ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 07:05:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tin ở tương lai

Báo Cà Mau Vấp phải lỗi lầm và bị kết án 30 tháng tù ở tuổi 55, cứ tưởng cuộc đời ông Nguyễn Văn Lắm, ở ấp 11, xã Khánh An, huyện U Minh sẽ chấm hết, bởi mặc cảm tội lỗi của ông nặng nề hơn khi ông nghĩ đến truyền thống cách mạng từ dòng tộc. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của bản thân, sự an ủi, động viên từ những người thân trong gia đình và sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng, ông Lắm đã tìm lại được niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tốt đẹp.

Vấp phải lỗi lầm và bị kết án 30 tháng tù ở tuổi 55, cứ tưởng cuộc đời ông Nguyễn Văn Lắm, ở ấp 11, xã Khánh An, huyện U Minh sẽ chấm hết, bởi mặc cảm tội lỗi của ông nặng nề hơn khi ông nghĩ đến truyền thống cách mạng từ dòng tộc. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của bản thân, sự an ủi, động viên từ những người thân trong gia đình và sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng, ông Lắm đã tìm lại được niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tốt đẹp.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo có 12 anh em ở ấp 12, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời. Dù nhà nghèo nhưng anh em ông Lắm đều được cha mẹ cho ăn học. Có lẽ vì lo cho các con đi tìm con chữ mà gia đình ông rơi vào khó khăn. Là con trai trưởng, ông Lắm thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ nên xin được nghỉ học sau khi hết lớp 5 để trở về phụ giúp gia đình.

Nhờ được mọi người tin tưởng động viên mà giờ đây ông Lắm (người đứng bên phải) không chỉ vươn lên làm kinh tế giỏi mà còn trở thành người có ích cho xã hội.

Năm tháng qua đi, 11 người em của ông cũng ngày một khôn lớn. Ðó cũng là lúc ông Lắm lập gia đình để tạo dựng cuộc sống riêng. Sau ngày cưới, vợ chồng ông được cha mẹ cho ra riêng với tài sản là 1 nền nhà và 5 công đất ruộng. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc ruộng đồng, vợ chồng ông còn đi làm mướn cho bà con trong xóm. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ông cũng từng bước ổn định.

Rồi khi 9 người con lần lượt ra đời cũng là lúc gia đình ông lâm vào cảnh khốn khó, vợ con thường xuyên đau ốm. Ðể có tiền lo thuốc thang cho vợ con, ngoài việc lao động cực lực, 5 công đất cũng bị ông Lắm sang bán lại cho người khác. Năm 1997, ông Lắm quyết định dắt díu gia đình về xã Khánh An lập nghiệp. Tại đây, ông mượn đất trên tuyến đê bao quốc phòng, dựng chòi nhỏ để làm nơi nương thân cho cả gia đình. Hằng ngày, cả nhà ông đi làm thuê đắp đổi qua ngày. Con cái lớn khôn, yên bề gia thất nên gánh nặng trên đôi vai gầy gò của ông Lắm cũng giảm đi phần nào.

Cứ tưởng rồi cuộc sống gia đình ông sẽ được cải thiện, nhưng có ngờ đâu vào 1 ngày tháng 5 định mệnh. Giữa ông và ông Nguyễn Công Danh xảy ra tranh chấp đất, lúc này ông Danh làm bảo vệ sà lan cho công ty dầu khí đóng trên địa bàn xã. Trong lúc tức giận, ông Lắm hướng dẫn con cháu trộm chiếc sà lan mà ông Danh đang nhận giữ để ông Danh bồi thường. Nhưng có ngờ đâu, sự việc bại lộ, ông Lắm đành ngậm ngùi chấp nhận mức án 30 tháng tù giam từ đầu tháng 9/2005.

