Từ thú vui thích nuôi động vật hoang dã mà nhiều hộ gia đình trong xã Biển Bạch, huyện Thới Bình dần nhân rộng mô hình nuôi le le với quy mô lớn và đầu tư phát triển để đưa kinh tế gia đình đi lên.
Từ thú vui thích nuôi động vật hoang dã mà nhiều hộ gia đình trong xã Biển Bạch, huyện Thới Bình dần nhân rộng mô hình nuôi le le với quy mô lớn và đầu tư phát triển để đưa kinh tế gia đình đi lên.
Từ thú nuôi chim để chơi, anh Lê Bé Tư, Ấp 18, xã Biển Bạch bắt đầu nuôi 50 con le le giống vào tháng 8/2015. Mô hình được gia đình anh xây dựng trên quy mô hơn 1.000 m2, bao gồm mặt nước, khu tắm nắng, khu sinh sản được rào chắn bằng lưới sắt. Sau 9 tháng nuôi thử nghiệm, đàn chim giống hơn 50 con đều sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh, không có dấu hiệu bị bệnh. Hiện có gần 20 con le le đang vào thời kỳ đẻ trứng, mỗi con le le cái có thể đẻ từ 10-12 trứng, có con đẻ đến 14 trứng.
Vào thời điểm thuận mùa như mùa mưa, le le nở rất đều và đạt, nuôi dưỡng chẳng khác vịt đồng. Le le mới nở cho ăn thức ăn đến 15 ngày bắt đầu cho ăn lúa đến trưởng thành, mỗi con le le nuôi từ 3,5 đến 4 tháng thì bán được. Ðể chim không bay, anh Bé Tư cắt cánh co ngoài hoặc nhổ bớt lông cánh và làm ổ cho chim đẻ.
Anh Lê Bé Tư nói: “Lúc đó ham quá, mua giống 700.000 đồng/con về nuôi cho bắt cặp đẻ, nếu bán thì một bầy có thể lấy lãi trên 5 triệu đồng, tôi quyết định nhân giống thật nhiều để nuôi quy mô lớn”.
Hay anh Nguyễn Văn Ý, cùng ấp, cũng nuôi mộng nuôi chim rừng mà anh tìm tòi học hỏi từ những người nuôi ở tỉnh bạn. Ban đầu anh thử nghiệm với 4 cặp le le giống, sau vài tháng đàn le le của anh được gần 30 con, anh quyết tâm mở rộng mô hình, rào lưới làm ổ cho le le sinh sản. Anh dự kiến mở rộng diện tích khoảng 2.000 m2 nuôi le le để cung cấp con giống cũng như chim thương phẩm ra thị trường, với ước mơ làm giàu từ nuôi le le.
Anh Nguyễn Văn Ý nói: “Tham quan nhiều mô hình nhưng tôi thấy mô hình nuôi le le phát triển và bền vững, lại dễ nuôi, chi phí thức ăn rất nhẹ. Tôi mới nhân ra được mấy chục con mà đã có mối lái đến đặt hàng, khi có nhiều, cần bán, chỉ cần điện là họ đến mua ngay, giá cũng cao lắm”.
Dù mô hình mới bắt đầu nhưng anh Bé Tư và anh Ý đều cho biết đã có thương lái đến đặt mối, khi có nhu cầu bán, họ sẵn sàng đến tận nơi để mua. Mỗi con le le thịt trọng lượng 450-500 g có giá từ 650.000-700.000 đồng, người nuôi lời từ 400.000-500.000 đồng/con.
Ðược biết, trên thị trường, le le thương phẩm rất hút hàng, là món ăn được ưa chuộng vì bổ dưỡng nên anh Bé Tư và anh Ý quyết định đầu tư nuôi đại trà. Thức ăn của chúng chủ yếu là lúa, rau muống và bèo cám nên dù le le nuôi trong môi trường bán tự nhiên, chất lượng thịt vẫn rất ngọt, thơm, là đặc sản tại các nhà hàng.
Qua đánh giá bước đầu của ngành chức năng, mô hình nuôi le le trên địa bàn có nhiều triển vọng vì loài chim này sức đề kháng cao, ít bệnh, đặc biệt thức ăn rất đơn giản và tận dụng được từ các phụ phẩm nông nghiệp nên chi phí rất ít.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Bình Phan Chí Công cho biết: “Ðây là mô hình mới, toàn huyện Thới Bình chỉ có môi trường sống ở xã Biển Bạch thích hợp với con le le. Hội sẽ đưa hội viên đi tham quan học tập rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân trong huyện”.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Thới Bình đang khuyến khích nông dân chuyển đổi vật nuôi, đặc biệt là các mô hình vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Phát triển mô hình nuôi chim le le là hướng đi triển vọng, vừa bảo tồn được giống loài chim le le, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, lại cho thu nhập cao./.
T.Linh