(CMO) Một mình bươn trải vươn lên từ cuộc sống khó khăn, lo cho 3 con ăn học thành đạt trở thành người có ích cho xã hội đã là rất quý, càng nể hơn khi biết chị Lê Thị Hồng Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nguyễn Huế, Chủ tịch HĐQT HTX thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm (ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) đang đồng hành giúp đỡ cho khoảng 20 chị em hội viên thuộc diện người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và hơn 70 lao động nhàn rỗi ở các địa phương lân cận có việc làm, thu nhập, vươn lên thoát nghèo chính đáng. Gia đình chị Phương ví như là nơi giúp những người yếu thế xoá bỏ rào cản mặc cảm, tự ti, tìm được giá trị cuộc sống và sống có ích, vững tin, hạnh phúc giữa cuộc đời.
Chị Hồng Phương nhớ lại thời điểm năm 2010, khi chị trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nguyễn Huế: “Trong những chuyến đi công tác cơ sở, đến từng nhà vận động chị em tham gia hội, tôi bắt gặp hình ảnh chị em khuyết tật sống khép kín, ngại tiếp xúc, hạn chế đi lại và chỉ biết phụ thuộc vào người thân, gia đình. Mỗi lần gặp là trong tôi đau đáu một nỗi niềm và khát khao có một nơi để chị em sinh hoạt, giao lưu, hòa nhập cộng đồng”.
Nhờ sự nhiệt tình, xuất phát từ tâm của chị Phương (thứ 2 từ trái sang) đã giúp hàng trăm chị em có việc làm và thu nhập ổn định.
“Chúng tôi đã có cuộc sống mới”
Ấp ủ khát khao trong thời gian dài, đến năm 2016 chị Phương thống kê được trên địa bàn ấp có đến 20 chị em khuyết tật và có ý tưởng đề xuất về xã thành lập CLB phụ nữ khuyết tật. Chị cũng nêu rõ định hướng kế hoạch sinh kế, giảm nghèo, tái hòa nhập cộng đồng cho chị em khuyết tật - một hành động rất nhân văn, nên nhận được sự đồng tình cao từ chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân.
Thật ý nghĩa đối với những người trong cuộc, họ không ngờ rằng mình có cơ hội vươn ra thế giới bên ngoài, xóa rào cản tự ti, làm ra tiền, sống có ích và góp công cùng gia đình vươn lên ổn định cuộc sống.
“Tôi đã trở thành con người mới, với cuộc sống mới, tươi sáng hơn…”, đây là một trong những lời tâm sự xúc động của chị Lê Thị Mười khi kể về cuộc đời mình. Chị Mười năm nay đã gần 50 tuổi, nhưng cân nặng chỉ tầm 30 kg do tay chân bị dị tật bẩm sinh. Chị Mười tâm sự: “Do chân tay yếu, đi lại khó khăn và hoàn toàn phụ thuộc người thân nên trước đây tôi chỉ thường nhốt mình trong nhà, làm việc nhỏ, nhẹ nhàng giúp gia đình, có khi nghĩ tiêu cực rằng mình chỉ là người vô dụng. Không có bạn bè, gặp người lạ tôi tìm nơi lẩn tránh, cũng chưa từng có một tình yêu trọn vẹn. Những tưởng cuộc đời mình khép lại trong vòng luẩn quẩn ấy… Thật may mắn khi tôi gặp được chị Phương, người phụ nữ có tâm, đã “thắp sáng” cuộc đời tôi. Chị là cầu nối đưa tôi ra thế giới bên ngoài, có cơ hội giao lưu, gặp gỡ những người bạn, chị em đồng cảnh ngộ, rồi được học nghề, truyền nghề, làm ra tiền. Từ đó, tôi trở thành con người mới, không còn mặc cảm, không còn tự ti, biết chăm sóc cho bản thân, tự tin giao tiếp với mọi người, không ngại chốn đông người, và càng cảm thấy hạnh phúc hơn khi bản thân làm ra những đồng tiền chân chính, làm chủ cuộc sống. Thật sự rất biết ơn chị Phượng, người đã giúp chúng tôi “tái sinh” thêm lần nữa”.
Một câu chuyện khác nhiều cảm xúc của chị Lê Kim Chung, ấp Kinh 6, xã Tân Bằng. Chị Chung thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, chị lâm trọng bệnh nhũng não năm 2005 và kèm theo nhiều căn bệnh khác như: viêm tụy, viêm ruột thừa, kéo dài hơn 18 năm qua. Chồng làm thuê, cố gắng chạy chữa bệnh cho chị Chung đến kiệt quệ tài chính, di chứng bệnh khiến chị bị liệt nửa người.
