Bằng việc tăng cường mở các lớp tập huấn, kết hợp với trình diễn, triển khai các mô hình tiêu biểu, Trạm Khuyến nông đã trang bị kiến thức cho nông dân để họ đổi mới tư duy, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay thế những phương pháp sản xuất truyền thống. Nhờ đó, kinh tế của người dân ngày càng ổn định, diện mạo nông thôn Ngọc Hiển ngày thêm khởi sắc.
Trong những năm qua, sản lượng khai thác, nuôi thuỷ sản của huyện Ngọc Hiển đều đạt và tăng so với kế hoạch. Kết quả đó ngoài sự cố gắng chung của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân huyện nhà, còn có sự đóng góp không nhỏ của Trạm Khuyến nông huyện.
Bằng việc tăng cường mở các lớp tập huấn, kết hợp với trình diễn, triển khai các mô hình tiêu biểu, Trạm Khuyến nông đã trang bị kiến thức cho nông dân để họ đổi mới tư duy, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay thế những phương pháp sản xuất truyền thống. Nhờ đó, kinh tế của người dân ngày càng ổn định, diện mạo nông thôn Ngọc Hiển ngày thêm khởi sắc.
Ngọc Hiển có diện tích nuôi thuỷ sản chiếm trên 32% diện tích tự nhiên. Ðây là điều kiện để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế thuỷ sản. Bám sát tình hình thực tế của địa phương, đội ngũ nhân viên khuyến nông từ huyện đến cơ sở luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Trước hết, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của hoạt động khuyến nông, trạm đã kiện toàn bộ máy hoạt động từ huyện đến xã. Hiện nay, trạm có 3 nhân viên phụ trách ở huyện và 7 nhân viên tăng cường về các xã, thị trấn. Ðội ngũ nhân viên khuyến nông có trình độ từ đại học trở lên và thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Ông Mai Văn Ðoan, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Hằng năm, trạm đều đưa người đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ như nghiệp vụ khuyến nông - khuyến ngư, kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng truyền đạt đến cho bà con. Các lớp tập huấn do trung tâm tổ chức, mời những chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, các viện nghiên cứu có kinh nghiệm xuống tập huấn”.
Những kiến thức, nghiệp vụ bồi dưỡng từ các lớp học, đội ngũ nhân viên trạm đã chọn lọc và tiến hành truyền đạt lại cho nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng như: mở lớp tập huấn, tổ chức hội thảo, xây dựng lớp học hiện trường kết hợp với trao đổi, tư vấn trực tiếp... Từ đầu năm đến nay, trạm đã mở 20 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; 1 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình; phối hợp với Phòng Khuyến ngư tổ chức 13 lớp tập huấn về kỹ thuật chọn giống, thả giống; xây dựng 3 lớp học hiện trường, mở nhiều cuộc tư vấn - toạ đàm trực tiếp cho nông dân về sản xuất nông nghiệp, nuôi thuỷ sản, thu hút hơn 1.300 người tham dự.
Không chỉ đa dạng về hình thức tổ chức mà trong các buổi tập huấn, tiếp xúc với nông dân, đội ngũ nhân viên khuyến nông luôn nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thức truyền đạt để vừa tăng thêm sự sinh động cho buổi học, vừa dễ hiểu, thu hút người nghe. Các kiến thức cơ bản từ khâu chọn giống, ươm dưỡng giống, chọn thời điểm thả giống, cách chăm sóc, quản lý, cách phòng, trị bệnh cho đến khâu thu hoạch được truyền đạt đầy đủ để người dân tiếp thu và áp dụng hiệu quả.
Ông Mai Văn Ðoan nói: "Mục đích của các lớp tập huấn là nhằm tạo mọi điều kiện để đưa những tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ những trường, những viện đã được nghiên cứu, áp dụng thành công đưa đến cho người dân sản xuất nhằm đa dạng hoá vật nuôi, cây trồng trên cùng diện tích, giúp bà con tăng thu nhập".
Ðể tạo niềm tin và sức thuyết phục đối với bà con nông dân, thời gian qua, trạm phối hợp với xã thực hiện thành công nhiều mô hình khảo nghiệm như mô hình nuôi cua thương phẩm của hộ ông Trương Văn Ly, ấp Kinh Ranh, xã Viên An Ðông, cho thu nhập gần 90 triệu đồng/vụ. Ông Ly cho biết: "Lúc trước gia đình tôi nuôi cua theo kiểu truyền thống, thu nhập không cao bằng bây giờ. Ðược Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn, áp dụng khoa học nên thu nhập cao, kinh tế khá giả hơn".
Ông Huỳnh Văn Lập, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, cũng thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Với tổng diện tích 8 ha, mỗi năm ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Lập phấn khởi nói: "Hằng năm, ở huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp mở mang kiến thức, áp dụng vào nuôi tôm. Truyền thống ngày trước thả theo thời vụ, thu nhập ít hơn, còn nay thu nhập nhiều và dài hơn, cuộc sống gia đình ổn định".
Những mô hình trên đều có chung đặc điểm là dễ thực hiện, ít tốn chi phí, mang lại thu nhập kinh tế cao và hiện đang được nhân rộng. Thông qua các lớp tập huấn, nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay được nông dân truyền tay nhau, chia sẻ kinh nghiệm để cùng phát triển. Những phương pháp sản xuất truyền thống, kém hiệu quả đã được chuyển đổi và thay thế bằng phương pháp sản xuất mới, có sự chuyển giao của công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Có thể nói, công tác tập huấn không những góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng thuỷ sản mà còn tạo điều kiện chuyển đổi tư duy trong sản xuất của người nông dân vùng ven biển.
Gửi gắm tâm tư của người nông dân Ngọc Hiển, ông Trương Văn Ly, nói: "Tôi mong Trạm Khuyến nông huyện giúp đỡ bà con nhiều hơn, mở nhiều lớp tập huấn, tạo nhiều mô hình hơn để bà con mình phát triển kinh tế"./.
C.Hiểu