Ông Lắm ngậm ngùi: “Thời gian đầu ở tù, tôi toàn suy nghĩ chuyện tiêu cực, phần hụt hẫng, phần xấu hổ với bạn bè, gia đình và người thân. Suy nghĩ là vậy nhưng không ai từ bỏ tôi hết, tôi vẫn nhận được sự động viên, khuyên bảo của cán bộ quản giáo tại trại giam, gia đình, người thân, đặc biệt là vợ con. Tôi nhận ra rằng mình còn quá nhiều điều để làm, nhất là việc giáo dục con cái và đàn cháu thơ trở thành người có ích cho đời”.

Càng thương con, thương cháu, ông Lắm càng cố gắng nhiều hơn. Ngoài việc chấp hành tốt nội quy của trại, ông còn tích cực vận động anh em phạm nhân tham gia cải tạo, lao động. Từ đó, ông Lắm được cán bộ quản giáo tin tưởng, giao cho nhiều nhiệm vụ như quản lý phạm nhân, hướng dẫn anh em phạm nhân trồng rau, nuôi heo hay đi ăn ong ở tận rừng sâu. Bất cứ nhiệm vụ nào ông cũng cố gắng hoàn thành. Ngày 30/4/2007, vì thành tích học tập và cải tạo tốt, ông được ra tù trước thời hạn 11 tháng.

Buồn vui xen lẫn, ông trở về cuộc sống đời thường với khá nhiều bỡ ngỡ, xáo trộn khi phải đối mặt với hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không công ăn việc làm, mặc cảm, tự ti. Khi ấy ông lại tiếp tục nhận được sự động viên của gia đình, đặc biệt là sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của các cấp, ngành tại địa phương, ông Lắm đã gạt đi những lời thị phi, quyết tâm phấn đấu làm ăn.

Ông Lắm nhớ lại: “Chợt nhớ ra rằng xã Khánh An có rất nhiều sậy nên tôi bàn với vợ con đi hái bông sậy bán và hơn 1 năm tích luỹ được hơn 6 triệu đồng. Với số vốn này, tôi quyết định đi mua cừ tràm để bán lại cho người dân địa phương. Do quá ít vốn nên lời cũng chẳng được bao nhiêu. Sau này nhờ chính quyền địa phương thương tình giúp đỡ, đặc biệt là anh Bùi Văn Tửng, Trưởng Công an ấp 11 cho tôi mượn vốn để làm ăn, dần dần việc mua bán tràm của tôi được nhiều người biết đến nên ngày một phát triển và khấm khá hơn”.

Hiện nay, với nghề làm cừ tràm, mỗi tháng ông Lắm thu nhập từ 7-10 triệu đồng, những lúc cao điểm có khi lên đến 15-20 triệu đồng/tháng. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho gia đình, ông Lắm còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến các đối tượng sau khi thụ án trở về tái hoà nhập cộng đồng, bởi ông Lắm cảm thông và thấu hiểu được nỗi khổ của những người một thời lầm lỡ như mình.

Anh Lê Chí Nhân, một trong những người được ông Lắm giúp đỡ, chia sẻ: “Lúc mới thụ án về, tôi mặc cảm lắm, không dám đi đâu hết phần vì ngại, phần vì xấu hổ với bạn bè. Sau đó, tôi được chú Lắm đến động viên, an ủi, chú lấy chính bản thân ra giải thích cho tôi hiểu. Kể từ đó tôi mới lấy lại được niềm tin, rồi làm công nhân tại bãi cây của chú, trung bình mỗi tháng cũng được hơn 3 triệu đồng nên cuộc sống gia đình tôi giờ cũng ổn định, vợ chồng tôi thật sự mang ơn chú Lắm rất nhiều”.

Anh Bùi Văn Tửng, Trưởng Công an ấp 11, xã Khánh An, nhận xét: “Sau khi thụ án trở về, không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, chú Lắm còn quan tâm giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Ðặc biệt là việc thực hiện và giáo dục con cháu tham gia tích cực các phong trào ở địa phương, chấp hành tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thời gian gần đây, chú còn là một trong những cộng tác viên đắc lực của công an địa phương, tố giác kịp thời nhiều vụ tệ nạn xã hội trên địa bàn, giúp lực lượng làm nhiệm vụ kịp thời phát hiện và trấn áp để bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân”.