Chị Chung nhớ lại: “Lúc đó 2 con còn quá nhỏ, nghĩ rằng mình không thể vượt qua, rất may sức khỏe dần hồi phục, nhưng tay chân rất yếu, không làm được việc nặng. Nhờ gặp được chị Phương, chị động viên tham gia CLB phụ nữ khuyết tật, tham gia học nghề tại tổ hợp tác, nay là HTX thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm, tôi mới có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, tham gia các lớp dạy nghề: kết hoa vải, kết hoa thủy tinh, đan lục bình, cắt dây trói cua... rồi có việc làm, có thu nhập trang trải cuộc sống. Đến năm 2019, nhờ chị Phương vận động mạnh thường quân hỗ trợ cất được căn nhà mới, nay gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Hiện tại, chồng chị Chung làm nghề cân tôm thuê, thu nhập 150-200 ngàn đồng/ngày, riêng chị Chung vì tay chân phải yếu nên năng suất làm việc cũng hạn chế, chỉ bằng 1/3 so với người khỏe mạnh. Tuy vậy, chị Chung cũng rất vui, bởi chị từng nghĩ mình bất lực, bế tắc trong cuộc sống nhưng nay trở thành người hữu dụng, góp phần công sức nhỏ cùng chồng chăm lo kinh tế gia đình, rồi chị cũng có được căn nhà mới để an cư và lạc nghiệp về sau.
Chị Chung (bìa trái), chị Mười (thứ 2 từ trái sang) rất hạnh phúc khi được tham gia CLB phụ nữ khuyết tật, được kết nối học nghề, có việc làm, thu nhập ổn định.
Không chỉ cho riêng mình
Ngày 29/11 vừa qua tôi có dịp đến thăm nhà chị Phương. Chị Phương còn đầu tư hẳn gần 200 triệu đồng để xây dựng nhà khang trang làm trụ sở HTX thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm, kết hợp làm nơi sinh hoạt CLB phụ nữ khuyết tật, có khu vực riêng để trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX và một khu vực riêng để chị em, các cô ở gần tranh thủ giờ rảnh đến đây đan giỏ để kiếm thêm thu nhập.
Hôm ấy chị Phương vận động được 20 suất quà là nhu yếu phẩm và gạo để tặng cho chị em khuyết tật và hội viên khó khăn. Dịp này, chị thông tin vui vừa nhận đơn đặt hàng trên 2.000 sản phẩm lục bình từ công ty ở TP Hồ Chí Minh, nên hôm ấy chị em đến HTX nhận lục bình nguyên liệu về gia công khá đông, đa số mang về nhà làm để vừa tiện lo cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thắm, 73 tuổi, thành viên cao tuổi nhất tại cơ sở của chị Phương, cho biết: “Từng tuổi này nên đâu ai mướn mần gì, tôi ở nhà giữ cháu cũng rảnh rỗi thời gian nên lãnh lục bình về nhà làm, công việc này duy trì gần 7 năm nay, mỗi ngày kiếm được 70-100 ngàn đồng cũng quý rồi. Có đồng ra đồng vào cũng đỡ gánh nặng cho con cháu và có công chuyện làm cho khuây khỏa tinh thần. Riêng các cháu trẻ tuổi, nếu chuyên tâm cho công việc này mỗi ngày cũng kiếm được từ 100-150 ngàn đồng/ngày, ở tại nhà vừa giữ con, vừa đan giỏ vẫn làm ra tiền, không phải mất công đi tận Đồng Nai, Bình Dương làm”.
Chị Tiêu Việt Tiên, Phó Chủ tịch Hội LPHN tỉnh, cho biết: “Mô hình đan lục bình ở xã Tân Bằng, trong đó chị Phương đóng vai trò cốt cán, là mô hình xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp của huyện Thới Bình, đạt giải Nhì cấp tỉnh năm 2016. Từ ấy, chị Phương thành lập tổ hợp tác đan lục bình, kết hợp thêm một số nghề khác như: kết hoa vải, kết hoa thủy tinh, cắt dây trói cua... để chị em có thêm thu nhập. Đến nay vẫn duy trì, phát huy hiệu quả và nâng lên HTX thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm, với 12 thành viên chính thức (trong đó có 3 hội viên phụ nữ khuyết tật). Từ HTX, chị Phương kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức truyền nghề, dạy nghề, tạo việc làm cho chị em trong CLB phụ nữ khuyết tật ở ấp và trên 70 hội viên, lao động nhàn rỗi thuộc các xã lân cận như: Khánh Thuận, Nguyễn Phích (U Minh); Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Trí Phải (Thới Bình)... Điều đáng quý là chị Phương đã làm bằng tâm huyết, mang về lợi ích chung cho nhiều người, giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống”.
