng quả trứng bỏ vào rổ, nông dân Lâm Văn Hùng, ấp Ô Rô, xã Tân Ân, phấn khởi: “Bầy vịt 150 con đẻ mỗi ngày từ 90-100 trứng, bán với giá 35 ngàn đồng/chục, cũng đủ trang trải sinh hoạt. Thấy nuôi hiệu quả, đầu tháng 3 rồi, gia đình đã mạnh dạn gầy đàn thêm 100 con gồm vịt đẻ trứng và vịt thịt. Mong rằng vụ nuôi thuận lợi để kinh tế gia đình ổn định hơn”.

Cuối năm 2022, gia đình ông Hùng được địa phương hỗ trợ 50 con vịt giống Hoà Lan mắt xéo từ nguồn vốn giảm nghèo. Sau hơn 5 tháng nuôi, vịt bắt đầu cho trứng, tạo nguồn thu nhập. Thấy hiệu quả, ông Hùng mạnh dạn lên Bạc Liêu mua thêm 100 con vịt giống cùng loại để phát triển đàn.

Ngoài thức ăn chính là lúa, ông Hùng tận dụng thêm các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như: cá tạp, cá phân, rau xanh, chuối cây băm nhuyễn... độn thêm cho vịt ăn. Nhờ đó, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, vịt cũng chắc thịt, cho trứng to, lòng đỏ nhiều hơn nên bà con địa phương rất ưa chuộng.

Ông Hùng cho biết: “Giống vịt này dễ nuôi, mau lớn, bự con, đẻ trứng sai và to hơn giống khác. Do vịt nuôi tại địa phương, cho ăn thức ăn sạch nên bà con yên tâm tiêu dùng. Vịt đẻ trứng ra ngày nào là bán hết ngày nấy, thậm chí không đủ nguồn cung. Riêng vịt thịt thì bán lai rai cho bà con gần nhà, cộng thêm cung cấp cho các mối lái ở chợ, cứ cách tầm 3-5 ngày là đem đi giao 1 đợt, không lo về đầu ra”.

Theo tính toán của ông Hùng, hiện tổng đàn vịt nhà ông lên đến 250 con. Nuôi vịt vừa bán trứng, vừa bán thịt, mỗi tháng ông bỏ túi từ 4-5 triệu đồng. Mức thu này khá ổn định và rất lý tưởng đối với hộ ít đất sản xuất, lớn tuổi, không nghề nghiệp ổn định như ông. Nhờ nuôi vịt, đến cuối năm rồi, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, không phải “tha phương cầu thực” như trước đây.

Bầy vịt đẻ mỗi ngày từ 90-100 trứng, bán với giá 35 ngàn đồng/chục, giúp gia đình ông Hùng có nguồn thu nhập khá.

Cũng như ông Hùng, nông dân Ngô Minh Thuỳ, ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân, đã vượt khó vươn lên từ mô hình kết hợp giữa đặt rượu và nuôi heo. Ông Thuỳ trải lòng, trước đây ít đất sản xuất, gia đình chủ yếu trông chờ vào việc ông đi bạn cho các chủ ghe đóng đáy, ghe lưới cá khoai, cào ốc gần nhà. Thu nhập bấp bênh, gia đình chuyển sang đặt rượu, tận dụng hèm rượu để nuôi heo với hy vọng thoát nghèo.

Theo ông Thuỳ, lúc đầu việc chăn nuôi gặp khó do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên heo chậm lớn, hay nhiễm bệnh, thường bị lỗ hoặc huề vốn chứ ít khi có lời. Không đầu hàng trước cái khó, ông đã dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do địa phương tổ chức. Ðồng thời, học hỏi trên báo, đài, đúc rút kinh nghiệm từ những người nuôi hiệu quả trên địa bàn. Trong quá trình nuôi, ông Thuỳ luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, tiêm ngừa đầy đủ và thường xuyên khử trùng, vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi, chỉ sau thất bại vài lứa heo đầu, liên tiếp hơn 17 năm qua, ông Thuỳ đã có những vụ nuôi thành công, kinh tế ổn định, lo cho 2 người con ăn học đến nơi đến chốn.

Đàn heo nhà ông Thuỳ đang phát triển tốt, dự kiến sau 2 tháng nữa sẽ xuất chuồng.

Theo kinh nghiệm của ông Thuỳ, hèm rượu có giá trị dinh dưỡng cao, kích thích tiêu hoá, giúp heo ăn mau lớn. Tuy nhiên, cũng cần trộn thêm các loại thức ăn xanh như cám gạo và rau muống để heo ăn khoẻ, ít bị bệnh, đạt chất lượng thịt tốt. Mỗi năm, ông Thuỳ nuôi 2 lứa heo, mỗi lứa từ 15-20 con, khi xuất bán có thương lái tìm mua tận nhà. Hiện nay, chuồng heo nhà ông Thuỳ có gần 20 con heo thịt, trọng lượng từ 60-70 kg, khoảng 2 tháng nữa tới lứa xuất chuồng. Ông Thuỳ nhẩm tính, trừ chi phí con giống, thuốc men, gia đình ông bỏ túi hơn 60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ðăng Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân, thông tin: “Toàn xã có hơn 150 hộ chăn nuôi, tập trung ở các ấp Nhà Diệu, Ô Rô, Rạch Gốc. Ðiều đáng mừng là, nhiều hộ chăn nuôi lâu năm, có kinh nghiệm xử lý, phòng ngừa dịch bệnh, tận dụng thức ăn xanh để giảm chi phí chăn nuôi, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cung cấp cho thị trường. Nhờ đó, đầu ra và giá cả ổn định, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập, thoát nghèo, phát triển kinh tế”.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; cách tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn, nói không với chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi; hướng dẫn bà con xây dựng chuồng nuôi kiên cố, an toàn sinh học; triển khai tiêm phòng, phun khử trùng, tiêu độc. Ðồng thời, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án và các nguồn vốn vay để hỗ trợ người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo để bà con có điều kiện phát triển kinh tế./.