Với những gì làm được, ông Lắm thật sự là tấm gương sáng trong việc chấp hành án và tái hoà nhập cộng đồng. Chính vì thế mà tấm giấy khen của UBND huyện U Minh trao tặng cho ông tại lễ tuyên dương những người tiêu biểu khi trở về tái hoà nhập cộng đồng năm 2014 là phần thưởng xứng đáng./.

Bài và ảnh: Trần Thể

Ðổi mới để sản xuất hiệu quả

Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh, với hơn 62.000 ha, tuy nhiên, nhiều yếu tố tác động đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện tích cực đổi mới để sản xuất đạt hiệu quả. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Người bạn tin cậy phát triển

 “Báo chí là một kênh quảng bá, giới thiệu uy tín, tin cậy, có sức lan toả lớn đối với doanh nghiệp (DN). Báo chí trở thành diễn đàn, cầu nối để cộng đồng DN gởi gắm tâm tư, tình cảm, kiến nghị, đề xuất cho sự ổn định, phát triển. Báo chí góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, tạo ra sự liên kết, cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, góp phần xây dựng một cộng đồng DN Cà Mau ngày càng lớn mạnh”, ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, khẳng định.

Để hoạt động hợp tác xã đúng và tốt hơn

Sáng 23/6, Liên minh HTX tỉnh kết hợp với Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ hợp tác xã (HTX) miền Nam tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ kinh tế tập thể, HTX năm 2025.

Ðồng hành cùng nông thôn

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo nên những đổi thay mạnh mẽ, tích cực ở nhiều địa phương. Để đạt được những thành tựu đó, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, có vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM đi đúng hướng và đạt hiệu quả tích cực.

Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học để giảm thiểu áp lực

Thảo luận về việc lồng ghép giảm thiểu tác động đối với đa dạng sinh học trong thực hiện các giải pháp quản lý và các tiêu chuẩn quốc tế đã áp dụng trong mô hình; đề xuất, khuyến nghị các giải pháp quản lý có liên quan, các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với mô hình tôm - rừng Việt Nam” là những nội dung quan trọng trong khuôn khổ Hội thảo “Khuyến nghị giải pháp thúc đẩy chuỗi tôm - rừng bền vững tại Cà Mau theo hướng chứng nhận quốc tế và bảo tồn đa dạng sinh học”, diễn ra vào ngày 19/6. Hội thảo do Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau phối hợp với Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư tổ chức. 

Mạnh, giàu từ biển

Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: “Chú trọng phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng tái tạo nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo bứt phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững”. Ðến nay, mục tiêu vươn ra biển, làm giàu từ biển của Cà Mau đang dần được hiện thực hoá.

Niềm tin về nông nghiệp sạch

Tham quan mô hình trồng rau an toàn của nhiều hộ dân ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, những luống rau xanh mướt đang phát triển, ít ai biết rằng, để có được sự thay đổi tích cực ấy là cả hành trình đổi mới cách nghĩ, cách làm của nông dân, chuyển từ tập quán canh tác truyền thống sang mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của tỉnh được triển khai trong bối cảnh cả nước bước vào cuộc cách mạng mạnh mẽ với 2 mục tiêu lớn, đó là thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị và thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, ghi nhận đến thời điểm này, kết quả giải ngân của tỉnh còn khá chậm, cần giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ.

Tín hiệu tích cực từ dự án khôi phục nguồn lợi cá đồng

Xác định ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất là “chìa khoá” để thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, những năm gần đây, tỉnh Cà Mau tích cực triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp điều kiện tự nhiên địa phương. Một trong những điểm sáng là Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đồng tại tỉnh Cà Mau”.

Khởi động dự án đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại Trần Văn Thời

Sáng 12/6, tại huyện Trần Văn Thời, Hội Thuỷ sản tỉnh Cà Mau phối hợp với Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức lễ khởi động Dự án “Xây dựng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc”.