Theo chị Phương cho biết, hiện nay HTX thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm đã ký hợp đồng với 5 công ty, sản xuất 45 mặt hàng chủ lực, như: Giỏ đựng trái cây, giỏ hái trà, sọt rác, giỏ xách tay… được đan từ năn tượng và cây lục bình; cùng một số mặt hàng khác. Các công ty thu mua, đa phần sẽ thực hiện thêm công đoạn tẩy trắng, in hoa văn, sau đó xuất khẩu sang thị trường Úc, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc… Hướng tới, HTX sẽ tìm hiểu, học tập kỹ thuật tiên tiến để nâng cao giá trị sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường, góp phần nâng cao lợi nhuận cho thành viên HTX và người lao động.
Sản phẩm từ lục bình do các chị trong CLB phụ nữ khuyết tật và hội viên phụ nữ đan, nghề này giúp các chị có thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.
Chứng kiến đôi bàn tay chậm rãi, có phần khó khăn của chị Mười, chị Chung thắt, lận từng cọng lục bình, rồi đan thành những chiếc túi xách, chiếc giỏ, cái nón xinh xắn, chúng tôi mới thấy công việc của các chị không hề dễ dàng. Bởi nó cần cả sự khéo léo, tỉ mỉ để tạo ra những đường nét, hoa văn đều tay thì sản phẩm mới đạt yêu cầu, điều đó càng cho thấy các chị đã trải qua quá trình học tập, rèn luyện chuyên tâm, nghiệm túc, đặc biệt là sự kiên trì, nghị lực vươn lên. Hơn ai hết, chị Phương chính là người hiểu hết những giá trị của công việc này, cũng luôn là người truyền cảm hứng, động lực cho những người kém may mắn, người yếu thế vượt qua mọi rào cản, có cơ hội học tập, sáng tạo, tìm được giá trị bản thân, giúp người lao động khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng.
Nhắc nhớ một phần quá khứ, chị Phương chưa hưởng trọn niềm hạnh phúc vợ chồng, dẫn đến ly hôn, một mình chị bươn trải vươn lên từ khó khăn, nuôi các con ăn học thành tài, nay đã có gia đình riêng và việc làm ổn định. Chị cảm thấy mình thiếu may mắn nên mong muốn mang hạnh phúc, niềm vui đến mọi người, đặc biệt là đối tượng yếu thế. Từ đó, chị quyết tâm thành lập CLB phụ nữ khuyết tật, đến thành lập tổ hợp tác đan lục bình, nay nâng lên HTX thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm. Phần chị và thành viên HTX chưa thu về lợi nhuận nhiều, tuy nhiên chị Phương vẫn rất hài lòng và tâm huyết khi đã giúp hàng trăm lao động có nghề, việc làm và thu nhập.
Đồng thời, chị Phương cũng là cầu nối các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng được 8 căn nhà, trị giá trên 150 triệu đồng cho hội viên, phụ nữ khuyết tật nghèo, tạo thêm động lực cho các chị vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, trong 20 chị em của CLB phụ nữ khuyết tật, chỉ còn 3 chị thuộc diện nghèo do hoàn cảnh đặc biệt; có 2 hội viên trong tổng số 87 hội viên phụ nữ ấp thuộc diện nghèo; hiện tại các chị em cũng được tạo điều kiện tiếp cận vốn phát triển sản xuất, phấn đấu đến cuối năm 2023 xóa trắng hội viên nghèo.
Chị Phương vận động quà, tặng chị em trong CLB phụ nữ khuyết tật.
Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ. Để người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống, thời gian qua, tỉnh Cà Mau cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động khuyết tật trong cuộc sống và tạo việc làm. Riêng với việc làm của chị Phương có ý nghĩa hết sức nhân văn, góp phần thắp sáng niềm tin, nghị lực ở người khuyết tật, hội viên phụ nữ nghèo, giúp họ vượt lên chính mình, tạo dựng cuộc sống mới tốt đẹp./.
Loan Phương