Nếu như 3 năm trước đây, nông dân ở các xã Khánh Bình Đông, Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời khá hồ hởi, ồ ạt cùng nhau xây trụ xi-măng trồng thanh long, thì chỉ qua vài vụ thu hoạch, họ đã không còn mặn mà với loại cây này bởi rớt giá. Tuy nhiên, có một tín hiệu vui cho người trồng thanh long, đó là vào giữa tháng 12/2015, Công ty TNHH MTV Môi trường Tây Nam tỉnh Cần Thơ kết hợp với Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời đến khảo sát các vườn thanh long của nông dân hai xã Khánh Hưng và Khánh Bình Đông để ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Nếu như 3 năm trước đây, nông dân ở các xã Khánh Bình Đông, Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời khá hồ hởi, ồ ạt cùng nhau xây trụ xi-măng trồng thanh long, thì chỉ qua vài vụ thu hoạch, họ đã không còn mặn mà với loại cây này bởi rớt giá. Tuy nhiên, có một tín hiệu vui cho người trồng thanh long, đó là vào giữa tháng 12/2015, Công ty TNHH MTV Môi trường Tây Nam tỉnh Cần Thơ kết hợp với Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời đến khảo sát các vườn thanh long của nông dân hai xã Khánh Hưng và Khánh Bình Đông để ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Sau khi khảo sát, phía công ty sẽ chọn khoảng 20 hộ trồng thanh long để ký hợp đồng làm mô hình điểm. Dự kiến chậm nhất vào giữa tháng 1/2016 hợp đồng sẽ được ký kết. Theo đó, yêu cầu của phía công ty là trong quá trình trồng thanh long, từ khâu chăm sóc, bón phân đến thu hoạch, bảo quản đều phải theo một quy trình nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng, kích cỡ của trái, đáp ứng đúng quy chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Môi trường Tây Nam tỉnh Cần Thơ hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long cho nông dân. |
Theo tính toán của kỹ sư phía công ty, chi phí chăm sóc, phân thuốc, chong đèn cho ra trái cho mỗi trụ thanh long sẽ không quá 100.000 đồng và mỗi đợt thu hoạch sẽ mang về cho nông dân không dưới 1,5 triệu đồng. “Chúng tôi sẽ cho cán bộ kỹ thuật đến từng nông hộ để tập huấn kỹ thuật, sau đó sẽ có lịch trình sử dụng phân thuốc phù hợp, đồng thời khi thu hoạch, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm. Vào thời điểm chính vụ chúng tôi sẽ thu mua thấp nhất là 20.000 đồng/kg, còn nếu trái vụ lên đến 65.000 đồng/kg thanh long loại 1. Công ty làm theo một quy trình khoa học áp dụng kỹ thuật cao cho trái đúng tiêu chuẩn để trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Đinh Công Thuẩn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Tây Nam, cho biết.
Sau khi được tiếp xúc, trao đổi và phân tích những cái lợi mà mình được hưởng khi hợp đồng được ký kết, những hộ dân trồng thanh long ở hai xã Khánh Hưng và Khánh Bình Đông rất phấn khởi, tự nguyện tham gia làm mô hình thí điểm ngay tại vườn nhà mình. “Thời gian qua, những người trồng thanh long ở đây gặp khó khăn về phía đầu ra và bán không có giá, giờ được dịp công ty xuống ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tôi mừng lắm, an tâm sản xuất”, ông Tống Văn Hoành, hộ trồng thanh long ở ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng, vui mừng nói.
“Hội Nông dân huyện sẽ xúc tiến thống kê lại số trụ, số hộ trồng thanh long trong toàn huyện, sau đó cùng công ty phối hợp với các hộ trồng thanh long làm mô hình điểm, cũng như tập huấn kỹ thuật cho nông dân, sau đó tiến hành triển khai nhân rộng trong toàn huyện”, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, cho biết.
Với sự kết hợp này, người nông dân không chỉ an tâm đầu ra sản phẩm mà họ còn được tiếp cận với phương pháp trồng thanh long chuyên nghiệp theo hướng thâm canh bền vững. Đó là áp dụng khoa học - kỹ thuật tiến bộ, thay đổi cách làm truyền thống trước đây, nâng giá trị sản phẩm làm ra và cùng liên kết với nhau tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm thanh long huyện Trần Văn Thời trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Kiều Oanh