 

Trúc Linh - Huỳnh Tứ

 

Cá về lúc hừng đông

Ở cửa biển Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời), lúc rạng sáng, hàng trăm tàu đánh bắt thuỷ sản cập cảng Sông Ðốc và các điểm thu mua, với khoang thuyền đầy các loại cá, mực... tạo nên khung cảnh mua bán tấp nập. Hàng chục xe tải lớn nhỏ chờ sẵn để lên hàng, chuyển về khắp các tỉnh, thành phố.

Biến kiến thức khoa học thành sản phẩm hữu ích

Trên nền tảng kiến thức khoa học - công nghệ có được, nhóm học sinh Trường THPT Tắc Vân (TP Cà Mau) làm ra chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại từ rau má lá sen. Mô hình này đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VII (2023-2024) và giải Nhất Cuộc thi Mời gọi vốn của CamaUP’24.

Làn gió khởi nghiệp trẻ

Xác định công tác đồng hành cùng thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Ðoàn - Hội, thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các xã trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ, tiếp lửa cho đoàn viên, thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế; nhiều thủ lĩnh Ðoàn đã tiên phong trong công tác này và gặt hái nhiều thành công, có thể nhân rộng trong cộng đồng khởi nghiệp trẻ.

Chạy nước rút thu ngân sách

Tuy còn 1 tháng nữa mới kết thúc chặng đường thu ngân sách năm 2024, nhưng đến thời điểm này, công tác thu ngân sách của tỉnh đã gần chạm đích. Ðây là kết quả từ sự chỉ đạo kỳ quyết của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của toàn ngành thuế, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương và hơn hết là sự đồng hành, chấp hành tốt nghĩa vụ, pháp luật của người nộp thuế.

Thanh niên Khmer làm kinh tế giỏi

Với ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh Kim Văn Vũ, dân tộc Khmer, ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi, đã không ngại khó, ham học hỏi, mạnh dạn lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để áp dụng, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá giả.

Kết nối, sẻ chia cùng phát triển

Câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp (DN) tỉnh Cà Mau ra đời từ mong muốn tạo sân chơi chung cho cộng đồng DN, nơi các doanh nhân có thể giao lưu, học hỏi và cùng hỗ trợ nhau phát triển. Từ nhóm nhỏ ban đầu chỉ khoảng 15 thành viên, CLB dần mở rộng và chính thức thuộc Hiệp hội DN tỉnh được gần 2 năm nay, hiện có hơn 60 thành viên. Các DN tham gia chủ yếu là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tôm càng xanh được giá, nông dân phấn khởi

Hiện nay, nông dân huyện U Minh bước vào vụ thu hoạch tôm càng xanh nuôi xen canh trong ruộng lúa. Mặc dù không gặp thuận lợi ở đầu vụ do ảnh hưởng nắng nóng, nhưng với sự chủ động của người dân trong khâu cải tạo đất và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên tôm nuôi phát triển tốt, năng suất khá. Không chỉ vậy, tôm bán có giá cao hơn trung bình các năm trước từ 40-50 ngàn đồng/kg nên người dân phấn khởi.

Chủ động sản xuất bền vững

Tại xã Lương Thế Trân, nếu 25 năm trước nông dân lén lút đưa nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm, thì nay một bộ phận người dân phải tìm cách ngăn mặn, giữ ngọt để gieo sạ lúa nhằm cải tạo môi trường, giúp sản xuất hiệu quả, bền vững hơn trước thách thức của biến đổi khí hậu và môi trường tự nhiên đang ngày càng ô nhiễm.

Lấy ngắn nuôi dài, cải thiện thu nhập

Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có 11/20 ấp thuộc lâm phần rừng tràm. Ðể nâng cao hiệu quả trong chăm sóc, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, người dân áp dụng nuôi trồng một số vật nuôi, cây trồng ngắn ngày, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

"Bám trụ" với nghề hầm than

Hợp tác xã Chế biến than 2/9 tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn hoạt động đã trên 20 năm. Ða phần không đất canh tác, nhiều người bôn ba từ xứ khác về đây lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng vì mưu sinh, những người lao động nơi đây vẫn bám trụ, hiện có 19 hộ duy trì làm nghề, mỗi hộ có từ 2-3 lò. Có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nên không còn đất cất nhà để tiếp tục theo nghề...