Thời gian gần đây phong trào nuôi cá kèo phát triển khá mạnh ở TP Cà Mau, đặc biệt là ở xã Tân Thành.
Thời gian gần đây phong trào nuôi cá kèo phát triển khá mạnh ở TP Cà Mau, đặc biệt là ở xã Tân Thành.
Phong trào nuôi cá kèo ở xã Tân Thành bắt đầu vào năm 2009. Khi ấy chỉ có vài hộ nuôi, nhưng đến nay, toàn xã Tân Thành có 26 hộ nuôi cá kèo với diện tích gần 21 ha, tập trung ở Ấp 3 và Ấp 5. Riêng Ấp 5 có tới 23 hộ nuôi với tổng diện tích gần 18 ha.
Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh Nguyễn Thanh Hà, Ấp 5, xã Tân Thành được mệnh danh là "ông vua" nuôi cá kèo. Bởi ông là người đầu tiên ở xã mang cá giống về nuôi thử nghiệm vào năm 2009. Thời điểm đó, ông Hà thả 20.000 con cá kèo giống trên diện tích 2.000 m2. Nhờ tích cực chăm sóc, sau 5 tháng thả nuôi, ông Hà lãi trên 300 triệu đồng.
"Ông vua" nuôi cá kèo Nguyễn Thanh Hà thu lãi từ mô hình này khoảng 600 triệu đồng/năm. |
Với vốn kinh nghiệm sẵn có, liên tiếp những năm gần đây, gia đình ông Hà đều lãi từ 300-600 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ nghề nuôi cá kèo mang lại, ông Hà mở rộng diện tích nuôi cá kèo lên 15.000 m2, chia làm 5 ao nuôi. Trên diện tích đó, ông Hà thả nuôi trên 10.500 con cá kèo giống. Nếu vụ nuôi này thành công, trừ chi phí, ông sẽ lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Theo ông Hà, nuôi cá kèo tuy nặng vốn mua con giống, thức ăn nhưng bù lại đối tượng nuôi này nhẹ công chăm sóc, ít hao hụt mà lại dễ trúng. Ðầu ra ổn định. Giá bán khá cao, bình quân mỗi ký cá kèo thương lái thu mua từ 75.000-90.000 đồng.
“Tuy nhiên, để nuôi cá kèo đạt sản lượng đòi hỏi người nuôi phải chú trọng khâu xử lý nước, chọn con giống tốt và cung cấp đủ thức ăn trong suốt quá trình nuôi. Cái hay của nghề nuôi cá kèo còn ở chỗ, người nuôi tận dụng nguồn nước sau khi thu hoạch cá để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Nhờ nguồn nước giàu chất dinh dưỡng nên hầu hết vụ nuôi tôm của nông dân đều trúng”, ông Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Vào những năm trước, gia đình ông Lê Văn Bi, Ấp 5, xã Tân Thành đầu tư nuôi tôm sú, cá bống tượng, cá chình… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Với quyết tâm thay đổi đối tượng nuôi để tăng thu nhập, ông Bi tự tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi cá kèo từ bạn bè, qua sách vở và các phương tiện thông tin đại chúng, ông mạnh dạn chọn nuôi cá kèo thay thế con tôm. Năm 2015, ông Bi thả 30.000 con cá kèo giống trên diện tích 3.000 m2. Sau 5 tháng thả nuôi, tuy có hao hụt nhưng ông Bi thu lãi được 100 triệu đồng. Hiện ông tăng diện tích nuôi lên 4.000 m2, thả 40.000 con cá kèo giống, đến nay được 2,5 tháng tuổi.
Cá kèo là loài thuỷ sản thích hợp với nguồn nước lợ. Ngoài yếu tố nguồn nước, con giống, người nuôi cần theo dõi quá trình phát triển cũng như lúc cá bị bệnh để có hướng xử lý kịp thời.
Ông Lê Văn Bi chia sẻ: “Ðể nuôi cá kèo, trước hết chuẩn bị ao nuôi có diện tích tương đối rộng, từ 1.000-3.000 m2, nhằm hạn chế việc phải thay nguồn nước sẽ làm hao hụt lượng cá nuôi. Trước khi thả cá, nước cần được bón vi sinh để gây màu. Mực nước thích hợp cho cá kèo con là 0,5 m, độ mặn 10‰, sau vài tháng thả nuôi, mực nước trong ao phải bơm lên từ 1-1,2 m. Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều mát bằng thức ăn công nghiệp”.
Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho biết: “Thời gian tới, Hội Nông dân xã khuyến cáo bà con nông dân nên chọn đối tượng nuôi phù hợp với vùng đất xã Tân Thành, trong đó, mô hình nuôi cá kèo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Ngoài ra, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau tổ chức các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất có hiệu quả hơn"./.
Bài và ảnh: Bích Lệ