Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Những năm qua, huyện chỉ đạo ngành chức năng tập trung hướng dẫn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm, được đông đảo người dân hưởng ứng thực hiện và sản xuất đạt hiệu quả trong vụ mùa năm nay”.
Hơn 3 năm qua, địa phương tập trung vận động nông dân thực hiện chuyển đổi sang giống lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm, mang lại hiệu quả rõ nét.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: "Vụ lúa cấy trên đất nuôi tôm năm nay đạt gần 20.000 ha. Diện tích gieo cấy lúa ngắn ngày chiếm hơn 60% tổng diện tích gieo cấy, lúa đạt năng suất cao, được giá, mỗi công người dân lãi hơn 7 triệu đồng. Chủ yếu là các giống lúa như: ST24, ST25 và F lai. Trong đó, giống ST25 và F lai phát triển tốt, hạt dài, ít rụng, chịu mặn, phù hợp với trà lúa cấy trên đất nuôi tôm, thích hợp với điều kiện sản xuất của địa phương".
“Ðây là điều kiện tốt để thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện thời gian tới, đồng thời thay thế giống lúa mùa truyền thống trong những vụ sau. Hơn nữa, từ việc thực hiện mô hình, bà con đã nâng cao hiểu biết về sản xuất lúa ngắn ngày, chất lượng cao, nắm vững các kỹ thuật tiến bộ như: gieo mạ, nhổ và thảy lúa trong giai đoạn còn non và phòng trừ sâu bệnh, cách thức thu hoạch lúa đạt chất lượng tốt”, ông Phúc phấn khởi cho biết thêm.
Biển Bạch Ðông có hơn 1.000 ha lúa ST24, ST25 và F lai. Trong đó, 3 ấp: Hữu Thời, Nguyễn Tòng và Lê Giáo có nhiều hộ dân cấy lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm nhất; với hệ thống tưới tiêu, chống úng tốt và có kinh nghiệm từ sản xuất lúa - tôm nhiều năm liền, nên người dân nơi đây chăm sóc lúa đạt yêu cầu về chất lượng lúa hàng hoá, được các thương lái thu mua lúa với giá rất cao.
Ông Nguyễn Phi Thoàn, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông, cho biết: “Trước đây, người dân chủ yếu cấy các giống lúa thường và sản xuất lúa theo hướng tự phát. Còn bây giờ, bà con đã chọn cấy lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm, rất hiệu quả. Lúa đạt năng suất cao, bán được giá và đặc biệt là cải tạo ao đầm thả tôm nuôi kịp thời, đúng lịch thời vụ. Với kết quả thực tế lúa ST24, ST25 và F lai cho năng suất cao từ 40-50 giạ/công, tương đương 6-7 tấn/ha, cao hơn so với giống lúa thường tại địa phương và cao nhất từ trước đến nay”.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Hữu Thời, xã Biển Bạch Ðông: "Vụ mùa năm 2023, gia đình chỉ sản xuất 1,2 ha lúa cấy trên đất nuôi tôm, năng suất lúa đạt gần 50 giạ/công, trừ chi phí, lãi gần 7,5 triệu đồng/công, cao nhất từ trước đến nay".
Gia đình ông Nguyễn Minh Hiếu thu hoạch lúa F lai năng suất gần 50 giạ/công trên đất nuôi tôm năm 2023.
Phấn khởi trong ngày thu hoạch, ông Nguyễn Minh Hiếu, ấp Hữu Thời, xã Biển Bạch Ðông, cho biết: "Gia đình có 1,5 ha đất sản xuất, trước đây chủ yếu cấy giống thường ở địa phương, năng suất thấp và mất nhiều công chăm sóc, tốn chi phí phun thuốc chống sâu bệnh, nhất là thời điểm lúa trổ bông thường xuyên bị ngã đổ. Năm 2023, được chính quyền địa phương vận động cấy lúa ngắn ngày F lai trên đất nuôi tôm, đây là mùa đầu tiên tôi trồng lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm. Ban đầu cũng lo vì là thử nghiệm, nhưng khi chăm sóc, tôi thấy giống lúa này có nhiều ưu điểm như: ít sâu bệnh, năng suất cao và giá bán ra thị trường cũng cao hơn. Hiện tại, gia đình đang thu hoạch, năng suất đạt gần 50 giạ/công và thương lái đến thu mua tại ruộng với giá 8.600 đồng/kg, gia đình rất phấn khởi”.
Hiệu quả từ trồng lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm năm nay là tín hiệu vui. Từ đó giúp nông dân Thới Bình đẩy nhanh chuyển dịch, từ sản xuất lúa truyền thống sang sản xuất lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây lúa, bảo vệ tốt môi trường và thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện trong những năm tiếp theo./.
Huỳnh Măng