Giá cừ tràm hiện nay trên thị trường đang tăng cao, gấp đôi so với năm 2015. Từ đó, các chủ rừng đang khai thác rừng rất phấn khởi.
Giá cừ tràm hiện nay trên thị trường đang tăng cao, gấp đôi so với năm 2015. Từ đó, các chủ rừng đang khai thác rừng rất phấn khởi.
Ông Trần Văn Hùng, Phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, theo ghi nhận từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ giá cây tràm được bám với giá bình quân từ 120-150 triệu đồng/ha, loại rừng từ 6-7 năm tuổi, còn loại từ 5-6 năm tuổi thì giao động trong khoảng 70-120 triệu đồng/ha”.
Cừ được các thương lái thu mua vơi giá cao từ 70-120 triệu đồng/ha loại rừng 5 năm tuổi. |
Đang thu hoạch những cây tràm 5 năm tuổi cuối cùng trên diện tích 1,9 ha, ông Nguyễn Văn Dữ, Ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, phấn khởi cho biết: “Do hạn vừa qua, tràm lớn nhanh và giá bán được thương lái thoả thuận cho diện tích rừng của tôi là 125 triệu đồng. Giá bán này tăng hơn gấp đôi, năm ngoái chỉ 25-30 triệu đồng/ha. Anh em ai cũng phấn khởi”.
Theo ông Dữ, những hộ đã khai thác đang tích cực lên liếp, trồng mới rừng tràm đã khai thác xong. Do nhận thấy tràm được trồng trên bờ liếp mau lớn hơn, rút ngắn thời gian thu hoạch 1 năm so với cách trồng truyền thống, luôn ngập nước, ảnh hưởng đến sức lớn của cây tràm. Với trồng này giúp rút ngắn chu kỳ thu hoạch cây tràm, nông dân có có nguồn thu ổn định hơn.
Theo một số thương lái thu mua tràm, giá tràm tăng cao như hiện nay là do nguồn cung thiếu để cung ứng cho nhu cầu ngoài tỉnh. Chị Nguyễn Hồng Sen, thương lái thu mua tràm tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: “Hiện nay, một số thương lái các tỉnh trên như TP Cần Thơ, Đồng Tháp xuống tranh mua. Một phần do tràm các tỉnh trên đã khai thác hết đợt và thêm vào đó chất lượng cây tràm trồng tại U Minh tốt hơn nhiều so với các tỉnh trên do không sử dụng phân”.
Giá cây tràm tăng cao, giá cây keo lai cũng tăng. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau thì giá bán cây keo lai hiện nay từ 155-190 triệu đồng/ha. Nhưng thời gian trồng đến thu hoạch so với cây tràm hiện nay thì không chênh lệch nhiều, nên những hộ đã và đang khai thác vẫn tiếp tục trồng cây tràm truyền thống đã nuôi sống mình từ mấy chục năm qua.
Ông Trần Văn Hùng cho biết thêm: “Diện tích trồng mới là 172,75 ha; trồng sau khai thác là 1.132,74 ha; còn diện tích rừng tràm đã được khai thác đến thời điểm này là 1.143,9 ha thuộc rừng sản xuất của nông dân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ. Và diện tích rừng tràm còn lại đang phát triển đủ loại năm tuổi trên 20.000 ha”.
Với diện tích khai thác rừng hiện tại và giá bán cao như hiện nay thì cuộc sống của người dân trên lâm phần rừng tràm sẽ có thu nhập khấm khá hơn, có điều kiện cải thiện cuộc sống. Đồng thời, tạo thêm lòng tin cho người dân tiếp tục bám và bảo vệ rừng trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Diệu Lữ