ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:49:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tính dị bản - điều thú vị trong tục ngữ, ca dao

Báo Cà Mau Văn học dân gian (VHDG) nói chung, ca dao, tục ngữ nói riêng, là những sáng tác tập thể của Nhân dân lao động. Nó được ra đời từ thuở xa xưa nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của Nhân dân và được lưu truyền từ đời này qua đời khác, nơi này qua nơi khác, chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Chính vì truyền miệng (lưu giữ trong trí nhớ) cho nên, mỗi người có thể “nhớ” không giống nhau, cốt lõi là nội dung tác phẩm, còn câu chữ thì không câu nệ.

Văn học dân gian (VHDG) nói chung, ca dao, tục ngữ nói riêng, là những sáng tác tập thể của Nhân dân lao động. Nó được ra đời từ thuở xa xưa nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của Nhân dân và được lưu truyền từ đời này qua đời khác, nơi này qua nơi khác, chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Chính vì truyền miệng (lưu giữ trong trí nhớ) cho nên, mỗi người có thể “nhớ” không giống nhau, cốt lõi là nội dung tác phẩm, còn câu chữ thì không câu nệ.

Cũng có khi do là sáng tác tập thể (không có bản quyền của một tác giả nhất định như văn học viết), nên Nhân dân ta thường coi nó như là sản phẩm chung, mỗi người có thể thêm thắt, thay đổi ít nhiều theo cách cảm, cách hiểu của riêng mình; hoặc để phù hợp với địa danh xứ sở mình... Tất cả những khác nhau đó được gọi là dị bản (nhiều bản khác nhau của cùng một tác phẩm). Ðây là một đặc trưng rất riêng, rất tiêu biểu chỉ có ở VHDG (văn học viết không có được).

Ở phạm vi bài này, chỉ nói đến một vài lý thú mang tính dị bản của tục ngữ, ca dao - là hai trong số rất nhiều thể loại của VHDG.

***

Hẳn nhiều người còn nhớ đến bài ca dao Tát nước đầu đình rất hay, rất ý nhị và được những nhà soạn sách giáo khoa đưa vào chương trình lớp 10 chỉnh lý năm 2000(*) (SGK mới hiện nay đã bỏ bài này). Gần đây, người ta lại tìm thấy thêm hai dị bản, một của Phú Yên, một của Bình Ðịnh. Về nội dung, cả ba đều là ca dao nói về tình yêu, xây dựng lời tỏ tình của chàng trai trên nền kết cấu “áo rách - nhờ khâu (vá) - trả công”. Nhưng ở chúng vẫn có những điểm khác nhau. Thứ nhất, về một số từ ngữ, lễ vật hỏi cưới trong hai bài ca dao sau mang tính đặc trưng riêng của địa phương. Chẳng hạn, bản của Phú Yên không nói “lợn” mà nói “heo”, không nói “khâu” mà nói “vá”, không “giúp đôi chăn” mà “giúp đôi áo”, không “đèo buồng cau” mà “đèo bông tai”... Tiếp nữa là hai bài ca dao sau không chỉ đề cập tới nội dung “giúp của” phục vụ cho hôn lễ mà còn “giúp của” dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Ðiều này ở bài Tát nước đầu đình (SGK lớp 10 chỉnh lý) không có.

Cảnh vật đồng quê luôn là đề tài vô tận của văn học dân gian.         Ảnh internet

Dưới đây là sáu câu cuối của dị bản ở Phú Yên:   

Giúp cho một rổ lá gai

Một cân nghệ bột với hai tô mè

Giúp cho năm bảy lạng chè

Cái ấm sắc thuốc cái bồ (ghè?) đựng than

Giúp cho đứa nữa nuôi nàng

Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui...                  

Rồi những buổi trưa nồng, ta hay nghe văng vẳng tiếng hát ru con:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá về đồng ăn cua

Nhưng một hôm ta lại nghe:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về kinh ăn cá về đồng ăn cua

Lại một hôm, ta nghe:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về bưng ăn ốc về đồng ăn cua

Thế là ta đem hỏi bạn bè. Rồi cãi nhau. Câu nào đúng? Xin  đừng cãi nhau làm gì, bởi đó là những dị bản. Chẳng ai đúng mà cũng chẳng ai sai. Quê anh có sông, anh hát về sông, tôi ở trong kinh, trong rạch, mà kinh rạch của tôi cũng nhiều cá, thế là tôi sửa lại thành về kinh. Ở Ðồng Tháp Mười có rất nhiều bưng biền, bưng biền ở đấy có nhiều ốc, thế là người ta lại sửa thành về bưng ăn ốc (chẳng ai cấm cản gì).

Tương tự như thế, câu ca dao:

Bao phen quạ nói với diều

Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm

Cũng có dị bản:

Bao phen quạ nói với diều

Cù lao ông Hổ có nhiều cá tôm

Hay:

Bao phen quạ nói với diều

Ði về trại đáy ăn nhiều cá tôm…

Một ngày giáp hạt, ta cùng mẹ vét những thúng lúa cuối cùng trong bồ đem đi chà gạo, vừa làm mẹ vừa rỉ rả:  

Vóc bồ thương kẻ ăn đong

Có chồng thương kẻ nằm không một mình

Ta nghĩ, trong lòng mẹ đang có sự đồng cảm đây!

