(CMO) Chị A.V chia sẻ, lúc mới sinh con, cháu khó, toàn ngủ ngày cày đêm, chị mệt mỏi, chỉ muốn ngủ. Có lúc con quấy quá, chị bỏ cháu qua một bên, nhìn con như sinh vật lạ. Tự hỏi: Nó là ai đây? Sao mình phải khổ với nó như vậy? Lúc đó, chị muốn đánh nó cho đến khi nín mới thôi. Nhưng rồi chị cố định thần, sợ hãi với suy nghĩ điên rồ của mình.
Stress nặng
Chị A.V ít sữa, thêm stress nên sữa ít dần. Người nhà bảo, ít sữa thì cho bú sữa ngoài. Con không tăng cân thì đổ lỗi do chị không có sữa nuôi con. Chị cố gắng ăn, dù ăn không nổi. Cố gắng hút sữa và làm mọi cách để sữa về, nhưng không cải thiện. Người nói ra, nói vào, chị cảm thấy áp lực vô cùng.
“Tôi chăm con theo khoa học và lời khuyên bác sĩ, còn ông bà chăm theo cách dân gian. Xung đột xảy ra, phận dâu con, tôi cam chịu, nên tìm mọi cách đưa con về nhà ngoại”, chị A.V bộc bạch. Theo chị, thời điểm sau sinh bé, chị thấy dễ tổn thương, dễ xúc động, có khi đêm nào cũng khóc. Được về ngoại, chồng chị do công việc, đường xa nên thi thoảng mới về thăm, chị trách chồng vô tâm, đã vậy còn chè chén, tụ họp bạn bè. Chị tự thấy việc chăm con là chuyện của riêng mình, có chồng làm gì? Đỉnh điểm của mọi căng thẳng là chị muốn ly hôn. Chị bày tỏ: “Con là con chung, chồng phải có trách nhiệm nuôi dạy chứ không phải ỷ lại ông bà rồi lơ là trách nhiệm”.
Với chị Q.T.N là một chuyện kể đầy nước mắt và ấm ức. 21 giờ đêm, chị phải ôm con rời khỏi nhà chồng, rất may, chồng chị cùng theo hai mẹ con. Chị N tâm tình, mẹ chồng và chồng đi làm cả ngày, chị phải tự xoay xở tất cả mọi thứ. Ngay thời điểm trong tháng ở cữ, chị phải tự nấu ăn, giặt giũ, rồi thì tã ướt, con quấy..., chị áp lực, phải tự trấn an, cố gắng vì con. “Ở với mẹ chồng, tôi không dám than vãn nửa lời. Tôi chăm con theo cách khoa học, mẹ không hài lòng, nói tôi cãi lời thì tự chăm con một mình. Chồng đi làm suốt ngày, tôi buồn, tôi khóc, một mình tôi biết. Tôi chỉ biết chia sẻ qua facebook, rồi lặng lẽ một mình”, chị N bùi ngùi.
Để phòng ngừa trầm cảm sau sinh, chị em nên đến các trung tâm, bệnh viện để được tư vấn và chuẩn bị tâm lý làm mẹ. (Ảnh chụp tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản Cà Mau). |
Cần sự sẻ chia
Bác sĩ CKII Trương Minh Kiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết, trầm cảm sau sinh là một dạng của bệnh trầm cảm ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ sau khi đứa con sinh ra. Có hơn một nửa số phụ nữ trầm cảm sau khi sinh cũng từng trải qua cơn trầm cảm trước khi có thai và trong suốt thời gian mang thai. Các triệu chứng có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào đó trong năm đầu sau sinh như: cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc bé, sao nhãng chăm con, cáu gắt với người khác, dễ lo âu và hoảng sợ, buồn bã, rối loạn giấc ngủ, cảm thấy yếu ớt, không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục... Những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với đứa trẻ. Trong trường hợp bị nặng, ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ ngay sau khi sinh có thể xảy ra với những hoang tưởng hoặc ảo giác.
“Những người thân trong gia đình cần quan tâm, cảm thông và chia sẻ với phụ nữ sau sinh. Cần nhận biết sớm những dấu hiệu trầm cảm sau sinh để có phương hướng điều trị thích hợp”, Bác sĩ Trương Minh Kiển khuyến nghị.
Theo Bác sĩ CKII Trương Minh Kiển, có nhiều trường hợp sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Họ rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Căng thẳng thường đi kèm với trầm cảm. Những bà mẹ bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn. Nhiều khi họ có cảm giác như muốn nổ tung ra. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Những nỗi sợ này là triệu chứng thường gặp của trầm cảm, có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi. Điều này thường không có nguyên do, nhưng nếu người mẹ sợ ảnh hưởng đến con mình thì nên báo với gia đình và bác sĩ.
“Gia đình nên hiểu rằng, bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp người mẹ phục hồi nhanh chóng. Đừng quên rằng người mẹ không được khoẻ và đừng quấy rầy. Hãy cố gắng đối xử với họ như một căn bệnh bình thường”, Bác sĩ Trương Minh Kiển đưa ra lời khuyên.
“Một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc và họ cần sự quan tâm tuyệt đối của người chồng. Đừng phó mặc cho vợ rồi khi có vấn đề lại cùng người ngoài đổ lỗi cho vợ mình”, chị A.V bày tỏ./.
Để phòng ngừa trầm cảm sau sinh, Bác sĩ Trương Minh Kiển cho rằng, người chồng và những người thân trong gia đình cần động viên, gần gũi, chia sẻ với thai phụ về cuộc chuyển dạ và chăm sóc bé sau sinh. Tham gia các lớp học dành cho đối tượng làm cha, làm mẹ do bệnh viện tổ chức; lên kế hoạch về tiền bạc liên quan mật thiết với chuyện em bé sắp ra đời. Cần nghĩ ra cách thức nhằm chia sẻ trách nhiệm chăm sóc em bé. Chú ý đến các vấn đề quan hệ gia đình trước khi em bé chào đời. |
Băng Thanh