Gần tám năm làm trưởng ấp, hơn 50 năm sống ở xã Đất Mới, ông Đoàn Thành Công (Tám Công) hiểu về con người, vùng đất nơi đây như chính bản thân mình. Ông luôn trăn trở làm sao để nghề nuôi tôm của gia đình cũng như của bà con nơi đây phát triển bền vững. Và mô hình nuôi tôm nước tĩnh của ông đạt hiệu quả cao đã mở ra triển vọng mới cho bà con vùng đất này.
Gần tám năm làm trưởng ấp, hơn 50 năm sống ở xã Đất Mới, ông Đoàn Thành Công (Tám Công) hiểu về con người, vùng đất nơi đây như chính bản thân mình. Ông luôn trăn trở làm sao để nghề nuôi tôm của gia đình cũng như của bà con nơi đây phát triển bền vững. Và mô hình nuôi tôm nước tĩnh của ông đạt hiệu quả cao đã mở ra triển vọng mới cho bà con vùng đất này.
Ông Tám Công kể lại, lúc mới chuyển dịch cơ cấu sản xuất, vùng này nuôi tôm rất trúng. Bà con chỉ cần mở cống lấy nước vào đầu tháng và xả nước ra vào những ngày giữa và cuối tháng là có thể thu hoạch được tôm, cá. Mỗi con nước thu khoảng 5-7 triệu đồng/5 ha là bình thường.
Mô hình nuôi tôm nước tĩnh của ông Tám Công, xã Đất Mới cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Tuy nhiên, thời vàng son ấy giờ không còn nữa. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2007 đến nay, mỗi con nước thương lái đi cả xóm kiếm chưa được 10 kg tôm. Nguyên nhân là do nguồn nước ngày càng ô nhiễm, tôm giống kém chất lượng tràn lan nên việc nuôi tôm theo kiểu xổ nước coi như không có ăn.
Thực hiện mô hình nuôi tôm nước tĩnh, ông Công không áp dụng biện pháp sên sình như trước đây mà sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, cộng với nguồn con giống chất lượng, sạch bệnh, có quản lý về số lượng, mật độ nuôi… nên hạn chế đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Ông bộc bạch: “Điều cần lưu ý nhất trong mô hình nuôi này là phải phơi đất cho thật kỹ để cách ly nguồn nhiễm. Sau thời gian phơi đất thì đợi mưa xuống lấy nước mưa vào hoà lẫn với nước mặn ngoài sông đã qua xử lý với liều lượng thích hợp (độ mặn đo được khoảng 4-5%o). Con giống sau khi mua về phải vèo lại khoảng 20 ngày để tôm thích nghi với độ mặn của nước rồi mới thả ra vuông. Điều đặc biệt của mô hình này là cống được đóng suốt quá trình nuôi và con giống cứ thả bổ sung liên tục trong vụ nuôi để có thể thu hoạch liên tục.
Với diện tích gần 12 ha nuôi tôm theo cách này, lợi nhuận gia đình ông thu về từ 2 vụ nuôi là 500-600 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Khởi, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết: "Mô hình này đã qua được nhiều người dân áp dụng và cho kết quả khả quan. Hiện trên địa bàn toàn huyện có 33 mô hình hiệu quả, đáng kể là mô hình nuôi tôm, cua, sò kết hợp thu lợi nhuận khoảng 62 triệu đồng/ha; mô hình nuôi tôm nước tĩnh thu lợi nhuận khoảng 450 triệu đồng/năm/9 ha; mô hình nuôi đa con, trồng đa cây thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực tuyên truyền người dân phát triển mô hình nuôi tôm nước tĩnh, tôm - rừng kết hợp, tôm quảng canh cải tiến… để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất của người dân”.
Để mô hình nuôi tôm nước tĩnh được nhân rộng và phát triển bền vững hơn, ngoài việc hướng dẫn người dân cải tạo vuông tôm đúng kỹ thuật, thả tôm giống sạch bệnh và thả đúng lịch thời vụ, phơi đầm cắt vụ..., Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn sẽ hướng dẫn phương pháp bón cám, phân vào vuông tôm là quá trình bổ sung thức ăn gián tiếp, gây màu nước, từ đó giúp tôm có nguồn thức ăn tự nhiên và môi trường ổn định để phát triển.
Ông Trần Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã Đất Mới, cho biết: "Cách thả nuôi truyền thống đã qua nhiều rủi ro. Từ khi người dân chuyển sang áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm nước tĩnh thì ít rủi ro hơn, năng suất tôm nuôi tăng, thu nhập cũng tăng theo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, rủi ro về dịch bệnh cũng dần được đẩy lùi"./.
Bài và ảnh: Tâm Như