Một hôm, ta lại nghe ông hàng xóm ngân nga:

Thóc bồ thương kẻ ăn đong

Có chồng thương kẻ nằm không một mình

Ồ, lại thêm một nghĩa khác? Ðúng là một nghĩa khác. Chỉ cần thay đổi một từ vóc và thóc mà đã thành ra hai nghĩa. Có người bảo, bài thứ nhất đúng hơn, có người lại bảo bài thứ hai đúng hơn. Bài thứ nhất chẳng qua là bị nói trại âm, từ thóc mà thành ra vóc (như kiểu trong câu chuyện hài về anh nông dân dốt, người ta nói phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí, anh nghe thành cuốc đất trồng khoai, quạ vô ăn chuối vậy!).            

 Trong  cuộc sống, ông bà mình cũng thường hay nói “Cái khó bó cái khôn” để chỉ những khó khăn nhiều khi lại trói buộc những dự định, hoài bão của con người. Nhưng cũng từ trong khó khăn, có người lại trăn trở, suy tính và cuối cùng tìm được hướng giải quyết, thế là họ lại bảo “Cái khó ló cái khôn”. Nhờ khó mà họ khôn ra, năng động hơn…

Rồi một hôm nào đó, mình lại nghe bà bảo chú mình:

Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về

Câu đầu thì hiểu được. Bởi ông bà mình cũng có câu “Uốn cây từ thuở còn non/Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”. Dạy con cái phải dạy ngay từ khi còn nhỏ, những bài học đầu đời luôn là những bài học có giá trị sâu sắc đối với trẻ. Nhưng còn câu sau? Tại sao lại là bơ vơ? À, có lẽ họ muốn nói khi người vợ mới về nhà chồng, còn lạ nước lạ cái, còn bơ vơ chưa có “đồng minh” nên nói gì cũng phải nghe, dạy gì cũng phải học (không dám cãi). Nhưng có người lại không đồng ý với từ bơ vơ mà họ sửa thành ban sơ. Họ cho rằng, ban sơ là ban đầu, là lúc cô gái mới về nhà chồng, dùng ban sơ dễ hiểu hơn. Dùng bơ vơ nghe tội nghiệp quá! Thế là lại có thêm một dị bản:

Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về

Tương tự như thế, câu tục ngữ Một lần sợ tốn bốn lần không đủ cũng có dị bản Một lần sợ tốn, bốn lần không xong.

*

Nhu cầu đời sống tinh thần là vô cùng phong phú. Ngày nay, xã hội phát triển, phương tiện sinh hoạt giải trí cũng đa dạng hơn. Tuy vậy, bên cạnh nhiều phương tiện giải trí hiện đại, VHDG vẫn âm thầm tồn tại, nhất là những câu tục ngữ, những bài ca dao, với dấu ấn hiện đại hơn, thời sự hơn. Và trong số ấy có rất nhiều bài được làm theo dạng “cải biên” từ những bài ca dao, câu tục ngữ cũ. Nội dung cải biên thường theo xu hướng trào phúng, châm biếm.

Ví dụ, ngày xưa dân gian thường bảo Có tiền mua tiên cũng được, ngày nay lại bảo Có tiền mua xe hơi cũng được, Có tiền mua Vila cũng được…

Câu tục ngữ Ði một ngày đàng học một sàng khôn được cải biên thành Ði một ngày đàng học một sàng mánh khoé.

Từ câu ca dao:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

thành:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Mẹ ơi mẹ hỡi mau mau gởi tiền

Từ câu:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon

thành:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp, lắc đầu… chê tanh

Từ câu:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ

thành:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Bên anh “sập xám”, bên nàng “tiến lên”…      

Ở dạng cải biên, có xếp vào loại dị bản hay không còn do ở các nhà nghiên cứu. Nhưng đây cũng là một đặc trưng khá tiêu biểu và hấp dẫn của VHDG thời hiện đại, chắc chắn sẽ còn nhiều thú vị, bất ngờ.

***

 Dòng chảy của VHDG là vô cùng vô tận, đồng thời nó cũng chứa đựng trong ấy muôn vàn điều lý thú. Riêng tính dị bản của tục ngữ, ca dao cũng là một đề tài vô hạn để ta khai thác. Không thể dùng một bản nào đấy của VHDG mà áp đặt, chỉ ra những đúng, sai của bản khác. Gần đây, trong một số chương trình giải trí trên một số phương tiện thông tin đại chúng có dùng tục ngữ, ca dao để đố, với yêu cầu điền từ cho sẵn vào chỗ trống và cho là đáp án thế này đúng, thế kia sai… (họ căn cứ theo một quyển sách VHDG nào đấy đã xuất bản). Thiết nghĩ, điều đó thiếu sức thuyết phục. Bởi như đã nói, đã là dân gian là có dị bản, đã có dị bản thì không có đáp án chung./.                                                                              

 (*) Do bài ca dao dài nên không đưa vào

Huyền Anh

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.